Thiếu “dũng khí” sinh con

Diệu Linh Thứ năm, ngày 11/07/2024 08:06 AM (GMT+7)
Mới đây, một người dẫn chương trình (MC) nổi tiếng đã bị cư dân mạng “ném đá” vì lỡ phát ngôn: "Nếu sinh con ra để thừa kế sự vất vả nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng là một loại lương thiện"...
Bình luận 0

Nhiều người cho rằng điều này đụng chạm đến người nghèo, “tước quyền” sinh con của họ. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận: Đây là quan điểm của không ít bạn trẻ hiện nay.

Ở một số gia đình, cha mẹ chỉ có thể cho con một mạng sống và không thể chu cấp bất cứ điều gì khác. Điều này khiến các bạn trẻ phải còng lưng bươn chải từ khi còn nhỏ, sống cuộc sống kham khổ, lớn lên lại càng vất vả hơn vì ít học, khó kiếm việc làm, thu nhập thấp. 

Họ sẽ không sinh con chỉ để thỏa mãn nhu cầu “làm cha mẹ” mà không đủ điều kiện kinh tế cho con cuộc sống sung túc. Họ sẽ không muốn con lại tiếp tục vòng luẩn quẩn khổ sở của chính mình. Đây chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giới trẻ ngày càng “lười đẻ”.

Một cô em đang “tuổi ăn tuổi đẻ”, chia sẻ với người viết rằng, chỉ nhìn riêng cuộc chạy đua vào lớp 1, rồi vào lớp 10 đầy căng thẳng, khốc liệt hiện nay khiến vợ chồng cô không dám đẻ thêm. “Dù con em là con gái nhưng chồng cũng thống nhất chỉ đẻ 1 con. Hai vợ chồng nỗ lực cũng chỉ hơi dư dả, mà nuôi dạy con mất quá nhiều thời gian, tiền bạc”, cô em chia sẻ.

Giới trẻ thiếu “dũng khí” sinh con: Nguyên do vì đâu?- Ảnh 1.

Tại phiên thảo luận Tổ về tình hình kinh tế xã hội của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV diễn ra ngày 23/5/2024, Đại biểu Trần Kim Yến, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP.HCM đã nêu một thực trạng đáng lo ngại: Có bộ phận giới trẻ không muốn lập gia đình, nếu có lập gia đình lại không muốn sinh con. Đáng lo hơn là xuất hiện nhiều người trẻ thay vì sinh con lại lấy sở thích nuôi thú cưng làm niềm vui trong cuộc sống. Ảnh: PV

Trong Dự thảo Luật Dân số đang lấy ý kiến dư luận, Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con” và trao quyền quyết định số con cho các cặp vợ chồng trẻ. Đây là một thay đổi quan trọng sau vài chục thập kỷ, Việt Nam theo đuổi mục tiêu “mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con” nhằm duy trì mức sinh thay thế.

Theo Bộ Y tế, trao quyền quyết định số lượng con cái cho các ông bố bà mẹ sẽ tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam vẫn đạt mức sinh thay thế trong nhiều năm (2,1 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ) nhưng đang có xu hướng giảm dần. Năm 2023, mỗi phụ nữ Việt Nam có 1,9 con, thấp nhất từ trước đến nay. Việt Nam đang gặp khó khăn nhất định, khi mà mục tiêu đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số khoảng 104 triệu người.

Đáng nói, mức sinh thay thế giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể. Hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, trong đó tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền trung. Vùng Đông Nam Bộ thấp nhất chỉ còn 1,56 con, trong đó TP.HCM có mức sinh thấp nhất cả nước với hơn 1,3 con.

Nhiều chuyên gia dân số cho rằng, xu hướng lười đẻ sẽ ngày càng lan rộng và khó có thể ngăn chặn, càng khó để “khuyến sinh” trở lại, cho dù bạn có bỏ chính sách về quy định số con, có “thúc đẻ” các cặp vợ chồng cũng vẫn lười đẻ.

Nguyên nhân “lười đẻ” có nhiều nhưng gánh nặng lớn nhất chính là áp lực của cuộc sống. Giới trẻ có nhu cầu phát triển cá nhân hoặc buộc phải phấn đấu để có được thu nhập đủ sống. Trong quá trình này, việc giáo dục và trưởng thành của trẻ đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực, điều này cũng khiến các bạn trẻ không thể chịu thêm áp lực nuôi dạy con cái.

Ngoài ra, chi phí sinh hoạt trong xã hội ngày nay ngày càng cao, chi phí nuôi dạy con cái cũng ngày càng cao đối với giới trẻ, việc đẻ con không phải là “trời sinh voi trời sinh cỏ” mà tiêu tốn cả gia tài khổng lồ, không chỉ ngốn hết tiền bạc mà vợ chồng làm ra, thậm chí, còng lưng làm còn không đủ chi. Điều này dẫn đến giới trẻ sợ đẻ hoặc đẻ 1 con là dừng.

Theo quan điểm truyền thống, vợ chồng cần sinh con nối dõi, sinh con để cậy nhờ tuổi già, sinh con để vui cửa vui nhà, “lấp đầy” sự trống rỗng buồn chán của cuộc sống. Nhưng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, giới trẻ có thể lấp đầy sự trống trải trong cuộc sống thông qua game trực tuyến, mạng xã hội… và không còn cần phải dựa vào việc sinh con để đáp ứng nhu cầu tinh thần.

Giới trẻ thiếu “dũng khí” sinh con: Nguyên do vì đâu?- Ảnh 3.

Tác giả bài viết, nhà báo Diệu Linh. Ảnh: DV

Sự thay đổi xã hội này cũng đã ảnh hưởng đến khái niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”. Giờ đây, ngày càng có nhiều người trẻ bắt đầu lên kế hoạch nghỉ hưu và tích lũy tài sản thông qua nỗ lực của chính mình. 

Do đó, giới trẻ không thấy vui vẻ, sung sướng khi sinh con, họ liền không sinh con mà không sợ bị bố mẹ thúc giục, xã hội đánh giá. Thậm chí, ngày càng có xu hướng phụ nữ lười kết hôn, nam giới muộn lấy vợ thì việc “đẻ 2-3 con” càng là sự xa vời.

Một chuyên gia xã hội học chia sẻ với người viết rằng, bây giờ đã quá muộn để “khuyến sinh”, chưa kể Chính phủ chưa có chính sách nào hiệu quả để khuyến khích và hỗ trợ việc chăm sóc trẻ, giảm bớt gánh nặng chăm sóc con cho phụ nữ.

Việc “khuyến sinh” không chỉ là thả nổi “số con” cho các cặp vợ chồng tự quyết định mà cần một chuỗi giải pháp đồng bộ, giúp giới trẻ hoàn toàn thoải mái khi sinh con. Họ sẽ không sợ phải còng lưng lo nhà ở, lo nuôi con, lo xin học cho con, lo học phí… thì tinh thần và thể xác đều thoải mái để chuẩn bị cho việc sinh đẻ.

Chúng ta cần bỏ những quan niệm truyền thống, quan tâm đến nhu cầu, tâm lý của giới trẻ, tạo cho họ môi trường sống và phát triển tốt hơn để họ có đủ tự tin và "dũng khí" đương đầu với thử thách sinh con, nuôi dạy con.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem