Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, giao Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt phối hợp với Agribank tổ chức thực hiện.
Sau hơn 7 tháng phát động, đã có 2.769 tác phẩm, trong đó, có 1.521 tác phẩm gửi về đăng tải trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt và 1.248 tác phẩm do các cơ quan báo chí gửi tham dự. Theo đó, 55 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo và 26 tác phẩm đoạt giải.
Chia sẻ với Dân Việt, nhà báo Bạch Hân - Báo Vietnamnet, một trong ba tác giả loạt bài "Khai mở chợ mới cho nông sản Việt", cho hay Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023 là sân chơi bổ ích cho các tác giả. Các tác phẩm có nội dung sâu sắc, cách thức thể hiện phong phú, không chỉ là chân dung mà còn phản biện chính sách trong nông nghiệp.
Nói về loạt bài "Khai mở chợ mới cho nông sản Việt", nhà báo Bạch Hân cho hay, khi TikTok vào Việt Nam, ban đầu mọi người có suy nghĩ đây trào lưu nhảm nhí và thậm chí vô bổ. Nhiều luồng ý kiến cho rằng nên cấm mạng xã hội này. Tuy nhiên, với một số bạn trẻ, các bạn biết khai thác thế mạnh của TikTok, xây dựng các video ngắn để bán nông sản và đây là "cách quảng bá chân thực nhất".
Nền nông nghiệp Việt Nam sản xuất ra nhiều nông sản ngon, chất lượng, tuy nhiên cách quảng bá từ trước đến nay vẫn theo cách truyền thống và đang thiếu câu chuyện về nông sản để cho người tiêu dùng nắm rõ, hiểu rõ được quy trình sản xuất như thế nào, lịch sử ra sao? Và rõ ràng thông qua TikTok, các bạn trẻ đã truyền tải rất tốt.
"Khi chọn đề tài này chúng tôi muốn chuyển tải đến độc giả một hướng đi mới về cách quảng bá nông sản cũng như cách bán nông sản trên chợ TikTok", nhà báo Bạch Hân chia sẻ.
Tác giả Bạch Hân cho biết, TikToker Phương Dung là nhân vật chính trong loạt bài. Mặc dù, tài khoản TikToker Phương Dung không có lượt follow lớn, nhưng cách làm TikTok, cách bán hàng nông sản, truyền cảm hứng cho mọi người đều rất ấn tượng. Hiện tài khoản TikToker Phương Dung đi dạy nông dân cách bán hàng nông sản.
"Sau đại dịch Covid-19, xu thế chung của thế giới chú trọng vào tăng trưởng xanh, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải. Tại hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã cam kết đưa Việt Nam giảm lượng phát thải ròng bằng 0 vào 2050", nhà báo Hữu Hưng - đại diện nhóm tác giả báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) chia sẻ.
Với cam kết của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại COP26 đã khẳng định xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới, đó là chú trọng phát triển xanh. Đối với ngành nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có lượng phát thải lớn, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt.
"Việc chúng ta cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng là yêu cầu bắt buộc. Để thực hiện được chuyển đổi này, cùng với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì việc thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân là một trong những yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thực hiện cam kết, định hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Trên những cơ sở đó, nhóm tác giả đã tập trung vào tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, trải rộng ở các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi…", nhà báo Hữu Hưng nói về mục đích của loạt bài.
Trong quá trình tác nghiệp, điều mà nhóm tác giả Báo Điện tử VOV cảm thấy tâm đắc, đó là khi tìm hiểu các mô hình, tiếp xúc với bà con nông dân thấy được người nông dân có trình độ và xuất phát điểm khác nhau. Tuy nhiên, đều có điểm chung là rất chịu khó nắm bắt xu hướng phát triển và mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm để hoạt động sản xuất đạt được hiệu quả tốt nhất, đi kèm với đó những sản phẩm sản xuất làm ra đảm bảo an toàn và đáp ứng được chất lượng và sức khỏe của người tiêu dùng.
"Chúng tôi tin rằng với các mô hình nông nghiệp tuần hoàn được viết trong tác phẩm dự thi sẽ góp phần lan tỏa tới nhiều những người nông dân khác trên cả nước, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa giảm lượng phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào năm 2050", nhà báo Hữu Hưng chia sẻ.
Nhà báo Hữu Hưng cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp và Chính phủ cũng đã khẳng định "nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế". "Chúng tôi rất phấn khởi khi Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, giao Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt phối hợp với Agribank đã tổ chức Giải Báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023. Đây là sân chơi nghiệp vụ cho anh chị em báo chí chuyên viết về "tam nông" có thể giao lưu, sinh hoạt, qua giải báo chí này sẽ giúp anh, chị em trao dồi kỹ năng, đặc biệt giúp cho các mô hình sản xuất, gương nông dân được tôn vinh, lan tỏa và nhân rộng.
"Tôi tin rằng với những sân chơi như này bà con sẽ mạnh dạn thay đổi, từ đó lan tỏa và truyền thông tốt hơn nữa trong lĩnh vực "tam nông" trong những năm tới", nhà báo Hữu Hưng bày tỏ, đồng thời cho rằng, giải báo chí nên tiếp tục được duy trì, mở rộng hơn nữa ở nhiều loại hình báo chí khác nhau.
Chia sẻ với Dân Việt, về ý tưởng của loạt bài "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long", nhà báo Lư Trung Dũng - Đại diện nhóm tác giả Báo Bạc Liêu cho hay, ĐBSCL - vùng châu thổ vốn được thiên nhiên ưu đãi đã không còn giàu có, hào phóng như thời khai hoang, mở cõi. Tài nguyên nước và lượng phù sa dồi dào từ thượng nguồn Mê-Kông đổ về bồi đắp và tắm mát cho đồng bằng bao đời - nay trở nên cạn kiệt.
Nhiều tiểu vùng sản xuất bị đẩy vào cảnh "chết khát", mùa màng thất trắng. Biến đổi khí hậu và thay đổi của dòng chảy đã làm đảo lộn sinh kế của người dân đồng bằng, đẩy hàng triệu lao động nông thôn vào cảnh khốn khó. Cái đáng trăn trở và cảnh báo hơn cả là "sức khỏe" của nền nông nghiệp của ĐBSCL đã vượt quá khả năng chống chịu trước sự gia tăng nhanh của biến đổi khí hậu trong điều kiện lượng phù sa, nước ngọt từ thượng nguồn đổ về ngày một giảm sâu.
Do vậy, rất cần một mô hình sản xuất để hóa "giải nguy cơ" này và góp phần tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng theo hướng chủ động thích ứng, "sống chung" với biến đổi khí hậu. Đồng thời, biến các thách thức, khó khăn trở thành cơ hội, tiềm năng cho phát triển bền vững. Vì lẽ đó mà tác giả chọn đề tài thực hiện để nói lên thực trạng, từ đó có những đề xuất giải pháp vì sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
Theo nhà báo Lư Dũng, Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023 là giải rất có ý nghĩa, không chỉ mang lại sân chơi bổ ích cho đội ngũ người làm báo, mà thông qua các tác phẩm còn tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho người dân và các vấn đề khác như: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng NTM… góp phần thiết thực, hiệu quả sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần đưa tiếng nói, hình ảnh của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lan toả sâu rộng hơn.
"Mong rằng, trong những năm tới giải tiếp tục phát triển và ngày càng quy tụ được sự tham gia của các nhà báo", nhà báo Lư Dũng chia sẻ.
Còn nhà báo Bạch Thanh, Báo Hà Nội Mới - Đại diện nhóm tác giả loạt bài: "Không để lãng phí bờ xôi ruộng mật" cho hay, đây không phải là đề tài mới. Tuy nhiên, theo chị nếu chỉ nhìn hiện trạng thì không thể tìm giải pháp căn cơ về chính sách về đất đai và không giải quyết được vấn đề.
"Bây lâu nay vấn đề bỏ ruộng được nói đến rất nhiều, tuy nhiên, chính sách để khắc phục vấn đề đó chưa đi đến tận cùng của vấn đề và những chính sách được áp dụng không hiệu quả nên tình trạng bỏ ruộng hoang những năm tới vẫn còn gia tăng, nhất là đối với các tỉnh ở khu vực ĐBSH", nhà báo Bạch Thanh nói và cho rằng, với quá trình đô thị hóa nhanh như hiện nay, "nếu như không biến thách thức thành cơ hội" thì rất lãng phí nguồn lực đất đai sẽ là hiện hữu. Và từ những trăn trở như vậy đã thôi thúc nhóm tác giải thực hiện loạt bài.
Thông qua loạt bài này, nhóm tác giả mong muốn sẽ góp thêm tiếng nói, để các cơ quan chức năng, cơ quan xây dựng pháp luật có cái nhìn toàn cảnh, có những hướng tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, để những nhà hoạch định chính sách nhìn thấy "bản chất vấn đề, cởi trói vấn đề đất đai".
Trong quá trình viết bài, nhóm tác giả của Báo Hà Nội Mới cũng gặp khó khăn về "quan điểm". Khi đi thực tế, nhiều nông dân rất tâm huyết, muốn nói nhưng "ngại động chạm", mặc dù tâm tư nguyện vọng của họ rất chính đáng.
Trong quá trình tác nghiệp, lãnh đạo một số địa phương cũng rất trăn trở, có tư duy "cởi trói" vấn đề đất đại, tạo điều kiện cho người dân phát triển bài bản, quy mô, có khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao, khu dịch vụ để gia tăng giá trị sản phẩm, tuy nhiên "vướng" nhiều cơ chế, chính sách.
Theo nhà báo Bạch Thanh, Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2023 không chỉ là một giải báo chí mà còn là diễn đàn về vấn đề tam nông.
"Đây là diễn đàn viết về những gì hay nhất của người nông dân, bên cạnh đó, phản biện chính sách, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của người nông dân", nhà báo Bạch Thanh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.