Lúng túng giảm nghèo đa chiều - Bài cuối: Tách đối tượng để hỗ trợ cụ thể

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ tư, ngày 21/10/2015 06:42 AM (GMT+7)
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Đàm (ảnh)– Thứ trưởng Bộ LĐTBXH khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo NTNN về việc triển khai đề án giảm nghèo đa chiều trong thời gian tới.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

Ông Đàm cho biết: Theo dự báo, nếu đo lường nghèo đa chiều, quy mô hộ nghèo, cận nghèo có thể tăng lên gấp đôi năm 2014, chiếm 18 - 20% tổng số hộ trong cả nước (hơn 4 triệu hộ). Nguồn lực hạn chế, quy mô quá lớn khiến nhiều người lo ngại chính sách khó mà bao phủ hết các nhóm đối tượng này, sẽ ảnh hưởng tới khả năng thụ hưởng của người nghèo, không đạt được mục tiêu giảm nghèo đa chiều như mong muốn.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Đề án chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều theo Quyết định 1614. Bước tiếp theo để triển khai đề án này là gì, thưa ông?

- Quyết định 1614 của Thủ tướng Chính phủ quy định các khung tiêu chí cụ thể về việc đo lường nghèo đa chiều  theo tiêu chí thu nhập và các chiều thiếu hụt khác. Sắp tới, Bộ LĐTBXH sẽ nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều và chuẩn mức sống tối thiểu... làm căn cứ để xác định đối tượng hộ nghèo áp dụng chính sách.

img

Bản Nậm Khăn (xã Tà Mít, Tân Uyên, Lai Châu) có gần 100% số hộ thuộc diện hộ nghèo. Ảnh:  Mạc Li

Tháng 11 tới sẽ tiến hành tổng rà soát hộ nghèo trên toàn quốc để đánh giá thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn cũ và xúc tiến giảm nghèo giai đoạn mới. Bộ cũng sẽ nghiên cứu lại toàn bộ chính sách, có thể là sửa đổi bổ sung, ban hành mới để có những chính sách phù hợp với sự tác động đa chiều. Song song với các bước này, Bộ LĐTBXH cũng tiến hành triển khai tập huấn truyền thông để người dân, các cấp chính quyền hiểu về phương pháp giảm nghèo đa chiều.

Số hộ nghèo, cận nghèo sẽ tăng lên nếu xét theo tiêu chí nghèo đa chiều. Theo ông, cần “phân phối” chính sách thế nào để phù hợp? 

- Dù hộ nghèo có thể tăng gấp đôi nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát dựa vào việc xác định mức chuẩn nghèo. Thực tế có những hộ nghèo đa chiều (thiếu 3/5 chiều dịch vụ cơ bản) nhưng không nghèo về thu nhập, vẫn được xếp vào hộ nghèo. Đa phần số này đều nằm ở nhóm cận nghèo trước đây.

Lần này chúng ta chia tách rõ đối tượng nghèo theo từng tiêu chí để có những chính sách can thiệp cụ thể. Ví dụ với hộ nghèo cùng cực thì chúng ta ưu tiên các chính sách hỗ trợ trực tiếp để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, nâng cao thu nhập. Đối với hộ nghèo về thu nhập thì chúng ta tập trung tạo sinh kế, việc làm cho họ...

Quy mô hộ nghèo, cận nghèo tăng lên thì khả năng đáp ứng, cân đối của ngân sách nhà nước thế nào, thưa ông?

"  Đây là mục tiêu lớn, mới, giảm nghèo trên tất cả bình diện, thu nhập, tiếp cận các điều kiện an sinh cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở... Nhưng cũng rất khó thực hiện trong bối cảnh cả nước còn nhiều khó khăn. Do vậy, chính sách cũng phải có sự đồng bộ, đồng thời cần loại bỏ các chính sách có sự chồng chéo để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Điều quan trọng nhất là phải huy động được sự chủ động tham gia của người dân, cơ quan đoàn thể trong các hoạt động giảm nghèo, đặc biệt tạo việc làm cho người dân để giảm nghèo bền vững chứ không chỉ trông chờ sự trợ giúp của nhà nước. 

Tiến sĩ Trần Văn Miều - chuyên gia tư vấn giảm nghèo

- Giai đoạn 2011-2015 tổng nguồn lực huy động là hơn 48.000 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo quốc gia. Trong đó ngân sách trung ương là hơn 41.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương là gần 5.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huy động. Theo tính toán, nếu sắp tới chúng ta làm giảm nghèo đa chiều, tăng mức hỗ trợ cho các huyện, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn lên 1,5 lần so với giai đoạn trước, thì dự kiến phải đầu tư  hơn 61.000 tỷ đồng. Đây chỉ là nguồn lực cần thiết để thực hiện cho chương trình mục tiêu, phần lớn chỉ tập trung vào các địa bàn nghèo. Còn nguồn lực để đầu tư cho các chính sách y tế, nhà ở… thì chưa nằm trong nguồn này.

Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH đang ngồi lại tính cân đối nguồn lực để thực hiện cả chương trình mục tiêu và chương trình giảm nghèo. Từ nguồn lực đấy chúng ta sẽ quay lại để xác định chuẩn nghèo và “lựa cơm gắp mắm” cho phù hợp. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng có những chính sách ban hành ra, nhưng thiếu nguồn lực, dù đã cố gắng huy động cả nguồn lực ngân sách và nguồn lực xã hội như thời gian trước. Nguồn lực có tới đâu thì chúng ta sẽ làm tới đó, mục tiêu là ưu tiên tác động tới nhóm nghèo cùng cực.

Hiện nay, Bộ LĐTBXH đã trình Chính phủ phương án nào xác định mức chuẩn nghèo đa chiều, thưa ông?

- Hiện nay Bộ LĐTBXH đã đưa ra 3 phương án xác định chuẩn nghèo chính sách. Phương án 1 là từ 600.000 - 800.000 đồng/người/ tháng. Phương án 2 là 700.000 – 900.000 đồng/người/tháng; phương án 3 là 800.000-1.000.000 đồng/ người/tháng ở đô thị.

Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH đang nghiên cứu phương án 800.000-1.000.000 đồng/người/tháng. Bây giờ chúng ta đang cam kết phải thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh hơn, bền vững hơn thì đương nhiên cũng cần tăng mức chuẩn nghèo lên bằng hoặc cao hơn giai đoạn trước.

Hộ nghèo được xác định gồm 3 nhóm:

Nhóm 1: Nghèo cùng cực, tức là vừa thiếu hụt thu nhập vừa thiếu hụt đa chiều, thiếu từ 1/3 tổng điểm thiếu hụt tiếp cận dịch vụ cơ bản.

Nhóm 2: Nghèo thu nhập nhưng không thiếu hụt đa chiều.

Nhóm 3: Có thu nhập cao hơn chuẩn chính sách nhưng dưới chuẩn tối thiểu (dự kiến trong khoảng từ 800.000 đến dưới 1.000.000 đồng/người/tháng  ở nông thôn) và thiếu hụt từ 1/3 tổng số điểm thiếu hụt dịch vụ cơ bản.

Hộ cận nghèo: Có thu nhập bình quân đầu người từ mức sống tối thiểu trở xuống (dự kiến nông thôn là 1 triệu đồng còn thành phố là 1,2 triệu đồng/người/tháng), cao hơn chuẩn nghèo chính sách và thiếu hụt từ 1/3 tổng số điểm thiếu hụt  dịch vụ cơ bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem