Giải tán trường ĐH, CĐ yếu kém

Tùng Anh Thứ hai, ngày 09/11/2015 06:40 AM (GMT+7)
Các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) bùng nổ, “xuất sắc” vượt cả kế hoạch đề ra cho năm 2020. Do đó, năm 2016, Bộ GDĐT quyết tâm giải thể hoặc sát nhập các trường ĐH, CĐ yếu kém.
Bình luận 0

Cung quá cầu

Theo thông tin từ Bộ GDĐT, tính đến năm học 2014 - 2015, cả nước có 219 trường ĐH, 217 trường CĐ (trong đó có 60 trường ĐH, 28 trường CĐ ngoài công lập). Nếu tính cả các trường khối công an, quân đội, tổng  số các trường ĐH, CĐ là 472 trường. Tính từ năm 2007 – 2013 đã có 133 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó có 108 trường được nâng cấp từ trung cấp lên CĐ và từ CĐ lên ĐH. Con số này, đã vượt qua Quyết định điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ của Thủ tướng Chính phủ đề ra năm 2013. Theo kế hoạch này, đến tận năm 2020 cả nước mới cần có 460 trường ĐH, CĐ.

img

Lao động có bằng ĐH đã bão hòa trong khi lực lượng thợ lành nghề đang rất thiếu (Ảnh: Đào tạo nghề điện tử tại Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội). Ảnh:   Nguyễn Thiêm

Việc “phình to” quá cỡ số lượng trường đã khiến cho thị trường lao động bị… quá tải. Chỉ tính năm 2013, số sinh viên tốt nghiệp ra trường là hơn 400.000 người tăng 165% so với năm 2010 và gấp 2,2 lần so với năm 2005. Theo thống kê mới nhất của Bộ LĐTBXH, tính đến quý II/2015 cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó tới gần 200.000 người có trình độ ĐH không có việc làm (chiếm 17,4%), tăng 22.000 người so với quý I/2015.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga thừa nhận, quy mô các trường ĐH và số lượng sinh viên đã vượt ngưỡng cần thiết. “Hiện, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện dừng tiếp nhận hồ sơ thành lập trường mới, việc mở ngành cũng được siết chặt lại, kiên quyết không cấp phép mở ngành không đủ điều kiện, năm 2014 – 2015, 60 ngành đào tạo không đủ tiêu chuẩn không tiếp tục được cấp phép đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy đã giảm 2,5%/ năm và hệ vừa học vừa làm đã giảm 18%/ năm” – ông Ga cho biết.

Thực tế mùa tuyển sinh năm 2015 đã cho thấy còn rất nhiều trường ĐH, CĐ không thể tuyển sinh được do cạn nguồn tuyển, không ít trường ĐH ngoài công lập lâm vào tình trạng “hấp hối” do không có sinh viên để đào tạo: “Đây là thời điểm thích hợp để sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH, CĐ. Theo dự kiến, những trường gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm qua và dự báo tiếp tục khó khăn sẽ phải giải thể, chuyển đổi hoặc sát nhập thành phân hiệu của trường khác hoặc chuyển sang đào tạo ngắn hạn để tránh lãng phí nguồn lực” – ông Ga nói.

Thận trọng khi “dẹp” trường

" Trường công lập sẽ được thu hẹp lại để hạn chế tuyển sinh dễ dãi. Còn việc đình chỉ hoạt động, giải thể trường tư chỉ thực hiện khi trường vi phạm pháp luật, còn việc sát nhập, chia tách, chuyển nhượng phải do chính các nhà đầu tư quyết định” 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD ĐT)

Theo GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, nếu lấy tiêu chí không tuyển sinh được để dẹp trường là chưa thỏa đáng, cần có nhiều tiêu chí rõ ràng và thuyết phục hơn. “Một trường không tuyển sinh được không hoàn toàn là do trường không đủ năng lực đào tạo. Rất nhiều trường có bề dày lịch sử, sinh viên ra trường có việc làm gần như 100%, cơ sở vật chất rất tốt, các năm trước không lo lắng gì đến nguồn tuyển nhưng năm nay lại chỉ tuyển được ½ chỉ tiêu chỉ vì… không còn nguồn tuyển như ĐH Dân lập Hải Phòng, ĐH Kinh doanh và Công nghệ, ĐH Lâm nghiệp…” – ông Nghị dẫn chứng. Cũng theo ông Nghị, khi xét sát nhập hay giải thể trường phải quan tâm đến quyền lợi của người học: “Việc luân chuyển sinh viên như thế nào, bằng tốt nghiệp được cấp ra sao, các chính sách, chế độ của các em và cả chấn động tâm lý khi trường bị giải thể, sát nhập… cũng phải được tính đến. Đặc biệt là đội ngũ giảng viên thừa ra sẽ chuyển đi đâu?”.

Còn theo PGS-TS Phạm Văn Miên – Phó Giám đốc Học viện Tài chính: “Quan trọng hơn là quy hoạch lại các ngành đào tạo. Mấy năm vừa qua, rất nhiều trường thực hiện đào tạo đa ngành, việc mở ngành không chuyên chỉ vì chạy theo nhu cầu thị trường đã làm giảm chất lượng đào tạo, ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực. Ví dụ, ngành kế toán, trường nào cũng đua nhau đào tạo…. Hậu quả là sinh viên chuyên ngành này ra trường thất nghiệp quá nhiều”.

Ở một khía cạnh khác, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ Việt Nam lại cho rằng, cần cân đối lại nguồn cung cầu, dự báo chính xác thị trường lao động và phân bổ lại cơ cấu đào tạo cho hợp lý trước khi nghĩ đến việc “bức tử” các trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem