Giải cứu bé sơ sinh ngừng tim trên taxi và nỗi lo kỹ năng sơ cứu

Trần Ngọc Thọ Chủ nhật, ngày 14/07/2024 18:43 PM (GMT+7)
Việc trang bị kỹ năng sơ cứu có thể giúp cứu sống một người trong tình huống khẩn cấp, như trường hợp ngừng tim, tai biến, ngạt thở, hay chấn thương nghiêm trọng... Người được sơ cứu kịp thời có thể giảm thiểu nguy cơ để lại di chứng lâu dài hoặc tàn phế sau này.
Bình luận 0

Khuya ngày 4/7, trên đường đưa con về nhà tại thôn 6, xã Kiền Bái, huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) gặp một đôi vợ chồng bế em bé sơ sinh đã tím tái.

Thấy biểu hiện bất thường, nữ điều dưỡng Thảo vội gửi lại con, chạy theo xe taxi, kêu to mình là nhân viên y tế. Ngay sau đó, nữ điều dưỡng đã nỗ lực ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, hút mũi miệng để "hồi sinh" cho bé. Như một điều kỳ diệu, em bé chỉ mới 7 ngày tuổi đã dần thở trở lại và được nữ điều dưỡng Thảo đưa vào bệnh viện theo dõi.

Còn nhớ, chỉ cách đây có mấy tháng, nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ (29 tuổi), Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã kịp cứu sống một du khách người Ấn Độ bị ngừng tuần hoàn tại Đà Nẵng cũng với kỹ năng tương tự. Tối 24/3/2024 khi điều dưỡng Hạ đang dùng bữa tại một nhà hàng ở Sơn Trà và phát hiện một người đàn ông nước ngoài đang đi thì ngã quỵ xuống.

Khi nhiều người đang loay hoay, luống cuống thì điều dưỡng Hạ bình tĩnh, nhanh chóng thực hiện ngay các biện pháp sơ cứu ép tim ngoài lồng ngực và khai thông đường thở, giúp bệnh nhân có mạch trở lại.

Bệnh nhân là ông Narinder (Ấn Độ) có tiền sử mạch vành và đã phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành. Nhờ hành động kịp thời của điều dưỡng Hạ, ông Narinder được cứu sống.

Giải cứu bé sơ sinh ngừng tim trên taxi và nỗi lo kỹ năng sơ cứu- Ảnh 1.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo (BV Trẻ em Hải Phòng) đã cứu sống cháu bé bị ngừng tim trên xe taxi do sử dụng kỹ năng sơ cứu kịp thời. Ảnh: Hồng Nhung (Cổng thông tin Điện tử TP Hải Phòng).

Làm nghề báo, tôi may mắn có cơ hội được trò chuyện, tiếp xúc với nhiều y bác sĩ, điều dưỡng. Tôi cảm nhận rõ tất cả các y bác sĩ, điều dưỡng mà tôi may mắn quen đều đau đáu ước nguyện được cứu người.

Với hầu hết y bác sĩ, điều dưỡng, cứu người là hạnh phúc. Một bác sĩ tôi quen từ lâu, hiện giờ lãnh đạo một Bệnh viện lớn tuyến trung ương có tâm sự rằng, tất cả y bác sĩ, điều dưỡng nếu gặp hoàn cảnh tương tự đều sẽ tìm mọi cách, bằng mọi nỗ lực để cứu người.

Hành động của nữ điều dưỡng Thảo hay Hạ đều xuất phát từ trái tim yêu thương, từ tấm lòng nhân ái của một người làm nghề y, xem việc cứu người là sứ mệnh thiêng liêng, cao cả, là minh chứng sống động về y đức, tình người.

Trong cuộc sống ngày càng trở nên gấp gáp và nhiều áp lực của xã hội hiện đại, việc tìm thấy những người sẵn sàng vì người khác, sẵn sàng cứu giúp người quả thực là điều đáng trân trọng.

Hành động của những nữ điều dưỡng lan tỏa thông điệp tích cực, khơi dậy niềm tin vào những điều tốt đẹp còn nhiều trong xã hội, rất xứng đáng được tôn vinh để lan toả hơn nữa...

Có thể thấy, trong các sự việc trên, những nữ điều dưỡng đều yêu cầu những người xung quanh bình tĩnh để thực hiện kỹ năng sơ cứu. 

Cụ thể, trong vụ việc nữ điều dưỡng Thảo cứu em bé sơ sinh, video ghi lại cảnh Thảo vừa thực hiện các thao tác cấp cứu vừa liên tục nói: "Cố lên, cố lên, cố lên con ơi!" và nhắc cả người mẹ "Chị là y tá nhi đây. Đánh mạnh vào chân con đi cho con có phản xạ đi xem nào… Đừng có khóc lóc nữa, để người khác bĩnh tĩnh, khóc để làm gì!".

Rõ ràng, khi gặp tình huống nguy hiểm dù trong bất kỳ hoàn cảnh khẩn cấp ra sao, giữ bình tĩnh là điều rất cần thiết. Đặc biệt, về mặt y tế, việc trang bị kỹ năng sơ cứu có thể giúp cứu sống một người trong tình huống khẩn cấp, như trường hợp ngừng tim, tai biến, ngạt thở, hay chấn thương nghiêm trọng... Việc cấp cứu kịp thời có thể giảm thiểu nguy cơ để lại di chứng lâu dài hoặc tàn phế.

Đặc biệt, việc sơ cứu còn tăng cơ hội sống sót bởi mỗi phút trôi qua mà không có sự can thiệp y tế kịp thời, khả năng sống sót của nạn nhân sẽ giảm đi.

Việc trang bị cho bản thân kiến thức và kỹ năng sơ cứu sẽ giúp chúng ta cảm thấy tự tin hơn khi đối mặt với các tình huống khẩn cấp và biết cách hành động một cách hiệu quả thay vì chỉ ngồi hoặc khóc theo bản năng.

Khi được trang bị kỹ năng sơ cứu, chúng ta sẽ có tinh thần trách nhiệm hơn đối với cộng đồng và sẵn sàng tự tin giúp đỡ người khác thay vì e dè hay lo ngại làm sai.

Người được đào tạo sơ cứu có thể chia sẻ kiến thức của mình cho người thân, bạn bè, từ đó tạo ra một xã hội an toàn, mạnh khỏe và trách nhiệm hơn.

Tuy nhiên thực tế, còn rất nhiều người chưa biết kỹ năng sơ cứu và thực hành sơ cứu bởi nhận thức chỉ nhân viên y tế mới cần trang bị kỹ năng, cũng như chưa có điều kiện tiếp cận các khóa học sơ cứu hay tâm lý chủ quan nghĩ rằng tai nạn, sự cố là chuyện hiếm gặp, chỉ xảy ra với người khác chứ không phải mình.

Trong khi những video mô tả kỹ năng sơ cứu cơ bản như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực trên mạng xã hội như Youtube, Tiktok lại không phải là mảng nội dung phổ biến, thu hút lượt xem cao...

Giải cứu bé sơ sinh ngừng tim trên taxi và nỗi lo kỹ năng sơ cứu- Ảnh 3.

Tác giả bài viết, nhà báo Trần Ngọc Thọ. Ảnh: DV

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia, bao gồm Anh và Mỹ, dạy trẻ em CPR (Hồi sức tim phổi hay hồi sinh tim phổi - cardiopulmonary resuscitation) và các kỹ năng sơ cứu cơ bản. Việc dạy sơ cứu sớm giúp tăng cơ hội sống sót trong trường hợp khẩn cấp.

Còn tại Nhật Bản, việc dạy sơ cứu cho học sinh được thực hiện theo chương trình giáo dục quốc gia. Học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông đều được trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cứu cơ bản, bao gồm cách xử lý các tình huống khẩn cấp như bỏng, chảy máu, ngạt thở, ngưng tim. Các em cũng được hướng dẫn cách gọi cấp cứu và phối hợp với nhân viên y tế.

Chương trình giáo dục sơ cứu ở Nhật Bản được đánh giá cao vì giúp nâng cao nhận thức của học sinh về tầm quan trọng của việc sơ cứu, đồng thời trang bị cho các em kỹ năng cần thiết để cứu người trong trường hợp khẩn cấp.

Do vậy, để thay giảm bớt nỗi lo cộng đồng không được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng sơ cứu, cần có sự nỗ lực từ cả cộng đồng và các cơ quan truyền thông để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học sơ cứu.

Các chiến dịch giáo dục và tuyên truyền có thể giúp nhiều người hiểu rõ hơn về những rủi ro không lường trước được và tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với rủi ro, tai nạn.

Ngoài ra, việc tích hợp các khóa học sơ cứu với thời lượng dài hơn vào chương trình giáo dục chính thống cũng là một cách hiệu quả để trang bị kiến thức cần thiết đặc biệt cho cả cộng động, đặc biệt là từ các em nhỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem