Giám đốc CDC Hải Dương nhận 30 tỷ đồng, "bắt tay" nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 có thể bị xử lý sao?

Quang Minh Chủ nhật, ngày 19/12/2021 09:29 AM (GMT+7)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 7 bị can, trong đó ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương bị cáo buộc nhận 30 tỷ đồng. Ở góc độ pháp lý, những đối tượng vi phạm quy định có thể bị xử lý sao?
Bình luận 0

Bắt Giám đốc CDC Hải Dương "bắt tay" nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19

Tối 18/12, theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương.

Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, nâng giá kít xét nghiệm Covid-19 là hành vi vi phạm pháp luật. 

Đây cũng sẽ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nếu bị kết án thì các đối tượng này sẽ bị xử lý bằng các chế tài nghiêm khắc.

CDC Hải Dương nhận 30 tỷ đồng, "bắt tay" nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 có thể bị xử lý sao? - Ảnh 1.

Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương (trái) nhận gần 30 tỷ đồng từ Phan Quốc Việt (phải), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á. Ảnh Bộ Công an

"Hành vi trục lợi trong hoạt động đấu thầu thiết bị y tế tại Trung tâm CDC Hải Dương theo như thông tin từ phía cơ quan điều tra là hành vi đáng lên án "táng tận lương tâm". Các đối tượng có thể bị xử lý nghiêm khắc, kịch khung", luật sư Bình chia sẻ.

Theo luật sư Bình, trong trường hợp kết quả giải quyết vụ án hình sự có căn cứ cho thấy các đối tượng đã thực hiện hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu hoặc chuyển nhượng thầu trái phép gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 222 Bộ luật hình sự 2015. 

Đối tượng gây ra vụ việc có thể phải nhận hình phạt tù

Cụ thể, những người thực hiện một trong những hành vi gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Trong trường hợp thiệt hại đến 1.000.000.000 đồng thì các đối tượng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù. Như vậy, trong vụ việc này nếu như gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại trên 1.000.000.000 đồng thì Giám đốc CDC Hải Dương có thể phải nhận mức án phạt tù từ 3-20 năm tù.

"Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích, làm rõ hành vi, làm rõ hậu quả để có căn cứ xử lý các đối tượng này để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Bình nói.

Luật sư Bình cho biết thêm, trong vụ án có đồng phạm, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vai trò đồng phạm, đối tượng nào là chủ mưu cầm đầu, đối tượng nào là đối tượng thực hành (trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội), đối tượng nào với vai trò giúp sức, xúi giục để phân hóa vai trò đồng phạm, làm cơ sở để tòa án giải quyết vụ án và có hình phạt phù hợp đối với từng đối tượng.

CDC Hải Dương nhận 30 tỷ đồng, "bắt tay" nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 có thể bị xử lý sao? - Ảnh 3.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật.

Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy các đối tượng này ngoài việc thực hiện hành vi quy định vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ thì sẽ bị khởi tố thêm về tội danh này.

Các hoạt động có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ nhà nước trong việc làm sai công vụ thì rất có thể người thi hành công vụ đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người khác do có sự thỏa thuận tiền bạc trước đó.

Pháp luật quy định người nào đưa tiền, tài sản để yêu cầu cán bộ công chức Nhà nước thực hiện một công việc theo yêu cầu của người đưa tài sản thì đó là hành vi đưa hối lộ, còn người có chức vụ, quyền hạn nhận tiền, tài sản của người có yêu cầu này là người nhận hối lộ. Tội danh được quy định tại điều 354 và điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015.

Nêu quan điểm về vụ việc bắt Giám đốc CDC Hải Dương, bạn đọc Hoàng Thanh (quê ở Hải Dương), hiện đang sinh sống ở Hà Nội cho hay, hiện nay tình hình dịch bệnh đang kéo dài, có diễn biến phức tạp.

Bởi vậy việc cơ quan chức năng phát hiện, làm rõ và xử lý các hành vi trục lợi từ nguồn ngân sách phòng chống dịch bệnh là hết sức cần thiết.

"Trong khi ngân sách Nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người dân đã thực hiện các hoạt động từ thiện, quyên góp, ủng hộ vào quỹ chống dịch và giúp đỡ người nghèo thì có đối tượng lại lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng vị trí công tác để trục lợi trên nỗi lo sợ, trên nguồn ngân sách hạn hẹp, từ xương máu của nhân dân. 

Chính vì vậy tôi mong rằng cơ quan chức năng sẽ làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, tạo sự răn đe, làm gương cho người khác", Hoàng Thanh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem