Giai thoại để đời về “chàng công tử đốt tiền luộc trứng”

Bài, ảnh: Hiền Lê Thứ sáu, ngày 06/11/2015 14:58 PM (GMT+7)
Về miền Tây, nói đến Bạc Liêu là người ta nghĩ ngay đến vùng đất “cò bay thẳng cánh” và ở nơi đó còn có giai thoại về chàng công tử nổi tiếng hào hoa, “đốt tiền như giấy” - Công tử Bạc Liêu - Một thành ngữ để chỉ về những tay ăn chơi giàu có, phóng khoáng hơn người.
Bình luận 0

Như một sự sắp xếp nhưng rất tình cờ, chúng tôi đến khu tích Công tử Bạc Liêu ở 15 Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu vào một ngày chớm đông. Bất ngờ đầu tiên khi chúng tôi đến nơi “cư ngụ” của Công tử Bạc Liêu một thời nổi tiếng là người hướng dẫn viên có tên Trần Trinh Đức (68 tuổi), con trai của Trần Trinh Huy – “chàng công tử” được xem là giàu có nhất xứ sở Bạc Liêu này.

Trên tay cầm những quyển sách viết về cha mình, ông Đức cẩn thận giở từng trang và thuộc lòng vanh vách những giai thoại về Công tử Bạc Liêu với một niềm tự hào về một thời huy hoàng của gia đình, dòng họ. Nhắc đến cha, giọng ông Đức đượm buồn dường như ký ức một thời vàng son xen lẫn những kỷ niệm xưa tràn về trào dâng trong ông. Ông chậm rãi kể về cuộc sống thăng trầm của gia đình với giọng đầy tiếc nuối.

Theo lời ông Đức, Trần Trinh Huy (1900-1974) có tên gọi khác là Ba Huy, sở hữu nước da ngâm đen nên người dân Bạc Liêu thời ấy còn gọi là “Hắc Công tử”. Ông từng đi du học ở Pháp và khi về lại Bạc Liêu, ông được thừa hưởng khối gia tài đồ sộ trong đó có một ngôi nhà lớn nhất tỉnh, được xây dựng vào năm 1919.

Dù là người miền Tây, có nước da ngâm nhưng Ba Huy không cục mịch mà ra vẻ thanh thoát, phong độ hơn người.Dừng lại ở một trang sách nói về cha mình, ông Đức tự hào: “Bạc Liêu ngày ấy lắm ruộng nhiều trâu, số người giàu có kể sao cho hết nhưng nhắc đến cha tôi thì ai cũng biết bởi mức độ phóng khoáng khó ai sánh bằng”. Những tá điền ngày xưa ở vùng đất này quanh năm miệt mài đồng áng, mỗi lần thấy cậu Ba Huy đi thăm ruộng là y như có một sự kiện lớn, dân chúng kéo đến xem cậu Ba ngồi trên chiếc xe hơi bóng lộn. Điều đó cho thấy rằng, Công tử Bạc Liêu luôn xuất hiện một cách hào nhoáng, danh tiếng đồn khắp vùng đất Nam Bộ này.

Sở hữu nhiều tiền tạc và nhiều tài sản lớn, Ba Huy luôn xuất hiện như một “ông hoàng” lúc bấy giờ, bộ veston lịch lãm là trang phục mà ông thường dùng mỗi khi lên thành phố để ăn chơi. Nhiều vị cao niên ở Bạc Liêu còn cho biết, cậu Ba Huy rất ham vui với những cuộc vui chơi nổ trời, ông lặn ngụp trong những bàn tiệc với loại rượu sâm banh đắt đỏ. Theo ghi chép tại khu di tích, Công tử Bạc Liêu là người Việt đầu tiên sở hữu máy bay riêng, đó là một sự kiện làm chấn động dư luận cả nước khi cậu Ba đi thăm ruộng lúa trên chiếc phi cơ của mình.

Người dân Bạc Liêu hiện nay vẫn thuộc lòng nhiều câu chuyện khó tin về Hắc Công tử, trong đó có một giai thoại để đời khi cậu Ba Huy giao tranh với Lê Công Phước (còn gọi là Bạch Công tử), người làng Điều Hoà (Mỹ Tho). Vốn là một tay ăn chơi khét tiếng thời đó nên Bạch Công tử và Hắc Công tử đã trở thành kỳ phùng địch thủ. Những cuộc tranh giành nhau về mức độ giàu có giữa họ cứ diễn ra thường xuyên, trong đó có cuộc thi đốt tiền nấu đậu xanh để đời, không biết họ đã đốt bao nhiêu tiền cho lần chạm trán này nhưng kết quả Công tử Bạc Liêu đã thắng.

Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, danh tiếng của chàng Công tử xứ Bạc Liêu vẫn còn sống mãi trong lòng người. Hiện nay, khu di tích với nhiều dấu tích còn lại của cậu Ba Trần Trinh Huy vẫn là một điểm đến thu hút một lượng lớn khách tham quan trong và ngoài nước. Đối với người dân Bạc Liêu, họ luôn tự hào về mảnh đất “cò bay thẳng cánh" này đã sản sinh ra một Công tử Bạc Liêu với nhiều giai thoại để đời được truyền tụng đến ngày sau.

img

Chụp ảnh lưu niệm tại ngôi nhà Công tử Bạc Liêu.

img

Chiếc giường “huyền thoại” của cậu Ba Huy.

img

Chụp ảnh lưu niệm bên chiếc xe hơi của chàng Công tử xứ Bạc Liêu. (Ảnh: Hiền Lê)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem