Từ chiếc xe bọ xít thuở ấu thơ...
7 tuổi, khi lũ bạn còn đang hăm hở với trò chơi “xe bọ xít” (miếng nhôm hoặc nhựa mỏng có gắn bánh xe, sau đó dùng nhựa đường gắn con bọ xít còn sống lên trên để xe chạy), thì cậu bé Đinh Văn Giang (SN 1968, ở xã Sông Khoai, huyện Yên Hưng, nay là thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) đã sở hữu chiếc xe cót bé bằng bàn tay do cậu tự thiết kế.
Vua sáng chê Đinh Văn Giang với sản phẩm máy xay thức ăn chăn nuôi đa năng. Ảnh: N.Q
"Kể từ khi chiếc máy xay thức ăn chăn nuôi đầu tiên do nông dân Đinh Văn Giang sáng chế (năm 2000) đến nay, trong mắt những người nông dân ở Quảng Yên, anh Giang luôn là một nhà sáng chế đầy tâm huyết mặc dù không được đào tạo. Họ rất quan tâm theo dõi thành quả sáng tạo của anh ấy. Anh Giang là 1 trong 63 nông dân được bình chọn và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018”.
Bà Lê Thị Hay - Chủ tịch
Hội Nông dân Quảng Yên
|
Ở cái tuổi chưa thuộc hết mặt chữ, cậu bé Giang đã mày mò làm chiếc xe cót với những nguyên lý cơ bản: Một đầu cáp gắn vào thân xe, một đầu khóa vào trục. Dây cuốn càng nhiều vòng vào trục thì chiếc xe chạy càng xa. Ngày đó, mỗi chiếc xe cót của ông làm ra “có giá” bằng vài chục chiếc kẹo bi hay bánh lương khô – thứ đồ ăn xa xỉ của lũ trẻ quê nghèo.
Tốt nghiệp cấp 3, Đinh Văn Giang mơ tới việc được vào học một trường kỹ thuật. Nhưng vì gia cảnh nghèo khó, Giang phải lên tàu theo nghiệp bố làm ngư dân đánh cá trên các vùng biển xa. Có buổi đang lênh đênh trên biển ngoài khu vực đảo Trần, tàu bỗng dưng chết máy, mấy bố con có nguy cơ chết vì đói, khát. Chưa hề có kinh nghiệm về sửa chữa máy móc thủy, nhưng với bản tính thông minh, sau gần nửa ngày Giang hì hục đánh vật với chiếc máy, tiếng nổ đã vang giòn trở lại. Bố con anh thoát khỏi lằn ranh sống – chết.
Cũng từ lần đó, Đinh Văn Giang quyết tâm từ bỏ nghề đi biển với bao hiểm nguy, vất vả và trở về nhà mở hiệu sửa chữa máy thủy, rồi dần dần sửa cả máy bộ, công nông... Năm 1992, anh dành dụm mua được 2 chiếc máy cày do Trung Quốc sản xuất, với mục đích phục vụ gia đình và cày thuê cho bà con làng xóm. Trong khi cả huyện Yên Hưng ngày đó chưa ai có máy cày, thì chiếc máy của anh Giang như một vật thể lạ từ... hành tinh khác rơi xuống cánh đồng. Nhưng ngặt một lỗi, chiếc máy cày này lại không thể... cày được, bởi thiết kế bánh lồng quá nhỏ, không phù hợp với đồng nước, đầm lầy. Bố con anh bị cả xã chê cười là “điên khùng”, “dở hơi”...
Không chịu bó tay, anh Giang suy ngẫm, mày mò thay đổi thiết kế bánh lồng có đường kính to hơn, bản thanh răng của bánh lồng rộng hơn, góc nghiêng lớn hơn... Lần thứ 2 xuống đồng chạy thử nghiệm, chiếc máy cày “Made in... Đinh Văn Giang” đã hoàn toàn chinh phục những thửa ruộng nước.
... đến “ông vua” trên “ngai” sắt
Trong căn nhà nhỏ ngổn ngang sắt thép ở thôn 11, xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, “ông vua sáng chế” Đinh Văn Giang tất bật với những hợp đồng, những cuộc điện thoại đặt hàng từ Bắc vào Nam. Ngay thời điểm chúng tôi có mặt, anh Giang vừa kết thúc cuộc trò chuyện qua điện thoại với một Việt kiều Mỹ. Anh thật thà khoe: “Ông ấy làm nông nghiệp ở Mỹ, rất hào hứng khi xem những sản phẩm chế biến thức ăn chăn nuôi của mình qua mạng. Ông ấy hẹn tháng tới sẽ về Việt Nam thăm cơ sở của mình để đưa ra quyết định đặt hàng”.
Để đóng góp khích lệ phong trào sáng tạo, anh Giang còn tư vấn rất nhiều đề tài cho các nông dân, thầy cô, học sinh. Từ đó, đã có nhiều đề tài đạt giải thưởng sáng tạo của tỉnh và Trung ương. |
Đã chế tạo, cải tiến ra nhiều sản phẩm nông cụ, nhưng phải đến khi chiếc máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng hoàn thiện, nhà sáng chế Đinh Văn Giang mới thực sự nổi tiếng. Anh kể: “Ngày đó, gia đình tôi nuôi mấy chục con lợn. Ban ngày tôi sửa chữa máy móc, tối đến băm bèo, thái cỏ voi, nấu cám cho lợn. Có lần vội băm cả vào tay, rau thì to ngồng nên lợn ăn vào bị táo bón. Một lần nhìn cái máy xay sinh tố, thấy nó xay nhuyễn mọi thứ, tôi chợt tự hỏi tại sao mình không áp dụng công nghệ này làm ra cái máy có thể xay nhuyễn bèo tây, thân ngô, thân chuối... kết hợp với tinh bột cho vật nuôi ăn nhỉ!”.
Nghĩ là làm. Có được bao nhiêu vốn liếng, chàng trai trẻ Đinh Văn Giang năm ấy dành hết cho nghiên cứu, số còn lại để mua máy móc phục vụ công việc sửa chữa. Đinh Văn Giang tự mày mò, vừa làm vừa quan sát, thử nghiệm. Sau nhiều lần thất bại, 5 năm sau, anh đã cho ra đời chiếc máy đầu tiên.
“Nếu như trước đây nuôi 5-7 con lợn cần nguyên một người chăm thì từ đó chỉ cần 5-6 phút chạy máy là tôi đã có đủ thức ăn cho 50 con. Lợn lớn nhanh, sau 5-6 tháng đã có thể xuất chuồng. Bà con trong làng ngoài xóm truyền tai về chiếc máy xay thức ăn chăn nuôi của tôi, kéo đến mua đông như hội!” - anh Giang nhớ lại.
Tại Đại hội đại biểu Hội ND tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX vừa qua, tôi tình cờ gặp lại ông “Vua sáng chế của nông dân” Đinh Văn Giang. Cái “ngôi hiệu” ấy không phải do bà con nông dân thị xã Quảng Yên đặt cho anh, càng không phải từ các cấp Hội Nông dân ưu ái dành tặng mà là những sản phẩm: Máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng; máy đào ao bùn; máy xay giò chả... đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Khoa học - công nghệ, UBND tỉnh Quảng Ninh... khen thưởng, cùng hàng loạt giải thưởng trong cách cuộc thi sáng tạo khoa học, như những chiếc áo gấm dành cho ông “vua sáng chế”.
Từ năm 1995 đến nay, anh Giang không ngừng sáng tạo và đổi mới những sản phẩm phục vụ cho ngành nông nghiệp và ngư nghiệp. Năm 2014, cơ sở chế tạo máy Đinh văn Giang đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng công nghiệp Việt Nam” do Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương-Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Tạp chí Công nghiệp và tiêu dùng chỉ đạo và tổ chức.
Năm 2015, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen “Đã có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tặng anh Đinh Văn Giang bằng khen: “Đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Cũng trong năm này, anh được trao bằng độc quyền sáng chế cho sản phẩm Thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.