Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến liên quan đến Thông tư về quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có nội dung mà những người đang sở hữu nhà chung cư khá quan tâm đó là: giảm tỉ lệ các chủ căn hộ tham gia hội nghị nhà chung cư từ 75% lần đầu, xuống còn 50% và thậm chí là trong dự thảo Thông tư mới còn quy định trường hợp không đủ 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ tham gia thì hội nghị vẫn được diễn ra bình thường, những người không tham gia sẽ được lấy ý kiến bằng văn bản!?
Đối với quy định nêu trên, dưới góc độ pháp luật, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, không biết Bộ Xây dựng đã căn cứ vào đâu để giảm tỷ lệ từ 75% đại diện chủ sở hữu căn hộ tham gia xuống còn 50% và thậm chí trong trường hợp không đủ 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ tham gia thì vẫn có thể tổ chức và lấy ý kiến bằng văn bản đối với những chủ sở hữu căn hộ không tham gia hội nghị trực tiếp?
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Bộ Xây dựng cần đưa ra căn cứ về việc việc giảm tỷ lệ tham dự hội nghị nhà chung cư. (ảnh Trần Kháng)
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, trên thực tế, ở một số dự án không thể tổ chức thành công được hội nghị nhà chung cư không phải ở tỷ lệ người tham gia ít hay nhiều, mà vấn đề cơ bản, cốt lõi ở đây là cư dân - những người chủ sở hữu căn hộ chung cư đã không còn tin tưởng vào Ban quản trị nhà chung cư khi mà nó thành lập ra đôi khi chỉ mang tính hình thức và phục vụ lợi ích cá nhân của một số người khi “chen chân” được vào thành viên Ban quản trị.
“Trước đây là cư dân phải đấu tranh với chủ đầu tư để được bàn giao nhà, bàn giao quyền quản lý và điều hành chung cư, thì nay, ở một số dự án, họ lại phải tiếp tục đấu tranh với Ban quản trị - những người do chính họ bầu ra trong việc giải quyết các câu chuyện liên quan đến quản lý, sử dụng phí bảo trì, lợi ích từ các hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý, điều hành tòa nhà…. Đây là lý do chính dẫn đến một số dự án, dù đã năm lần bảy lượt tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng không thể đủ số lượng các chủ sở hữu căn hộ tham gia, bởi họ không nhận thấy quyền lợi thiết thực của mình được bảo vệ bởi chính Ban quản trị tòa nhà chung cư”, luật sư Trần Tuấn Anh phân tích.
Chia sẻ thêm về quy định này, vị Giám đốc công ty luật Minh Bạch nhấn mạnh, vấn đề ở đây không phải là quy định tỷ lệ ít hay nhiều người tham gia và lấy ý kiến trực tiếp hay lấy ý kiến bằng văn bản trong các cuộc hội nghị nhà chung cư, mà việc cấp thiết cần làm bây giờ là Bộ Xây dựng phải đóng vai trò là cơ quan tham mưu chính trong việc ban hành khung pháp lý đối với hoạt động của Ban quản trị tòa nhà chung cư một cách thống nhất, hiệu quả, tránh tình trạng “đầu người, đuôi thú” như mô hình Ban quản trị hiện nay.
Ngoài quy định “lấy ý kiến cư dân bằng văn bản” trong Dự thảo Thông tư Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (dự thảo) của Bộ Xây dựng đang được dư luận đặt ra câu hỏi về tính khả quan. Nhiều cư dân cho rằng, nếu Bộ xây dựng cho các chủ đầu tư thêm quyền thì sẽ càng thêm mâu thuẫn với cư dân.
Theo một số chuyên gia, luật sư nhận định việc lấy ý kiến bằng văn bản phần nào cũng giải quyết được việc khó khăn khi Hội nghị nhà chung cư liên tục không tập trung đủ cư dân tham gia. Tuy nhiên, nếu việc lấy ý kiến bằng văn bản không được công khai, minh bạch sẽ rất dễ gây tới mâu thuẫn, tranh chấp giữa cư dân và BQT, chủ đầu tư bùng nổ.
Điển hình như việc “vượt rào” thành lập BQT chung cư Hapulico số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty CP đầu tư BĐS Hapulico (Công ty Hapulico) làm chủ đầu tư đã được thành lập theo hình thức “lấy phiếu ý kiến chủ sở hữu căn hộ bằng văn bản” và được UBND quận Thanh Xuân ban hành Quyết định công nhận vào ngày 17/7/2017, với 18 thành viên, nhiệm kỳ hoạt động 3 năm.
Tuy nhiên, ngay sau khi BQT được thành lập và vận hành, nhiều cư dân Hapulico đã phản đối bằng cách gửi đơn, kiến nghị tới nhiều cơ quan chức năng quận Thanh Xuân bởi lý do nhiều thành viên Ban quản trị là người của chủ đầu tư, không đại diện cho cư dân. Trưởng Ban quản trị chung cư Hapulico, ông Hoàng Tuấn Việt, là cán bộ Công ty Hapulico, ông Việt cũng không sinh sống tại khu chưng cư này.
Sau kiến nghị của cư dân, nhiều đơn vị chức năng cũng chỉ ra, việc tổ chức hội nghị chung cư lần đầu và thành lập BQT cụm chung cư Hapulico qua hình thức lấy phiếu ý kiến chủ sở hữu căn hộ không có trong quy định của Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, BQT được thành lập trái luật vẫn hoạt động. Nhiều bức xúc của cư dân chưa được giải quyết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.