Giải báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020: Xông vào điểm nóng, "khai phá" những vùng đất mới

Ma Yến Thứ hai, ngày 21/06/2021 05:45 AM (GMT+7)
"Giải Báo chí quốc gia đã có một năm thành công với sự tiến bộ vượt bậc của các tác phẩm dự giải, cả về số lượng lẫn chất lượng" - ông Trần Bá Dung - Trưởng ban Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Giải Báo chí quốc gia năm 2020 khẳng định.
Bình luận 0

Tăng trưởng và đột phá

Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV năm 2020 quy tụ 114 đơn vị cấp hội và 190 cộng tác viên tham dự ở 11 loại giải theo quy định. Đặc biệt, đây cũng là năm tiếp theo có sự tham dự của tất cả 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố với hơn 1.900 tác phẩm chất lượng được tuyển chọn từ cơ sở.

Giải báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020: Xông vào điểm nóng,"khai phá" những vùng đất mới - Ảnh 1.

Một nhóm làm phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” (đoạt Giải Đặc biệt). Ảnh: B.N.D

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lễ trao Giải Báo chí quốc gia năm 2020 sẽ không tổ chức vào dịp 21/6 như thường lệ, mà sẽ được tổ chức trọng thể vào dịp Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam sắp tới.

Ông Trần Bá Dung - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, thành viên thường trực Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia cho biết, bên cạnh sự tăng trưởng về số lượng, chất lượng các tác phẩm gửi tới dự thi năm nay cũng có nhiều sự đột phá: "Tác phẩm dự giải được các cấp hội nhà báo tuyển chọn ngày càng chuyên nghiệp. Bài vở được xây dựng bài bản, kỹ lưỡng, cho thấy sự đầu tư của phóng viên và các cơ quan báo chí. 80% số tác phẩm gửi về đều là bài dài kỳ (từ 2 kỳ trở lên), phản ánh vấn đề một cách sâu sắc, nhiều tầng lớp và khía cạnh. Các tác phẩm dự giải cũng có nhiều thay đổi về phương tiện biểu đạt, thể hiện sự nỗ lực của người làm báo trong việc truyền tải thông tin nhằm tiếp cận độc giả. Nhiều bài viết được dựng dưới dạng long-form, infographics hoành tráng, công phu, đẹp mắt".

2 loạt bài ấn tượng của Báo NTNN/Dân Việt

Đại diện của Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao các tác phẩm báo chí gửi tham dự Giải Báo chí quốc gia năm 2020 của Báo NTNN/Dân Việt Đó là câu chuyện thời sự nóng hổi được viết một cách thú vị, giàu cảm xúc trong loạt 4 bài: "Hòa hợp, hòa giải dân tộc: Những nỗ lực xóa bỏ ngăn cách" - bao gồm các cuộc trò chuyện với những nhân chứng từng thuộc chế độ cũ; những tâm sự của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết… Với chính sách đúng đắn, kinh tế phát triển, tôn trọng và bao dung của Việt Nam, các nhân chứng này đã thay đổi suy nghĩ, cùng chung tay xóa bỏ những ngăn cách, định kiến về đất nước, góp phần vào công cuộc hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Loạt 5 bài của Báo NTNN/Dân Việt: "Lời man trá trong các rừng nghiến khổng lồ" cũng gây ấn tượng với Hội đồng Giải Báo chí quốc gia. Loạt bài cho thấy sự dấn thân của các phóng viên khi trực tiếp đi vào khu rừng ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, nhiều ngày để chứng kiến, ghi nhận và phản ánh tình trạng tàn sát rừng nghiến cổ thụ quý giá trên vùng núi đá. Phóng viên cũng vào vai lái buôn gỗ, đến tận nhà, vào tận kho, ghi hình từng lâm tặc và các chủ buôn gỗ khét tiếng khu vực huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) và huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng). Phóng sự dài kỳ này đã tạo được hiệu ứng xã hội lớn: Lực lượng chức năng tiếp thu thông tin báo phản ánh, bắt nhiều vụ phá rừng nghiến và buôn gỗ nghiến; cơ quan chức năng ở Tuyên Quang đã khởi tố vụ án phá rừng nghiến. Đặc biệt, Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT) ra văn bản yêu cầu chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng. Các đối tượng kiện UBND tỉnh Lào Cai (vì bị bắt giữ) đã phải cúi đầu nhận tội...

M.Y

Các sự kiện lớn trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước được phản ánh đầy đủ trong tác phẩm dự Giải Báo chí quốc gia năm 2020. Đó là công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp; sự tàn phá của thiên tai lũ lụt tại miền Trung, hạn mặn tại miền Tây; cuộc chiến dai dẳng chống dịch Covid-19… "Không có gì bất ngờ khi hầu hết các tác phẩm đoạt giải đều nằm trong 3 mảng đề tài này. Các bài báo gửi về cho thấy sự dấn thân và xông pha của nhà báo trên mọi điểm nóng của đất nước, không ít tác phẩm khiến Hội đồng chấm giải chúng tôi cảm động và khâm phục. Những phóng viên trên cả nước đã không ngại ngó, ngại khổ đi vào vùng tâm dịch Covid-19, đến với vùng tâm lũ miền Trung, với điểm sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, Hướng Hóa - Quảng Trị… Có thể nói, bất cứ nơi nào người dân đang cần chia sẻ, nơi nào xã hội cần biết thông tin đều có bóng dáng của những người làm báo. Các phóng viên đã phản ánh đầy đủ, chân thực những hy sinh thầm lặng, vất vả của các chiến sĩ "áo trắng", chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng và người dân cả nước trong các biến cố" - ông Trần Bá Dung chia sẻ.

Như thường lệ, Giải Báo chí quốc gia vẫn có nhiều các tác phẩm chất lượng phản ánh công cuộc chống tham nhũng, chống tiêu cực, phản ánh nạn phá rừng, buôn lậu… Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu, nắm vấn đề, mang lại hiệu quả xã hội tích cực.

TS Trần Bá Dung thông tin, Hội đồng Giải thưởng của Giải Báo chí quốc gia 2020 chọn được 112/150 tác phẩm xuất sắc để trao giải, bao gồm: 1 giải Đặc biệt, 9 giải A, 25 giải B, 45 giải C và 32 giải Khuyến khích. Sau 15 năm, lần đầu tiên Giải Báo chí quốc gia có Giải Đặc biệt, sau nhiều năm chưa tìm được ứng viên xứng đáng. Tác phẩm giành Giải Đặc biệt năm nay là phim tài liệu "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình" - do Báo Nhân Dân thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng. Đây là một "công trình" đồ sộ gồm 90 tập phim (25 - 30 phút/tập), một "biên niên sử" của dòng chảy lịch sử, sự phát triển trường tồn của dân tộc, đất nước, thời đại… Ông Trần Bá Dung cho biết, đây là một tác phẩm có giá trị cao về mặt tư liệu, với nhiều tài liệu quý hiếm chưa từng công bố, địa bàn tác nghiệp của người làm báo cả ở trong và ngoài nước, góp phần lý giải, sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử của Đảng, của dân tộc, đất nước. Bộ phim cũng tạo được tiếng vang trong dư luận, có hiệu ứng lớn trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, lan tỏa rộng rãi tới cộng đồng. Những yếu tố vượt trội và đặc biệt này đã giúp bộ phim giành giải đặc biệt với sự nhất trí cao từ Hội đồng Giải thưởng.

2 điều tiếc nuối

Đề cập tới những vấn đề còn tồn tại của Giải Báo chí quốc gia 2020, ông Trần Bá Dung cho biết, điều đáng tiếc là vẫn còn có sự thờ ơ và thiếu sát sao, thiếu nhiệt tình của một số chi hội nhà báo, dẫn tới không ít phóng viên chưa có cơ hội gửi tác phẩm tham dự, hoặc có gửi nhưng tác phẩm chưa được đầu tư kỹ lưỡng…

"Để một tác phẩm đoạt giải cần có sự nỗ lực, đầu tư của tòa soạn báo cũng như mỗi phóng viên, không thể chỉ "chọn đại" tác phẩm và gửi dự giải. Điều khiến chúng tôi trăn trở là còn không ít chi hội chưa đầu tư, sát sao trong việc tạo điều kiện và hướng dẫn chu đáo hội viên tham dự giải thưởng danh giá này, không ít tác phẩm gửi lên bị nhầm lẫn về thể loại, sai về quy cách, gây thiệt thòi cho chính phóng viên. Việc một cấp Hội Nhà báo không tổ chức tuyển chọn tác phẩm trong năm của hội viên để gửi là đã tự tước đi quyền dự giải của anh em" - TS Trần Bá Dung đánh giá.

Bên cạnh đó, sự thiếu vắng của các tác phẩm dự giải thuộc nhóm thể loại "Ảnh báo chí" cũng để lại nhiều tiếc nuối. Mỗi năm, Giải Báo chí quốc gia chỉ quy tụ hơn 100 tác phẩm ảnh báo chí tham dự - một số lượng vô cùng khiêm tốn so với thực tế đời sống ảnh báo chí hàng năm và sự phát triển của loại hình báo chí hùng mạnh này trong những năm gần đây. Trong khi đó, Hội đồng Giải đã có cơ chế đặc thù cho tác giả ảnh báo chí được tự chọn tác phẩm gửi dự giải và các cấp Hội Nhà báo được chọn ảnh báo chí tham dự không hạn chế số lượng. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem