Tào Tháo chinh chiến mấy chục năm, đánh qua trăm trận lớn nhỏ. Trong những trận đại chiến quyết định vận mệnh thiên hạ, ông ta đều có thắng có thua. Bại trận tại Xích Bích, ông ta vỡ mộng nhất thống. Thua trận ở Hán Trung, ông ta đành chấp nhận sự tồn tại của Thục quốc. Chỉ có chiến thắng Quan Độ mới là chiến tích huy hoàng nhất trong đời binh nghiệp của Mạnh Đức, giúp ông ta xác lập địa vị bá chủ phương Bắc.
Hoàn cảnh khó khăn
Chiến dịch Quan Độ có một điểm chung với trận Xích Bích: Kẻ ban đầu được đánh giá là yếu hơn gấp bội lại là người chiến thắng sau cùng. Quả vậy, trước trận Quan Độ, bất cứ là địa bàn, quân số hay lương thực, Tào Tháo đều không thể so sánh được với Viên Thiệu.
Viên Thiệu hùng cứ bốn châu U, Tinh, Thanh, Ký, binh lực đến “có mấy chục vạn”. Trong khi Tào Tháo chỉ nắm giữ ba châu Từ, Duyện, Dự, thực lực thua xa, quân đội chỉ “chưa đầy một vạn”. Dĩ nhiên những con số này còn phải xét lại, nhưng sự chênh lệch trong suốt chiến dịch là điều hiển hiện rõ qua các sự kiện, các bình luận của nhân vật trong cuộc.
Trước trận Quan Độ, bất cứ là địa bàn, quân số hay lương thực, Tào Tháo đều không thể so sánh được với Viên Thiệu
Hoàn cảnh khó khăn của Tào Tháo còn ở chỗ: địa bàn nằm chính giữa Trung Nguyên, bốn phía là địch. Căn cứ Từ châu, Duyện châu, Dự châu của Tào Tháo có vị trí ở giữa các đối thủ khác: phía tây có Hàn Toại và Mã Đằng ở Lương châu, phía tây bắc có Trương Dương ở Hà Nội, phía nam có Trương Tú ở Nam Dương, phía đông nam có Viên Thuật ở Hoài Nam, phía đông có Lữ Bố và Lưu Bị ở Từ châu. Trước trận Quan Độ, kể từ năm 195 đến cuối năm 199, Tào Tháo phải liên tục ngoại giao hoặc chinh chiến với các đối thủ này, trong tình cảnh vẫn phải dè chừng Viên Thiệu.
Trong khi đó bốn châu U, Tinh, Thanh, Ký của Viên Thiệu nằm ở góc đông bắc Trung Quốc, sau lưng lúc này là người Ô Hoàn vẫn đang thần phục, đối thủ lớn nhất ở Hà Bắc chỉ có một Công Tôn Toản mà thôi. Đánh bại Toản, thống nhất xong khu vực phía bắc Hoàng Hà, Viên Thiệu đã có thể rục rịch khởi binh vào cuối năm 199, toàn lực hướng mũi giáo xuống miền nam. Trong khi đó, tháng 8/199 Tào Tháo dẫn binh đến Lê Dương để bố trí phòng ngự thì đến tháng 11.199 lại phải về Hứa huyện thu hàng Trương Tú, rồi vội vã quay lại Quan Độ để chuẩn bị cho một trường ác chiến. Có thể thấy được, Viên Thiệu là nhàn nhã mà đến, còn Tào Tháo thì là gấp gáp ứng chiến.
Tuy nhiên, “nhàn nhã mà đến” không có nghĩa là sẽ duy trì được ưu thế; còn “gấp gáp ứng chiến” cũng chưa chắc là chuẩn bị sơ sài. Tào Tháo, trong tình thế bốn mặt thụ địch, vẫn tìm ra cách để giải quyết từng đối thủ, đồng thời tích lũy dần dần ưu thế để chuẩn bị cho đại chiến với Viên Thiệu.
Chiến thắng Quan Độ là chiến tích huy hoàng nhất trong đời binh nghiệp của Tào Mạnh Đức, giúp ông ta xác lập địa vị bá chủ phương Bắc
Chạy đua với thời gian
Quãng thời gian đầu chiến dịch là lúc Tào Tháo cực kỳ bận rộn. Ở trên có nói, ngay cả khi đã đến Lê Dương bố trí quân đội, Tào Tháo vẫn phải đích thân quay lại huyện Hứa để tiếp nhận hàng quân của Trương Tú. Chuyện Trương Tú đầu hàng rồi trở mặt ở Uyển thành đầu năm 197 đã từng khiến Tào Tháo mất đi ái tướng (Điển Vi), trưởng tử (Tào Ngang) lẫn người cháu yêu (Tào An Dân). Vì vậy lần thứ hai nhận hàng, đương nhiên Tào Tháo phải có mặt để đảm bảo chắc chắn không có gì sơ thất.
Thật ra trong mấy năm trước đó, quân Ngụy ở rất nhiều chiến tuyến đều cần sự hiện diện của Tào Tháo. Suốt năm Kiến An thứ nhất (năm 196), Tào Tháo bận rộn với kế hoạch đón thiên tử, đánh bại Dương Phụng, gây dựng đồn điền. Năm 197 lại mấy lần dẫn binh nam chinh đánh Trương Tú ở Uyển thành, đông chinh đánh Viên Thuật ở Trần quận. Năm 198 đánh bại Lữ Bố, giao chiến với Lưu Biểu. Phải đến tháng 2.199, Tào Tháo sau khi tiêu diệt Lữ Bố mới tạm buông bỏ mối lo phía đông, rời Từ Châu quay lại Xương Ấp.
Nhưng cũng chỉ 2 tháng sau (4.199), quận Hà Nội có biến, Thái thú Hà Nội là Trương Dương (đồng minh của Lữ Bố) bị thuộc tướng là Dương Sửu ám sát, một thuộc tướng khác là Tuy Cố lại giết Sửu, đem quân ấy theo Viên Thiệu. Nhận thấy thời cơ chiếm lĩnh địa bàn phía tây bắc này, Tào Tháo lại đích thân đến Hoàng Hà, sai Sử Hoán - Tào Nhân vượt sông đánh Tuy Cố. Với việc quận Hà Nội quy thuận Viên Thiệu, Tào Tháo hiểu rằng rất có thể đây sẽ là bước chuyển, mở đầu cho một trận đại chiến vốn đã được hai bên lặng lẽ chuẩn bị từ lâu.
Viên Thiệu động binh
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, với bút pháp lấy nhà Thục làm trung tâm, cuộc đối đầu Tào – Viên được La Quán Trung mô tả là có nguồn cơn từ Lưu Bị. Cụ thể, sau khi giết Thứ sử do Tào Tháo phong là Xa Trụ và chiếm lấy Từ châu, biết khó chống lại sự báo thù của Tào Tháo nên Lưu Bị đã theo kế của Trần Đăng, nhờ Trịnh Huyền viết thư thuyết phục Viên Thiệu đánh Tào Tháo để giúp Lưu Bị, và Viên Thiệu vì nể mặt Trịnh Huyền nên mới nhận lời.
Thực ra thì việc Viên Thiệu rục rịch Nam chinh đã có từ sau khi Thiệu tiêu diệt Công Tôn Toản. Tam Quốc Chí – Viên Thiệu truyện chép: “Thiệu cho con trưởng là Đàm ra Thanh châu, lại dùng con giữa là Hy ở U châu, con rể là Cao Cán ở Tinh châu. Bộ chúng của Thiệu có mấy chục vạn, dùng Thẩm Phối, Phùng Kỉ thống quản việc quân, Điền Phong, Tuân Kham, Hứa Du làm mưu sĩ, Nhan Lương, Văn Sú làm tướng soái, kén chọn lấy chục vạn quân tinh nhuệ, một vạn quân kỵ, chuẩn bị đánh huyện Hứa”.
Có thể thấy, ở bốn châu Thanh-Tinh-U-Ký, Viên Thiệu đều bố trí con trai hoặc cháu trai thân tín chỉ huy. Trong quân có lực lượng mưu sĩ hùng hậu, bộ binh kỵ binh đều đông đảo và cũng không thiếu võ tướng tài năng. Toàn bộ lực lượng của Viên Thiệu đã được xuất ra, báo hiệu một chiến dịch cực kỳ khó khăn cho phía Tào Tháo.
Đối thủ mạnh gấp mười lần sắp đến, thế nhưng người chiến thắng sau cùng lại là Tào Tháo. Là do ông ta quá xuất sắc, hay còn có bí ẩn nào khác?
PV (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.