Giám sát chặt an toàn thực phẩm thức ăn mang về trong mùa dịch Covid-19

Tuấn Kiệt Thứ hai, ngày 04/10/2021 06:00 AM (GMT+7)
Các cơ sở kinh doanh ăn uống cần tuân thủ những điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch Covid-19 như thế nào?
Bình luận 0

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 20-9-2021 của UBND thành phố Hà Nội về điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, từ 6h ngày 21/9, loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được chính thức mở cửa trở lại và chỉ được bán hàng mang về.

9 quy định về điều kiện an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch Covid-19

Để được hoạt động, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng phải đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm và phòng chống dịch Covid-19. 

Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phải thực hiện nghiêm 9 quy định về điều kiện an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch Covid-19. 

Cụ thể: Khu vực chế biến phải bảo đảm vệ sinh, cách biệt với các nguồn ô nhiễm; bố trí phân khu riêng biệt giữa thực phẩm chín và sống. 

Giám sát chặt an toàn thực phẩm thức ăn mang về trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (huyện Thanh Trì). Ảnh: HNM

Cơ sở phải bảo đảm đủ trang thiết bị chế biến, chia, gắp, chứa đựng thức ăn, bố trí riêng dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín.

Cơ sở phải có dụng cụ bao gói hợp vệ sinh; thức ăn phải được đóng trong các hộp/túi kín được vận chuyển bảo đảm an toàn thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển. Cơ sở có thùng đựng rác, có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi. 

Nguyên liệu thực phẩm được sử dụng phải rõ ràng xuất xứ, nguồn gốc. Cơ sở phải sử dụng phụ gia nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Nhân viên chế biến thực phẩm thực hiện vệ sinh cá nhân theo quy định, như: Cắt móng tay ngắn, không đeo đồ trang sức, khám sức khỏe theo quy định và tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Cơ sở phải thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn đúng quy định. 

Cuối cùng là cơ sở phải áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế và thực hiện đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc; những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở.

Phạt đến 3 triệu đồng đối với vi phạm an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống

Về trách nhiệm kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, ông Phong chia sẻ, theo Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 5/7/2019 của UBND thành phố Hà Nội về quy định phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, cấp thành phố quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp. 

Cấp huyện được phân công quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND cấp huyện cấp; cấp xã quản lý kinh doanh dịch vụ ăn uống không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (kinh doanh thức ăn đường phố). 

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch định kỳ theo phân cấp tại Quyết định số 14 của UBND thành phố.

Giám sát chặt an toàn thực phẩm thức ăn mang về trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ Thái Hà trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: HNM

Ngoài ra, kiểm tra việc xây dựng kế hoạch và các phương án phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của cơ sở, trong đó chú trọng kiểm tra việc tạo điểm quét QRcode để khách đến mua hàng khai báo y tế. Cùng với đó, nhân viên, khách hàng, người giao nhận hàng, người liên hệ phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Đặc biệt, cơ sở phải bố trí khu vực giao/nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển và tách biệt khu vực khác, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2m, trang bị nước rửa tay, sát khuẩn, có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô dùng một lần.

"Trong quá trình kiểm tra, giám sát, các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không tuân thủ các quy định điều kiện an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch Covid-19 đều phải xử phạt nghiêm theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. 

Riêng với loại hình bán mang về, chúng tôi tập trung kiểm tra vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm. Đối với hành vi như sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng", ông Phong nhấn mạnh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem