Quản lý đầu tư lỏng lẻo
Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Tháng 8.2009, cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán PVX. Ông Trịnh Xuân Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT PVC năm 2009. Đến năm 2013 (thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh rời PVX về làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương), tổng công ty này rơi vào tình trạng thua lỗ lên tới 3.200 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31.12.2012, tổng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ PVX là 3.370,6 tỷ đồng tại 41 công ty. Trong 15 công ty con, có tới 10 công ty báo lỗ, chỉ có 5 công ty kinh doanh có lợi nhuận; 4/8 công ty liên doanh, liên kết bị lỗ lớn.
Cụ thể, vào thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh đang tại vị tại PVX, ngoài báo cáo tài chính của PVX, một báo cáo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cũng nhận định, năm 2012, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVX và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn, các chỉ tiêu kế hoạch mà PVN giao đều không đạt như: Doanh thu PVX chỉ đạt 23,48% doanh thu so với kế hoạch và lợi nhuận đặt ra là 689 tỷ đồng nhưng thực tế lỗ 1.368,6 tỷ đồng.
PVN cho biết, nguyên nhân không đạt kế hoạch và thua lỗ nặng nề là do PVX tập trung thi công các công trình chuyển tiếp từ năm 2011 nhưng các dự án này đều gặp khó khăn, vướng mắc do chưa có kinh nghiệm; nguồn lực còn hạn chế dẫn đến chi phí phát sinh chưa được giải quyết, triển khai chậm hoặc không triển khai được; phát triển nóng, đầu tư vào các công ty con dàn trải, bảo lãnh cho các công ty con không đúng quy định khi các công ty này thua lỗ không có khả năng thanh toán, dẫn đến hoạt động kinh doanh của công ty mẹ năm 2012 phải gánh chịu lỗ do trích lập dự phòng là hơn 1.017,9 tỷ đồng. Chi phí quản lý cao, chiếm 17,89% trên doanh thu.
PVN cũng cho biết, mặc dù năm 2012 kinh doanh thua lỗ, PVX không có nguồn để trích Quỹ khen thưởng phúc lợi nhưng PVX vẫn trích Quỹ khen thưởng phúc lợi, dẫn đến thời điểm 31.12.2012 Quỹ bị âm 7,5 tỷ đồng.
Nhiều khoản đầu tư mất hẳn vốn
PVN cũng cho biết, ở thời điểm cuối năm 2012, hệ số nợ phải trả trên nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu bằng 7.660/2.743 bằng 2,79 lần, cho thấy vốn vay nợ ở mức cao. PVX hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn chiếm dụng và tình hình tài chính ngày càng khó khăn.
Đặc biệt PVN cũng chỉ ra việc PVX đầu tư ra ngoài doanh nghiệp dàn trải, hầu hết các công ty con kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ nặng nề dẫn tới PVX không chỉ mất vốn đầu tư mà còn phải gánh chịu các khoản nợ công ty con không có khả năng thanh toán.
PVN cũng cho biết, tổng lũy kế trích lập dự phòng của PVX đến 31.12.2013 là 1.1.89 tỷ đồng (trong đó trích lập dự phòng đầu tư tài chính 699 tỷ đồng và trích lập dự phòng nợ quá hạn, khó đòi).
Tính đến 31.12.2013, vốn đầu tư của PVX vào một số công ty đã mất hết vốn như: Công ty cổ phần đầu tư bê tông công nhệ cao Sopewaco 10,2 tỷ đồng, Công ty cổ phần xi măng Hạ Long 147,3 tỷ đồng. Thậm chí, một số công ty không chỉ mất vốn đầu tư mà còn mất thêm cả các khoản nợ quá hạn, Tổng công ty bảo lãnh vay vốn nhưng công ty con không có khả năng thanh toán như: PVC miền Trung, PVC- ME, PVC Hà Nội, Công ty Cổ phần khánh sạn Lam Kinh, PVC Sài Gòn, Công ty Cổ phần đầu tư xây nắp Dầu khí IMICO, Công ty cổ phần thiết bị nội ngoại thất dầu khí (PVC METAL).
PVN cũng cho biết, người đại diện của PVN tại PVX cũng có những khuyết điểm là chưa xác định được trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan tới các tồn tại trong công tác quản lý trong sản xuất kinh doanh từ 30.6.2012 trở về trước.
Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí được thành lập năm 2004 và niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) năm 2009 với mã chứng khoán PVX. PVX có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, chia thành 400 triệu cổ phần, trong đó, vốn nhà nước do PVN nắm giữ 74,47% tương đương 2.178,7 cổ phần, còn lại là các cổ đông khác.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.