Bỗng dưng lại nghèo
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo NTNN từ xã thực hiện thí điểm đo lường nghèo đa chiều Hoằng Hải (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho thấy tỷ lệ hộ nghèo tăng cao hơn so với trước.
Sau khi được tập huấn về giảm nghèo đa chiều, xã đã lựa chọn 22 điều tra viên tiến hành điều tra 100% các hộ gia đình đang sinh sống trên địa bàn 11 thôn của xã, để xác định hộ nghèo đa chiều.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2015/images/2015-10-20/1445295231-tr52.jpg)
Một hộ nghèo ở bản Lao Chải, xã Y Tý (Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: Mạc Li
Ông Lê Văn Thuận - cán bộ chính sách xã Hoằng Hải cho biết: Năm 2014, Hoằng Hải có 1.089 hộ dân thì 209 hộ nghèo (chiếm 19,2%) và 127 hộ cận nghèo (chiếm 12%). Sau khi điều tra, rà soát và xác định hộ nghèo đa chiều, số hộ nghèo của xã này “bỗng dưng” từ 19,2% giảm xuống còn 7,59% (tương đương 87 hộ). Còn số hộ cận nghèo từ 12% lại tăng lên 68,57% (tương đương 746 hộ), tăng hơn 5,7% so với trước.
Ông Thuận cho biết, số hộ cận nghèo tăng cao do có nhiều hộ không nghèo về thu nhập, nhưng lại nghèo về các lĩnh vực khác. Sau khi điều tra, rà soát và đánh giá theo biểu đồ, cho thấy tỷ lệ thiếu hụt các chỉ tiêu đo lường nghèo đa chiều của toàn xã. Bên cạnh đó, hiện nay người dân ở Hoằng Hải đang thiếu các chỉ tiêu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội (95,4%), chỉ tiêu về nhà ở (23,49%), nhà tiêu hợp vệ sinh (9,6%), giáo dục cho người lớn (10,42%)…
Một số người dân không vui khi được thoát nghèo theo tiêu chí mới. Những hộ nghèo đang được hưởng thụ chính sách của Nhà nước, đến khi được điều tra, rà soát lại tài sản, thì lại thoát nghèo.
Tại xã Trì Quang (Bảo Thắng, Lào Cai), kết quả đo lường cũng cho thấy những điểm tương đồng. Trước đây tỷ lệ hộ nghèo là 21,32%, giờ theo tiêu chí mới còn 9,71%. Ngược lại, tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng gần gấp 3 lần so với trước đó. Trước là 18,33%, giờ tăng lên 50,64%. Đây là kết quả tại 2 trong 3 xã mà Bộ LĐTBXH vừa tiến hành điều tra theo tiêu chí nghèo đa chiều. Xã thứ 3 là Ngãi Hùng (Tiểu Cần, Trà Vinh) cũng có kết quả tương tự.
Thoát nghèo mà không vui
Theo điều tra tiêu chí thu nhập như trước đây, gia đình bà Lê Thị Chiến (ở thôn 11, xã Hoằng Hải) đang thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, sau khi điều tra theo phương pháp mới về tất cả các lĩnh vực như: Giáo dục cho người lớn, trẻ em, khám, chữa bệnh khi ốm đau, BHYT, nhà ở, nước sạch, nhà tiêu, điện thoại... gia đình chị đã xuống hộ cận nghèo. Còn gia đình ông Lê Văn Kế, ở thôn 8, trước kia không thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo, nhưng sau khi điều tra, gia đình ông trở thành hộ nghèo. Ông Kế cho biết: “Chiếu theo tiêu chí thu nhập thì chúng tôi vẫn vượt qua ngưỡng hộ nghèo. Tuy nhiên, lần điều tra vừa rồi theo quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều, thì gia đình tôi lại thuộc diện hộ nghèo vì nhà ở không bảo đảm, vợ chồng lại không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, nhà tiêu không hợp vệ sinh”.
Theo ông Lê Văn Thuận, trước đây chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được quy ra bằng tiền. Nếu người có thu nhập thấp dưới mức chuẩn nghèo, thì được đánh giá thuộc diện hộ nghèo. Còn hiện nay, khi cán bộ đi điều tra từng hộ dân để rà soát tiêu chí giảm nghèo đa chiều, nhiều hộ dân không muốn hợp tác. Bởi lẽ, khi điều tra cặn kẽ, một hộ đang nghèo lại trở thành cận nghèo hoặc không nghèo, người dân sẽ thấy... bất lợi.
Ông Bùi Văn Sinh - cán bộ chính sách xã Trì Quang lại cho rằng, tiêu chí mới đã thực chất hơn. “Quá trình điều tra dễ dàng hơn trước bởi ngoài tiêu chí thu nhập, có những tiêu chí cụ thể “mắt thấy” như việc người dân tham gia giáo dục, bảo hiểm, nhà ở hợp vệ sinh… Trước đây, người dân thường né tránh việc điều tra, hoặc kê khai thu nhập vì có hộ có tâm lý “muốn” nghèo nên việc điều tra, bình xét thường rất khó” – ông Sinh nói.
Cũng theo ông Sinh, thực tế đo lường cho thấy, có những hộ nhìn bề ngoài có vẻ khá giả nhưng nếu đo lường 5 dịch vụ cơ bản thì lại rơi vào hộ nghèo, hoặc có hộ dù nuôi tới 3 con ăn học đại học, con cái tham gia bảo hiểm y tế... rõ ràng đạt chỉ tiêu giáo dục nhưng lại vẫn nghèo về thu nhập.
“Việc triển khai giảm nghèo đa chiều sẽ rất khó khăn vì sẽ thay đổi phương pháp, chính sách giảm nghèo. Thậm chí, ngân sách từ địa phương và nhà nước có thể cũng sẽ phải tăng do số hộ nghèo theo phương pháp đo lường mới tăng lên. Việc tuyên truyền cho người dân hiểu cũng sẽ gặp khó khăn bởi trong tâm lý của người dân quê thì cứ có tiền là người giàu” – ông Sinh lo ngại.
Ông Ngô Trường Thi - Chánh Văn phòng giảm nghèo quốc gia, Bộ LĐTBXH: Cần thời gian để làm quen, thích ứng
Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều sẽ gặp phải một số khó khăn, thách thức do đây là một phương thức mới, khác hẳn quan niệm về nghèo thu nhập nên cần có thời gian để cơ quan quản lý chuyển đổi và người dân thích ứng, làm quen với khái niệm mới này. Hiện chúng tôi đã hoàn tất việc tập huấn cho cấp huyện, cấp tỉnh về giảm nghèo đa chiều, thời gian tới sẽ tiến hành tập huấn cho tất cả cán bộ cấp thôn, xã để các đối tượng hiểu rõ, đồng thuận trong việc chuyển đổi phương pháp giảm nghèo.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Nhiều thách thức và yêu cầu mới
Hiện nay công tác giảm nghèo của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức và yêu cầu mới do khoảng cách giàu nghèo có xu hướng tăng lên ở một số vùng, một số bộ phận dân cư. Cộng với đó, tại vùng núi, vùng dân tộc thiểu số lại hình thành “lõi nghèo” - bộ phận mà chính sách giảm nghèo lâu nay khó tác động tới. Điều này đòi hỏi công tác giảm nghèo cần phải có những thiết kế mới, chính sách mới. Chính vì vậy, Nghị quyết số 76/2014 của Quốc hội cũng đã khẳng định giảm nghèo giai đoạn tới phải chuyển mạnh sang giảm nghèo bền vững, dựa trên cơ sở tiếp cận đa chiều, nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu, tiếp cận dịch vụ cơ bản cho các hộ dân, nhất là các hộ nghèo.
Nguyệt Tạ (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.