Giám đốc “ngân hàng” giàu tình nghĩa

Thứ bảy, ngày 07/07/2012 06:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dưới cái nắng oi ả của tiết trời tháng 6, chúng tôi tìm về xã Định Tường, huyện Yên Định (Thanh Hóa) để gặp thương binh Trần Văn Hóa - một tấm gương về nghị lực trong “cuộc chiến” giữa đời thường...
Bình luận 0

Nhiều người lính đi qua cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc lại tiếp tục một cuộc chiến đấu mới - cuộc chiến “cơm áo gạo tiền”. Và câu chuyện thương binh hạng 2/4 Trần Văn Hóa là một minh chứng.

img
Sau những bận rộn với công việc, thương binh Trần Văn Hóa lại dành thời gian chăm sóc cây cảnh.

Nhiệt tâm giúp đời

Ông Hóa sinh năm 1949, trú tại xã Định Tường, huyện Yên Định. Trải qua những cuộc chiến đấu đầy khốc liệt ở chiến trường miền Nam những năm 1960, trở về quê hương với lòng nhiệt huyết, ông Hóa được mọi người mến phục bởi nhiều “tài vặt” giúp ích cho bà con. Năm 1995, nhận thấy sự năng động, dám nghĩ dám làm của ông Hóa, Đảng ủy xã Định Tường mời ông tham gia Quỹ Tín dụng nhân dân và giao cho ông trực tiếp điều hành.

Thương binh Trần Văn Hóa cùng 5 người trong Ban quản lý quỹ ra sức vận động bà con nhân dân tham gia. Sau một thời gian ngắn, quỹ đã thu hút được 20 thành viên với số vốn 28,6 triệu đồng, và ông Hóa giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành. Nhận thấy Quỹ Tín dụng nhân dân còn quá mới mẻ với nhân dân, ông đã cùng mọi người tổ chức tuyên truyền tới từng người, từng nhà về quy tắc hoạt động cũng như lợi ích mà quỹ đem lại. Từ cách làm ấy, quỹ không ngừng phát triển về số lượng thành viên lẫn số vốn.

Để đảm đương được chức trách Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc của một “ngân hàng” ở xã, ông Hóa phải vừa học, vừa làm, tìm những tài liệu liên quan đến tín dụng, tài chính… để bổ sung “vốn” cho mình, giúp điều hành công việc được tốt hơn.

Chính từ sự chịu khó học hỏi đó, thương binh Trần Văn Hóa trở thành người thuyền trưởng tài ba dẫn dắt Quỹ Tín dụng nhân dân xã Định Tường bước sang một trang mới. Qua 16 năm hoạt động, quỹ đã phát triển lên 2.209 thành viên với số vốn góp 2 tỷ 174 triệu đồng.

Phạm vi hoạt động của quỹ được mở rộng ra địa bàn thị trấn Quán Lào và xã Định Tăng, huyện Yên Định, vận động đến 90% số hộ tham gia thành viên của quỹ. Tính đến đầu năm 2012, quỹ có tới 2.400 thành viên với tổng số vốn lên tới 109 tỷ đồng.

Ông Hóa tâm sự: “Những ngày đầu thành lập, quỹ hoạt động rất khó khăn. Ban quản lý chỉ có 6 anh em, lúc đó lương của chúng tôi chỉ có 20.000 - 30.000 đồng/người/tháng, nhưng vì đang huy động vốn nên chúng tôi quyết định không nhận lương mà bỏ hết vào quỹ. Suốt 4 năm ròng không nhận một đồng lương, cuối cùng chúng tôi cũng đã thành công. Sau này, khi quỹ phát triển, chúng tôi đã hoàn trả lại số lương cho anh em. Từ phạm vi hoạt động nhỏ ở một xã nghèo như Định Tường, chúng tôi mở rộng ra thêm 2 xã nữa. Đây là thành công bước đầu trong việc đưa quỹ đến tận nhà của nhân dân”.

Không chỉ là người giỏi về chiến lược kinh doanh trong hệ thống tín dụng, ông Hóa còn đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm việc ở quỹ. Ông Hóa luôn tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, động viên và tạo điều kiện cho mọi người đi học để có bằng cấp chuyên môn. Tính đến nay, 100% người lao động tại quỹ có bằng trung cấp tài chính trở lên, có nguồn thu nhập ổn định.

Người chiến sĩ thầm lặng

Với 44 năm tuổi Đảng, 63 tuổi đời, thương binh Trần Văn Hóa hiểu rõ hơn ai hết nỗi đau bởi chiến tranh gây ra, nên ông luôn ý thức được những hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Hằng năm, ông và gia đình dành hàng chục triệu đồng ủng hộ các hoạt động vì người nghèo, đồng bào bị bão lụt, nạn nhân chất độc da cam... Từ năm 2005 đến năm 2009, Quỹ Tín dụng nhân dân Định Tường đã chi hơn 204 triệu đồng cho các hoạt động trên.

Không những thế, trong hoạt động kinh doanh, ông Hóa luôn chú trọng đến việc cho vay vốn đối với các lao động đi xuất khẩu lao động, góp phần xóa bỏ triệt để nạn cho vay lãi cao trên địa bàn. Đây cũng là một trong những chiến lược phát triển của quỹ và của ông Chủ tịch Hội đồng quản trị. Bởi ông nhận thấy công tác an sinh xã hội trên địa bàn là một hướng phát triển rất quan trọng của Quỹ Tín dụng nhân dân.

Thương binh Trần Văn Hóa không chỉ được mọi người biết đến là người kinh doanh giỏi, mà còn là một cố vấn tài ba trong lĩnh vực y học. Thấy bà con nhân dân hễ ốm đau là phải lên bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh để điều trị, đường sá xa xôi, ông nghĩ “giá như có một phòng khám ngay tại quê nhà thì bà con đỡ cực”. Từ trăn trở đó, ông quyết định ra Hà Nội vận động con cháu mình đang làm bác sĩ tại các bệnh viện lớn theo ông về mở một phòng khám ở xã.

Thương binh Trần Văn Hóa vinh dự được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trao bằng khen; UBND tỉnh Thanh Hóa tặng 8 bằng khen. Từ năm 2006 – 2008, ông liên tục nhận được Giải thưởng “Bông lúa Vàng” do Hiệp hội Quỹ Tín dụng nhân dân Việt Nam trao tặng, và rất nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nghe ý kiến của ông, ai ai cũng ngỡ ngàng, bởi dễ gì con cháu đang làm việc ở các thành phố lớn có thu nhập cao chịu về xã làm. Nhưng với những thuyết trình của ông, nhiều con cháu nghe theo và về quê mở Phòng khám đa khoa Trí Đức vào năm 2007. Hiện trung bình một ngày, Phòng khám Trí Đức thu hút 100 lượt người đến khám và điều trị. Năm 2010, ông mạnh dạn mở rộng phòng khám thành một bệnh viện tư nhân có quy mô 9 tầng, 100 giường bệnh. Công trình này đang được thi công và dự tính cuối năm 2012 sẽ đi vào hoạt động.

Chia sẻ với chúng tôi, thương binh Trần Văn Hóa khiêm tốn: “Thấy bà con đi lại vất vả nên tôi cũng mạnh dạn đưa sáng kiến ra bàn bạc với con cháu xem sao. Thật bất ngờ là các cháu đều đồng ý cả. Khi mở phòng khám này, tôi chỉ là người tham mưu giúp việc cho con cháu thôi, chứ điều hành ra sao thì do chúng nó quyết định cả”.

Khiêm tốn, giản dị là phong cách của thương binh Trần Văn Hóa. Tuy bận rộn với công việc quản lý tiền tệ và cố vấn cho việc kinh doanh của con cháu, nhưng ông không bao giờ quên dành chút thời gian sinh hoạt hội cựu chiến binh, thường xuyên đến thăm các đồng chí, đồng đội. Đó là cuộc sống bận rộn nhưng nhiều ý nghĩa của một người lính – một nhà kinh doanh – một người luôn hết lòng vì gia đình và xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem