“Thức ăn” trong đơn thuốc
Mới đây, góp ý lần 6 cho Luật Dược sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị đưa TPCN vào quản lý như thuốc với lý do nhiều bác sĩ vẫn kê đơn TPCN. Tuy nhiên, các chuyên gia TPCN nằng nặc phản đối vì cho rằng TPCN là “đồ ăn”.
Hiện người dân vẫn sử dụng TPCN một cách “mù mờ”. (ảnh minh họa). ảnh: I.T
TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam gay gắt: “TPCN chỉ là vi chất dinh dưỡng được cô đặc, chế biến dưới dạng viên nén, viên con nhộng như thuốc chứ không phải là thuốc. Nó thuần tuý là đồ ăn, vì sao lại đưa vào Luật Dược để quản lý như thuốc”. Theo TS Đáng, TPCN đang được điều chỉnh trong Luật An toàn thực phẩm, không lý gì lại “đá sân” sang Luật Dược, như vậy sẽ chồng chéo về quản lý chứ không nâng cao được chất lượng TPCN hay kiểm soát được việc sử dụng TPCN.
Theo Cục An toàn thực phẩm, quý I/2016, Cục đã ra quyết định xử phạt 20 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng tiền hơn 480 triệu đồng. Các sản phẩm vi phạm có nhiều sản phẩm TPCN với lỗi phạt chủ yếu là quảng cáo không đúng nội dung đăng ký, quảng cáo “thổi phồng” chức năng của sản phẩm, coi TPCN như thuốc chữa bệnh.
|
Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến cho rằng, tuy TPCN không phải là thuốc nhưng lại đang bị hiểu lầm là thuốc. Nguyên nhân là do TPCN được chế biến dưới hình thức “như thuốc” nên người dân dễ ngộ nhận, thứ 2 là các công ty sản xuất, kinh doanh TPCN thường quảng cáo TPCN như “thần dược” chữa được bách bệnh khiến người bệnh, nhất là những người bệnh nặng coi đó là “cứu cánh”, mất rất nhiều tiền mua thuốc nhưng tiền mất tật mạng. Ngoài ra còn rất nhiều chương trình núp bóng từ thiện khám chữa bệnh miễn phí rồi tư vấn, bán TPCN với giá cao.
Bà Nguyễn Thị Lịch (Nguyễn Xiển, Hà Nội) cho biết, mới đây, bà bị nhược mắt đi khám, bác sĩ kê đơn mua hết hơn 500.000 đồng, trong đó 3 lọ thuốc nhỏ mắt chỉ hết gần 100.000 đồng, còn 1 lọ TPCN bổ mắt có giá hơn 400.000 đồng. “Lương hưu của tôi được vài triệu đồng nên tôi cứ đắn đo mãi có nên mua TPCN hay không, nhưng bác sĩ đã kê đơn, nếu không mua nhỡ bệnh không khỏi nên tôi đành mua. Nếu bác sĩ không kê đơn, tôi cũng chẳng bao giờ dám” – bà Lịch cho biết.
TS Trần Đáng lại cho rằng, việc bác sĩ kê đơn TPCN là hoàn toàn hợp lý. “Tại sao thức ăn lại không có tác dụng điều trị. Tôi cho rằng bác sĩ kê đơn TPCN không sai. Vì chỉ bác sĩ mới biết bệnh nhân đang thiếu hụt những vi chất gì, cần bổ sung vi chất gì để cơ thể khoẻ hơn, loại bỏ độc tố, chống lại bệnh tật” - ông Đáng nói.
Theo TS Đáng, một trong những lý do không cho bác sĩ kê đơn TPCN là hạn chế “ăn” tiền hoa hồng, nhưng chẳng nhẽ kê thuốc thì không “ăn”?
“Vàng thau lẫn lộn”
Tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành tốt (GMP) đối với TPCN gần đây, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện đang có hơn 20.000 sản phẩm TPCN được công bố tiêu chuẩn chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm, trong đó 60-65% là TPCN sản xuất trong nước, 35-40% là hàng ngoại. Cả nước cũng có hơn 1.000 cơ sở sản xuất TPCN, tuy nhiên chất lượng sản xuất của các cơ sở này không đồng đều.
Ông Phong cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất TPCN có dây chuyền sản xuất sơ sài, chưa đảm bảo vệ sinh, sản xuất các sản phẩm mắc lỗi, không đạt về hàm lượng hoạt chất. Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm cũng đã xử phạt và thu hồi nhiều lô TPCN không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo PGS Trần Đáng, chất lượng TPCN trong nước “vàng thau lẫn lộn” là do điều kiện sản xuất TPCN còn quá lỏng lẻo, thả nổi, ai cũng có thể xin phép sản xuất TPCN mà không có điều kiện cụ thể, việc công bố, lưu hành TPCN quá dễ dàng. Bên cạnh đó, sự công bố tác dụng của TPCN đối với sức khoẻ cũng bị thả nổi. “TPCN liên quan đến tinh chế hoạt chất, có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, độ tinh khiết chứ không phải đơn giản như rửa thịt rồi cho vào đóng gói chân không. Nhưng ở nước ta, có cả cơ sở chế biến thức ăn gia súc chuyển sang chế biến TPCN” – PGS Đáng cho biết.
Ngoài ra, theo PGS Đáng, Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể thành phần được phép có trong TPCN, thành phần cấm nên có nhiều doanh nghiệp đưa cả thuốc, thậm chí thuốc kích dục vào TPCN.
Theo ông Phong, hiện Bộ Y tế đang xây dựng Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt TPCN và hy vọng đến năm 2017 có thể ban hành nhằm nâng cao chất lượng của TPCN. Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng - Viện phó Viện Nghiên cứu TPCN cho rằng, hiện mới chỉ có 3-4 doanh nghiệp trong số hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh TPCN đủ tiêu chuẩn GMP. Và nếu áp dụng GMP thì cũng chỉ có 50% doanh nghiệp có đủ vốn liếng để đầu tư. Tuy nhiên, ông Phong cho biết, các doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn có thể thuê gia công sản phẩm tại nhà máy đạt GMP như với thuốc hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.