ĐBQH: Nhu cầu cao, vì sao gói 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 100 tỷ?
ĐBQH: Nhu cầu cao, vì sao gói 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 100 tỷ?
H.Anh
Thứ hai, ngày 06/11/2023 11:57 AM (GMT+7)
Tranh luận với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi vì sao gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhà ở xã hội đến nay chỉ giải ngân khoảng 100 tỷ đồng, trong khi nhu cầu xã hội rất lớn?
Tại phiên chất vấn sáng 6/11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh An Giang chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, tại sao gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhà ở xã hội đến nay chỉ giải ngân khoảng 100 tỷ đồng?
Đại biểu đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết khó khăn, vướng mắc và giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Chất vấn "nhu cầu cao vì sao gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân hơn 100 tỷ đồng"
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Hương, tư lệnh ngành Ngân hàng cho biết, đây là chương trình hưởng ứng của ngành ngân hàng, được giao tại Nghị quyết của Chính phủ để tiến tới mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội. Gói này sử dụng nguồn tiền các tổ chức tín dụng huy động từ người dân, nguồn tài chính cũng chính là của chính các ngân hàng thương mại.
Đến nay có 18/63 Ủy ban Nhân dân tỉnh đã gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia chương trình và công bố trên cổng thông tin điện tử là 53 dự án với tổng nhu cầu vay là 27.000 tỷ đồng và các ngân hàng đã giải ngân được gần 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh thành.
Thống đốc cho biết, việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân thứ nhất là nguồn cung về nhà thuộc đối tượng của chương trình này còn hạn chế. Đặc biệt là cầu nhu cầu về nhà ở thì rất là lớn nhưng mà nhu cầu của người dân quyết định là đi vay để mà mua nhà lại là một cái câu chuyện người dân phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.
Hai là, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội thì hiện nay còn có ý kiến phản ánh là chưa phù hợp với thực tế như thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân hay như quy định chưa có nhà ở, cũng là những hạn chế.
Ba là, chương trình này thực hiện trong một thời gian dài 10 năm và các khoản cho vay bất động sản thì thường là kéo dài, việc giải ngân sẽ là theo thời gian, vì vậy lượng giải ngân đến nay vẫn còn thấp.
"Từ những cái hạn chế nêu trên NHNN cũng đã có những cái kiến nghị và rất là mong Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm để có thể sớm công bố các dự án nhà ở thuộc chương trình này để mà hệ thống ngân hàng có thể tích cực triển khai và chúng tôi cũng sẽ tập trung để mà tăng cường cái công tác thông tin, tuyên truyền để người dân có thể nắm rõ, phối hợp với các bộ, ngành khác để người dân nắm rõ chương trình này", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Đại biểu tranh luận với Thống đốc Nguyễn Thị Hồng
Tranh luận với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội - ảnh dưới) cho biết, việc ngân hàng giải ngân vốn cho đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người lao động, Thống đốc đã trả lời đúng nhưng chưa đủ.
Theo đại biểu Trí, đây là chủ trương rất đúng đắn và nhân văn của Chính phủ, để triển khai thực hiện hiệu quả, đại biểu cho rằng cần có sự vào cuộc không chỉ riêng của ngân hàng mà còn sự vào cuộc của Bộ Xây dựng, các địa phương, tổ chức công đoàn, đặc biệt là người lao động.
Bên cạnh đó, phải nắm được nhu cầu, yêu cầu về số lượng, diện tích, địa điểm, chất lượng, mức giá,... Từ đó lên kế hoạch triển khai, xây dựng, cung cấp trên cơ sở nhu cầu, yêu cầu của người lao động thì thực hiện thành công được. Đại biểu mong muốn Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo nhằm đạt được sự đồng thuận, thống nhất, qua đó đảm bảo đề án được thực hiện hiệu quả.
Bày tỏ nhất trí cao ý kiến của đại biểu Trí, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bổ sung, chương trình 1 triệu căn hộ là chương trình nhân văn. Để thực hiện chương trình này đỏi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Như đã báo cáo, nhu cầu nhà ở cho người lao động, người có thu nhập thấp rất lớn nhưng nhu cầu vay vốn lại là cân nhắc của người dân. Do đó, có thể thông qua vay vốn nhưng có phần từ nguồn lực Nhà nước để giải quyết vấn đề nhà ở cho họ.
Từ góc độ ngành, thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng quan tâm triển khai giải ngân gói 120.000 tỷ đồng và có mở rộng cho các ngân hàng thương mại cổ phần khác.
"Gói này cũng mở rộng ra các ngân hàng thương mại cổ phần khác tham gia, đến nay có một ngân hàng tham gia 5.000 tỷ đồng, nâng gói lên. Nếu có ngân hàng khác tham gia, gói vay này sẽ nâng lên", Thống đốc nói.
Liên quan đến Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay chương trình này, thời gian qua tích cực triển khai, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN cũng như Thống đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội với vai trò của mình tiếp tục chỉ đạo cùng với các thành viên Hội đồng quản trị sẽ triển khai qua kênh này. Nhất trí rằng mục tiêu 1 triệu căn hộ đòi hỏi sự tham gia của toàn hệ thống, do đó NHNN sẽ phối hợp bộ ngành địa phương, công đoàn thì sẽ tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đạt mục tiêu chương trình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.