Giải oan cho thiên địch bọ xít

Thứ bảy, ngày 23/04/2011 07:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bọ xít là loài thiên địch có ích, được coi là thân thiện nhất với đồng ruộng, với nhà nông. Nhưng đã có lúc chúng từng bị nghi là “thích khách”, là tội đồ vì... hút máu người gây bệnh.
Bình luận 0

Cách đây gần 1 năm, vào tháng 7.2010, khắp trong Nam ngoài Bắc rộ lên thông tin bắt được bọ xít hút máu người, làm ai nấy phát hoảng...

img
 

Oan cho bọ xít

Lúc đó, những nhà khoa học Bộ môn Côn trùng học (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cũng rất lo lắng, bởi bọ xít mà họ đang nhân nuôi, là loài thiên địch có ích cho nhà nông, được Bộ môn nhân nuôi từ năm 2004 để phục vụ công trình khoa học dùng thiên địch để diệt sâu bệnh hại cây trồng rất hiệu quả và an toàn.

Để đảm bảo lợi ích cho nông dân khi mua thiên địch phòng trừ sâu hại, nông dân phải được nhà cung cấp “bảo hiểm” cho sản phẩm cây trồng của họ cũng như hướng dẫn ứng dụng có hiệu quả.

Theo PGS - TS Phạm Văn Lầm (Viện Di truyền nông nghiệp), loài bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata thuộc họ bọ xít bắt mồi Reduviidae. Họ bọ xít Reduviidae là một họ khá lớn của bộ cánh nửa cứng (Hemiptera).

Trên thế giới, họ bọ xít này ước tính có khoảng 6.800 loài. Ở Việt Nam đã có một số ghi nhận, phát hiện được trên dưới 100 loài thuộc họ Reduviidae. Phần lớn các loài bọ xít của họ Reduviidae thường săn bắt các côn trùng hại cây trồng làm thức ăn, nên chúng là thiên địch của sâu hại.

Hiện chưa thấy tài liệu nghiên cứu chuyên sâu nào ghi nhận những loài bọ xít họ Reduviidae là thiên địch của sâu hại lại có thể chuyển sang hút máu người và ngược lại. "Hãy coi bọ xít hút máu là những côn trùng bình thường, cũng như các loài côn trùng khác" - PGS - TS Lầm nhấn mạnh.

GS - TS Nguyễn Văn Đĩnh - chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu các loài thiên địch cho biết: Sở dĩ bọ xít bị coi là “thích khách", vì ban đêm chúng bay theo đèn và có thể châm chích hút máu người. Trên thực tế, đặc điểm chung của tất cả các loài bọ xít là cả con trưởng thành cũng như ấu trùng của chúng đều thích ăn rầy nâu, trung bình mỗi con bọ xít ăn hàng chục con rầy nâu hoặc sâu hại lúa mỗi ngày. Bọ xít thuộc loại côn trùng bắt mồi ăn thịt, không ăn thực vật nên đây là "ưu điểm vượt trội" khi nuôi thả ra đồng làm thiên địch.

Bạn của nhà nông

Các nhà khoa học của Bộ môn Côn trùng học (Khoa Nông học) đã nghiên cứu thành công quy trình nhân nuôi nhện bắt mồi có sức tấn công nhện trắng, nhện đỏ son và bọ xít bắt mồi có sức tấn công bọ trĩ. Nông dân trồng dưa chuột ở xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) từ lâu đã có thói quen đưa thiên địch là bọ xít bắt mồi vào khống chế bọ trĩ. Trước đó, mỗi lứa dưa chuột, nông dân phải phun thuốc trừ sâu 8 lần, thậm chí hơn 10 lần thì nay dùng bọ xít bắt mồi, chi phí cũng bằng mua thuốc trừ sâu, nhưng chất lượng dưa đảm bảo an toàn hơn và sản lượng không thay đổi (khoảng 280kg/sào).

img
Bọ xít là thiên địch có ích cho nhiều loại cây trồng.

Được biết quá trình nghiên cứu, nhân nuôi thiên địch của các nhà khoa học hiện nay vẫn chủ yếu bằng các phương pháp thủ công mà thiếu những phương tiện kỹ thuật trợ giúp hiện đại. Theo GS - TS Hà Quang Hùng (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội), nếu cơ sở hạ tầng cho việc nhân nuôi đảm bảo thì cứ khoảng 20 ngày có thể xuất một lứa.

Được biết, hiện nay các nhà khoa học đang tích cực hợp tác với Chi cục Bảo vệ thực vật các địa phương đưa nhện và bọ xít bắt mồi vào các vùng trồng rau an toàn. Theo ông Ngô Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trong phương pháp xử lý toàn diện (IPM) - tên gọi cho biện pháp bảo vệ thực vật mới, thiên địch (trong đó có bọ xít) đóng vai trò quan trọng nhất. Chọn được thiên địch (thường hiện diện trong ruộng lúa, vườn rau, cây ăn trái…) thích hợp là xem như quyết định thành công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem