Giải pháp phát triển thương hiệu sản phẩm ở Ba Chẽ

Thứ ba, ngày 18/08/2015 14:50 PM (GMT+7)
Thời gian qua, thực hiện chương trình xây dựng NTM, Ba Chẽ (Quảng Ninh) đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, bước đầu mang lại kết quả khả quan và góp phần giảm nghèo bền vững cho nhân dân.
Bình luận 0

Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành và nâng quy mô vùng sản xuất tập trung các cây trồng chủ lực của địa phương. Điển hình như vùng ba kích tím với 186,87ha (tập trung ở Thanh Lâm 129ha); vùng trồng trà hoa vàng 53,41ha (tập trung ở Thanh Sơn 20,7ha); vùng trồng tre mai lấy măng 46,5ha; vùng trồng mía tím 56ha (tập trung ở Đồn Đạc 33ha); vùng trồng thanh long 23,6ha (tập trung ở Nam Sơn 20,2ha).

img

Các sản phẩm của Ba Chẽ được bày bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh năm 2015.

Trên cơ sở đó, để phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương và thực hiện liên kết 4 nhà trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy hàng hoá chất lượng cao, Ba Chẽ đã thu hút doanh nghiệp đầu tư; ký kết việc nghiên cứu hỗ trợ KHKT, tư vấn phát triển sản xuất; tăng cường quản lý nhà nước, chủ động bố trí, đề xuất cơ chế chính sách; vận động người dân vào cuộc tham gia phát triển sản xuất.

Hiện nay, huyện đã ký kết thoả thuận hợp tác với Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh và Công ty TNHH MTV Dược khoa Trường Đại học Dược Hà Nội về phát triển dược liệu trên địa bàn Ba Chẽ; ký kết ghi nhớ hợp tác với Công ty CP Dược Vật tư y tế Quảng Ninh về phát triển vùng trồng dược liệu và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn; với Công ty CP Dược Trung ương Mediplantex về hợp tác chiến lược trong lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư vùng trồng dược liệu tập trung quy mô 200ha theo hướng GACP-WHO. Việc các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm ngành dược đã bước đầu mở ra hướng sản xuất ổn định, phù hợp với trình độ của nhân dân cho thu nhập cao.

Bên cạnh đó, Ba Chẽ cũng thành lập thêm các tổ chức kinh tế gắn với thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm; xây dựng thêm các thương hiệu sản phẩm: Rượu nấm lim xanh; rượu ba kích, nấm lim khô, ba kích khô, măng mai khô, măng mai muối ớt, mật ong rừng tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, từng bước đa dạng hoá sản phẩm hàng hoá địa phương. Đáng phấn khởi là tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh vừa qua, Ba Chẽ là địa phương đi đầu so với các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh về doanh thu bán hàng tại hội chợ.

Đặc biệt, Ba Chẽ đang triển khai quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung huyện Ba Chẽ đến năm 2020; thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; tập trung nguồn lực hỗ trợ cho vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của địa phương, gắn với bao tiêu sản phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp; tranh thủ các dự án, nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình phi chính phủ để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông dân. Phát triển chăn nuôi, thuỷ sản, cây dược liệu theo quy mô tập trung, chuyên canh, qua đó từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản thông qua việc đẩy mạnh chương trình “Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Song song với đó, khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác; vai trò chủ đạo của doanh nghiệp trong việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá gắn với thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Tin rằng, với những định hướng phát triển vùng trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, cùng những giải pháp cụ thể thời gian tới, Ba Chẽ sẽ trở thành một địa phương đi đầu trong toàn tỉnh về phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững, đạt mục tiêu đề ra trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thanh Loan (Báo Quảng Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem