Tuyên Quang phấn đấu có 70% số xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025
Giai đoạn 2021 – 2025: Tuyên Quang phấn đấu có 70% số xã đạt chuẩn NTM
Trang Thảo
Thứ năm, ngày 25/11/2021 17:03 PM (GMT+7)
Sau 10 năm triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Tuyên Quang đã có rất nhiều thay đổi tích cực, kinh tế xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên. Toàn tỉnh đã có 47/124 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Tuyên Quang xoay quanh vấn đề này.
Xin ông chia sẻ về những kết quả nổi bật của chương trình xây dựng NTM Tuyên Quang. Kết quả này được thể hiện cụ thể như thế nào?
Với xuất phát điểm là một tỉnh miền núi kinh tế còn nhiều khó khăn, mức sống của người dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển. Và đặc biệt bình quân tiêu chí chung toàn tỉnh chỉ đạt 2,8 tiêu chí/xã,…
Nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh, Tuyên Quang đã khắc phục được khó khăn ban đầu và đạt được những kết quả quan trọng sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, cụ thể:
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 47/124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 37,9% số xã, vượt so với chỉ tiêu Chính phủ giao đối với khu vực miền núi phía Bắc đến năm 2020 là 28% số xã. Tiêu chí bình quân chung toàn tỉnh tăng lên 15,08 tiêu chí/xã (tăng 12,28 tiêu chí so với năm 2010), vượt so với chỉ tiêu Chính phủ giao đến năm 2020 là 13,8 tiêu chí/xã (đối với khu vực miền núi phía Bắc).
Bên cạnh đó, Thành phố Tuyên Quang cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Cùng với đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Kết quả: Đã có 02 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Mặc dù là tỉnh khó khăn, song Tuyên Quang đã đạt được kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Xin ông chia sẻ những giải pháp để đạt được những thành công này?
Đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Tuyên Quang đã tổ chức thực hiện tốt một số giải pháp:
Đầu tiên có thể khẳng định, để thực hiện thành công xây dựng NTM, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được đặt lên hàng đầu. Chú trọng tuyên truyền những gương điển hình, cách làm hay, sáng tạo… đồng thời phát huy hiệu quả vai trò vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể.
Thứ hai, Tuyên Quang luôn xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành Chương trình và phát huy vai trò tập thể, đề cao trách nhiệm của cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ ba, lựa chọn đối tượng công trình hạ tầng phù hợp để tổ chức thực hiện theo phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" nhằm phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư, tạo điều kiện để người dân ở thôn, xã được bàn bạc dân chủ và tự quyết định.
Thứ tư, luôn lấy người dân làm trung tâm xây dựng NTM và lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo để đánh giá kết quả thực hiện. Các xã tự sắp xếp, lựa chọn nội dung thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chọn những tiêu chí đáp ứng nguyện vọng của người dân để thực hiện trước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã phát huy tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người dân…
Thứ năm, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và một số Ban ngành đã tổ chức các đợt giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về NTM. Hàng tháng Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra.
Để tiếp tục hoàn thành chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn tới, tỉnh Tuyên Quang có những định hướng cụ thể ra sao. Thưa ông?
Định hướng trong giai đoạn 2021-2025, Tuyên Quang luôn xác định xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, ngay từ năm 2021, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Kế hoạch 98/KH-UBND ngày 11/6/2021 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, với việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể:
- Toàn tỉnh có 85/122 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó: Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của 45 xã đã đạt chuẩn NTM; phấn đấu có thêm ít nhất 38 xã đạt chuẩn NTM; trên 30% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nâng số tiêu chí bình quân chung toàn tỉnh trên 17 tiêu chí/xã.
- Có thêm Huyện Hàm Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới; duy trì, giữ vững thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
- Phấn đấu 100% xã trên địa bàn tỉnh có ít nhất 01 thôn đạt chuẩn "Thôn nông thôn mới kiểu mẫu" và 02 vườn hộ gia đình đạt chuẩn "Vườn mẫu nông thôn mới".
Riêng năm 2021 Tuyên Quang xác mục tiêu:
- Có thêm 09 xã hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới. Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí tại 47 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Có thêm 06 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 02 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Và xã Thái Bình, huyện Yên Sơn đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
- Có thêm ít nhất 21 thôn (03 thôn/huyện, thành phố) được công nhận "Thôn nông thôn mới kiểu mẫu"; ít nhất 21 vườn hộ gia đình (03 vườn/huyện, thành phố) được công nhận "Vườn mẫu nông thôn mới".
Xin cảm ơn ông.
Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, Tuyên Quang tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo và cơ quan tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo các cấp.
- Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới".
- Tổ chức thực hiện Liên kết sản xuất, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP, hỗ trợ về hạ tầng: Đường giao thông nông thôn; xây dựng thôn mẫu, vườn mẫu...
- Tăng cường các giải pháp và đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực thực hiện Chương trình; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu…
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở từng địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.