Bản quyền tác phẩm báo chí: Không thể bảo vệ, báo chí chưa thể hoạt động chuyên nghiệp
Bản quyền tác phẩm báo chí: Không thể bảo vệ, báo chí chưa thể hoạt động chuyên nghiệp
Hà Văn (Hội Nhà báo Việt Nam)
Thứ hai, ngày 21/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Sự tiến bộ về công nghệ cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội khiến cho cuộc chiến chống vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Các cơ quan báo chí đang đứng trước một con đường, một mục tiêu là cùng nắm tay nhau, liên kết và thành lập một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí, vì sự phát triển chung.
Bát nháo nạn ăn cắp bản quyền, "nhân bản" tác phẩm
Suốt thời gian qua, những người làm báo chân chính vẫn đau đáu một câu chuyện: Một tờ báo phải mất rất nhiều công sức và tài chính để có được một tấm ảnh, đoạn video hay một phóng sự cầu kỳ, thậm chí là một bản tin độc quyền, nhưng chỉ sau vài phút đăng lên trên Internet đã bị "nhân bản" ngay lập tức, bởi các trang tin điện tử, bởi mạng xã hội và cả những tờ báo khác.
Thông qua việc sử dụng thông tin từ các cơ quan báo chí, uy tín của các mạng xã hội tăng lên, nguồn lợi thu được từ quảng cáo cực lớn. Trong khi những nhà báo chân chính đổ mồ hôi, nước mắt và cả sự an nguy của bản thân lại không được đền đáp xứng đáng...
Cũng có rất nhiều cơ quan báo chí lên tiếng bảo vệ bản quyền nhưng đôi khi "bất lực" vì có nhiều vụ phát hiện vi phạm trắng trợn mà phải bó tay vì có những trang tin, mạng xã hội… "3 không": Không biết chủ sở hữu hay cơ quan chủ quản là ai, chẳng biết địa chỉ liên lạc ở đâu và họ không được cấp giấy phép...
Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân từng nhấn mạnh: Khi hàng loạt trang tin điện tử được cấp phép ra đời, tình trạng xâm phạm bản quyền báo chí thực sự trở nên trầm trọng.
Trước đây người ta còn cắt dán bằng tay, mà chúng ta từng gọi bằng thuật ngữ tiếng Anh là "copy- paste", giờ đây nhiều đơn vị sử dụng công nghệ hiện đại để tự động rút tin của báo chí.
Nhà báo Lê Quốc Minh phân tích thêm, theo quy định để được cấp phép hoạt động, các trang tin này chỉ cần xin phép của 5 tờ báo, sau khi đã nhận giấy phép rồi thì họ lấy tin từ mọi nguồn, chẳng chừa một ai. Đó là chưa kể tình trạng lấy nội dung nhưng cắt ghép, giật tít không đúng bản chất để gây sốc, câu view.
Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn bởi ngoài cả ngàn trang thông tin điện tử còn có hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn website, kênh YouTube, Facebook fanpage, tài khoản Instagram, Zalo… đang ngày ngày tự "sản xuất" đủ loại thông tin, một phần chỉ là cắt-dán trái phép, và rất nhiều trang lấy cắp nội dung nhưng lại tạo ra những bản tin giả mạo, sai trái, góp phần tạo nên "đại dịch" tin giả.
Tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí giữa các cơ quan báo chí và các không gian mạng xuyên quốc gia như Facebook, Google... quả thực đang dẫn đến nhiều bức xúc. Bởi lẽ, các nền tảng này sử dụng thông tin báo chí nhằm tạo ra nguồn lợi cho chính họ mà không có bất kỳ sự chia sẻ nguồn lợi nào với những cơ quan báo chí sản xuất ra các tin tức đó.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - nhà báo Tô Đình Tuân ước tính, thị trường quảng cáo trên mạng xã hội ở Việt Nam trong năm 2020 lên đến hơn 1 tỷ USD, về lâu dài con số này còn phát triển hơn nữa. Trong khi thị phần của các cơ quan báo chí chính thống càng ngày càng bị thu hẹp. "Nói một cách thẳng thắn, họ đang kiếm tiền trên mồ hôi, công sức của những người làm báo chân chính" - ông Tuân nói.
Thêm vào đó, tình trạng xào bài lẫn nhau giữa các cơ quan báo chí cũng thành chuyện "thường ngày ở huyện". Khi chúng ta vẫn chưa thực sự nhận thức đầy đủ những nguy cơ của nạn xâm phạm bản quyền, chưa thấy nó là chuyện "cháy nhà chết người" thì những câu chuyện này vẫn chỉ là chuyện bàn thảo, câu chuyện làm quà.
Sự lười biếng của một bộ phận những "nhà báo salon" đã khiến cho việc "xào" tin bài từ báo bạn thành chuyên nghiệp, thậm chí một người làm cả chục bài/ngày. Việc của họ là thay tít, đổi tên tác giả, cắt ghép câu đoạn, chỉnh trang như thể đã đến, đã đi, đã gặp...
Theo các chuyên gia phân tích, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của báo chí và trong năm 2020 vừa qua, chúng ta càng thấy rõ điều đó. Giờ đây, khi đại dịch Covid-19 tàn phá khắp thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có báo chí.
Dịch bệnh khiến số lượng phát hành của báo in giảm sút thê thảm, dẫn đến nguồn thu quảng cáo cũng sụt giảm đáng kể, nhiều nơi lên tới 70-80%. Trong khi đó, doanh thu quảng cáo digital quá nhỏ, không đủ bù đắp phần mất đi từ báo in. Và tiếp tục, một năm 2021 không có gì khá hơn khi dịch và những hệ lụy của nó vẫn ngày càng trầm trọng.
Giải quyết thỏa đáng, minh bạch và công bằng
"Đối với những vi phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới, rồi vi phạm công nghệ đa phương tiện một cách phức tạp thì một tổ chức, một trung tâm chuyên nghiệp đứng ra để giải quyết sẽ thỏa đáng, minh bạch và công bằng", nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị.
Theo kết quả khảo sát cá nhân trong một phạm vi hẹp, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ TP.HCM Lê Xuân Trung cho biết: Đến nay, Báo Tuổi Trẻ bị lấy nguyên văn hơn 16.000 tác phẩm báo chí. Việc lấy lại các tác phẩm báo chí diễn ra rất phổ biến, công khai dưới nhiều hình thức như dẫn lại, trích nguồn mà không xin phép...
Không chỉ Báo Tuổi trẻ, nhiều báo khác cũng phải đối mặt với tình trạng này như Báo Thanh Niên (gần 10.000 lần), VnExpress (gần 9.000 lần)... Cùng với vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí, còn có tình trạng vi phạm thương hiệu báo chí, Báo Tuổi trẻ đã đề nghị rút giấy phép 2 trang mạo danh báo Tuổi Trẻ...
Phân tích nguyên nhân, Tổng Biên tập Tạp chí Reatimes Phạm Nguyễn Toan cho rằng: Do thói quen làm báo "hợp tác xã" nên giá trị bản quyền tác phẩm báo chí đã bị coi nhẹ. Coi nhẹ đến nỗi sinh ra suy nghĩ rằng họ lấy bài của mình thì mình cũng lấy bài của họ. Chính vì thế, nạn vi phạm bản quyền ở báo chí bây giờ có lẽ đã quen thuộc đến nỗi… bình thường. Nhìn chung, ý thức bản quyền báo chí rất "mờ" trong từng người làm báo.
Nghiêm trọng và lâu dài hơn, chính là cả bức tranh báo chí nước nhà sẽ ngày càng đơn điệu, dần mất đi sự khác biệt, phát hiện, phản biện. Nếu tờ báo nào cũng muốn trở thành một "siêu thị" tin tức mà bất chấp "chôm chỉa" trắng trợn thành quả, mồ hôi của người khác thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khẳng định: Việt Nam đã tham gia công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả từ lâu nhưng bản quyền báo chí chưa được bảo vệ thì thực sự là một thiếu sót nghiêm trọng.
"Nếu chưa bảo vệ được bản quyền báo chí thì không thể hoạt động một cách chuyên nghiệp chứ chưa nói đến phát triển lành mạnh...", ông Minh đánh giá.
Ở một góc độ khác, có nhiều ý kiến cũng đặt ra câu chuyện "nhắc người, sửa mình" cũng là cần kíp. Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, muốn xử lý triệt để vấn nạn vi phạm bản quyền thì bản thân các cơ quan báo chí phải tuyệt đối tuân thủ và tôn trọng pháp luật về bản quyền.
"Có sự tôn nghiêm như vậy mới hạn chế việc báo mình vi phạm bản quyền của người khác, cũng là để danh chính ngôn thuận bảo vệ tác quyền của chính mình" - ông Vinh nêu quan điểm.
Trên thực tế, cũng đã những cơ quan báo chí lên tiếng, có những cánh tay giơ lên nhưng câu chuyện vẫn mang tính đơn lẻ, chưa đủ sức làm thay đổi cục diện chung. "Cần phải có một tổ chức chuyên nghiệp đứng ra làm trung gian" - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và đô thị -Nguyễn Minh Đức cho hay.
Ông phân tích: "Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí nếu ra đời cần có một cách quản trị và xử lý khác biệt và chuyên nghiệp hơn. Trung tâm sẽ có tư cách pháp nhân, có sự đóng góp kinh phí từ các cơ quan báo chí để duy trì hoạt động, thậm chí các cơ quan báo chí còn có thể ủy quyền cho họ khai thác các dịch vụ hợp tác trong vấn đề tin tức".
Nhà báo Nguyễn Minh Đức cũng đưa ra ví dụ như, khi xảy ra vấn đề vi phạm bản quyền thì trung tâm này sẽ đứng ra tư vấn cho hai bên gặp nhau, đưa ra các phương án hòa giải, dàn xếp và tiến tới có thể mua bán thông tin của nhau.
Với giải pháp này, thì bài toán công nghệ cũng được đặt ra, Trung tâm cần có nghiên cứu thêm việc ứng dụng một hệ thống báo cáo vi phạm trên nền tảng website, sử dụng công cụ AI để phân tích nội dung, cảnh báo vi phạm và kịp thời ngăn chặn nội dung vi phạm...để hoạt động được hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.