Giám đốc Sở KHĐT Yên Bái đưa 200 triệu cho nhà báo có phạm tội?

Lương Kết Thứ tư, ngày 28/06/2017 16:14 PM (GMT+7)
“Mấu chốt để xác định có hay không hành vi phạm tội là xem xét việc ông Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) đưa tiền cho nhà báo là tự nguyện hay bị ép buộc phải làm như vậy”, một số luật sư đánh giá về hành vi ông Lê Duy Phong - nhà báo của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận 200 triệu đồng của Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Yên Bái.
Bình luận 0

img

Ông Lê Duy Phong bị Công an TP.Yên Bái bắt quả tang ngày 22.6. (Ảnh tư liệu của công an)

Qua báo cáo của Công an tỉnh Yên Bái lên Bộ Công an, ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Yên Bái đã chuyển 200 triệu đồng cho nhà báo Lê Duy Phong để ông Phong không đưa tin bất lợi cho mình. Nhiều độc giả đặt câu hỏi vậy hành vi đưa tiền đó của ông Sáng có bị coi là hành vi phạm tội?

Sáng 28.6, tại buổi họp báo của Bộ Công an, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã thông tin xung quanh vụ bắt nhà báo Lê Duy Phong – Trưởng ban Bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết, báo cáo ban đầu của Công an Yên Bái, ngày 16.6, Lê Duy Phong đã lên Yên Bái và gặp ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Yên Bái để làm việc, nêu một số vấn đề sai phạm liên quan tới ông này.

Trong khi làm việc, Lê Duy Phong đã yêu cầu ông Vũ Xuân Sáng chuyển cho mình số tiền 200 triệu đồng. Tại thời điểm đó, do chưa đủ tiền nên ông Sáng mới chỉ chuyển 100 triệu đồng, sau đó chuyển 100 triệu đồng nữa.

Ngay tại buổi họp báo, báo chí đặt câu hỏi hành vi đưa tiền của ông Sáng cho ông Phong có dấu hiệu của hành vi đưa lộ hay không? Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho hay: Đây mới là báo cáo ban đầu về vụ việc. Vấn đề có dấu hiệu đưa hối lộ (hành vi ông Sáng đưa tiền cho ông Phong - PV) hay không còn phải xem xét, nếu đủ căn cứ thì sẽ xử lý hình sự. Hiện vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra.

Nhìn nhận về vụ việc này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định: Trường hợp nhà báo nắm thông tin vi phạm trong hoạt động của Sở KHĐT tỉnh Yên Bái hoặc cá nhân ông Giám đốc, sau đó chủ động hoặc thông qua trung gian để gặp gỡ, đe dọa vị Giám đốc nếu không đưa tiền sẽ thông tin lên báo, thì dù vị Giám đốc có đưa tiền vẫn sẽ là bị hại trong vụ án chứ không phải người có hành vi phạm tội.

Giả thiết, trường hợp vị Giám đốc Sở KHĐT biết nhà báo đang chuẩn bị viết bài phanh phui vi phạm liên quan đến mình, rồi chủ động hoặc thông qua trung gian gặp gỡ nhà báo, chủ động đề xuất đưa khoản tiền để đổi lấy sự im lặng của nhà báo thì việc đưa - nhận tiền mới có dấu hiệu của hành vi đưa và nhận hối lộ.

Cũng nhìn nhận về việc trên, luật sư Giang Hồng Thanh đồng quan điểm với luật sư Dũng: “Mấu chốt để xác định có hay không hành vi phạm tội là xem xét việc ông Giám đốc Sở KHĐT đưa tiền cho nhà báo là tự nguyện hay bị ép buộc phải làm như vậy”.

Vẫn theo LS Thanh, khoản 6 Điều 289 Bộ luật Hình sự có quy định: Người bị ép buộc đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Thông tin ban đầu, ông Lê Duy Phong khai đã nhận khoản tiền 200 triệu đồng từ Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Yên Bái Vũ Xuân Sáng. Theo một số luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội, việc nhà báo khai đã nhận 200 triệu đồng không phải là hành vi bị bắt quả tang. Việc khai ra hành vi đã diễn ra từ trước đó nhiều khả năng là do ông Lê Duy Phong đã bị chú ý và theo dõi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem