Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Cần số hóa lý lịch sản phẩm

Chiến Hoàng Thứ bảy, ngày 23/10/2021 06:31 AM (GMT+7)
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh, giá trị vật chất, tinh thần và văn hóa cần được tích hợp trong sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Bình luận 0

Ngày 22/10, tại Bắc Kạn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Đoàn Thanh niên Bộ NNPTNT phối hợp với Sở NNPTNT, Tỉnh Đoàn Bắc Kạn tổ chức tọa đàm "Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp".

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia:  Cần số hóa lý lịch sản phẩm để nâng tầm giá trị - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm "Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp" tại Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Tọa đàm nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin.

Từ đó, tạo động lực cho nông dân khai thác, sử dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia:  Cần số hóa lý lịch sản phẩm để nâng tầm giá trị - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm. Ảnh: Chiến Hoàng

Phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, cần xem lại, nhìn lại ở góc độ những người làm nông nghiệp, đặc biệt trong thế hệ trẻ việc ứng dụng công nghệ.

"Công nghệ thông tin không thể nào dừng được và cùng phải chung tay thực hiện. Công nghệ thông tin chính là cơ hội, công nghệ thông tin chính là giải pháp để thúc đẩy rút ngắn khoảng cách vùng miền", ông Thanh nhận định.

Ông Thanh mong muốn, diễn đàn sẽ là nơi chia sẻ thông tin, cùng trao đổi các vấn đề để làm sao thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tin tưởng sẽ đạt mục tiêu sớm hơn thông qua ý chí và hành động.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia:  Cần số hóa lý lịch sản phẩm để nâng tầm giá trị - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Tiệp, Chánh Văn phòng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tại buổi tọa đàm. Ảnh: Chiến Hoàng

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã giới thiệu một số nội dung cơ bản về ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, giới thiệu một số chính sách và giải pháp phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp...

Cũng tại diễn đàn này, các chuyên gia đến từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng, Công ty CP FUMEE TECH đã giới thiệu các phần mềm, ứng dụng cũng như giải đáp các câu hỏi của các đại biểu tham gia tọa đàm.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia:  Cần số hóa lý lịch sản phẩm để nâng tầm giá trị - Ảnh 5.

Bà Đinh Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy trao đổi thảo luận về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ảnh: Chiến Hoàng

Bà Vi Thùy Dương, Giám đốc HTX Hương Ngàn (xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ, ngay từ khi xuất hiện dịch Covid-19, HTX đã có sự chuẩn bị để thích ứng với dịch bệnh, tuy nhiên chưa có sự bài bản, định hướng rõ ràng cho đến khi có đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp".

Theo bà Dương, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong HTX là bước tiến khá mới, mang lại hiệu quả tốt. Ngồi ở nhà vẫn có thể giới thiệu được sản phẩm, vẫn có thể bán được hàng; khách hàng dễ dàng tiếp cận được thông tin các sản phẩm của HTX.

"Tôi thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Thay vì chúng tôi đi hội chợ, phải chi các khoản như chi phí đi đường, chi phí ăn ở, đi lại, khi ứng dụng công nghệ thông tin, chúng tôi đầu tư thêm một chút các thiết bị làm video. Chỉ trong một căn phòng nhỏ của HTX, chúng tôi đã có thể bán được sản phẩm của mình", bà Dương cho hay.

Theo bà Dương, dịch Covid-19 lần thứ 4 đã lắng xuống nhưng không phải nguy cơ bùng phát là không còn. Do đó, HTX đang tính toán hết sức cẩn thận để có những bước thích ứng kịp thời nhất.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia:  Cần số hóa lý lịch sản phẩm để nâng tầm giá trị - Ảnh 6.

Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện nay mới đi những bước chập chững. Bắc Kạn có 22 HTX đã thực hiện sử dụng công nghệ thông tin, tuy nhiên nguồn nhân lực quản trị còn hạn chế.

Trong thời gian tới, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rất cần đào tạo nguồn nhân lực để tiếp nhận, ứng dụng được công nghệ thông tin vào sản xuất.

Kỳ vọng lớn nhất thông qua ứng dụng công nghệ thông tin là có được đường băng thông từ sản xuất cho đến người tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, người tiêu thụ sản phẩm chưa thể giám sát được người sản xuất.

"Nếu ứng dụng được công nghệ thông tin thì các chuỗi bán lẻ và trực tiếp những người sử dụng sản phẩm sẽ kiểm soát, đánh giá được mức độ an toàn của các sản phẩm được sử dụng", ông Hùng cho biết thêm.

Theo ông Hùng, trong thời gian tới ,Trung tâm Khuyến nông, đặc biệt là Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh tích hợp chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trong cơ chế chung để hỗ trợ phát triển theo Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh.

Hỗ trợ tiếp cận các nguồn tín dụng, nguồn ngân sách Nhà nước để đẩy mạnh thực hiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, khi ứng dụng công nghệ thông tin, chúng ta sẽ truy xuất được sản phẩm với các giá trị văn hóa, giá trị địa lý, vùng miền.

Công nghệ thông tin sẽ giúp các sản phẩm nông nghiệp đúng với giá trị của nó bằng cách tích lũy các giá trị từ văn hóa, địa lý đến văn hóa tinh thần…

"Chúng tôi cho rằng, đối với Bắc Kạn, cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa được lý lịch sản phẩm thì giá trị sản phẩm nông nghiệp của Bắc Kạn mới được nâng tầm và thể hiện được đúng giá trị mà chúng ta mong muốn", Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem