Giao đất cho nông dân: Phải hài hòa các lợi ích

Chủ nhật, ngày 12/02/2012 12:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Việc giao đất cho nông dân cần xem như việc thực hiện một hợp đồng kinh tế, hết hạn cần thu hồi. Tuy nhiên, nếu thu hồi cần xem xét từng trường hợp để hỗ trợ”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khẳng định.
Bình luận 0

Hiện nay, không ít nông dân, chủ trang trại đang lo ngại về thông tin năm 2013 sẽ thu hồi đất nông nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta đã và đang xây dựng nhà nước pháp quyền nên cần tôn trọng những gì pháp luật đặt ra. Đất đai là sở hữu toàn dân, là công thổ quốc gia mà Nhà nước là đại diện. Phải chăng, quyết định giao đất cho các hộ dân là một hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự, vì vậy khi hết hạn giao đất thì người nông dân cần giao lại đất cho Nhà nước? Nhiều người nói rằng, việc thu hồi đất sẽ có nhiều khó khăn, phức tạp; nhưng nếu không thu hồi lại sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Với các quy định pháp luật hiện nay.

img
Cần xem xét hỗ trợ thấu đáo cho nông dân khi thu hồi đất.

Tuy nhiên, vấn đề đất đai phải được giải quyết một cách tổng thể, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của từng thời kỳ. Đất cho sản xuất nông nghiệp là vấn đề rất lớn, cần giải quyết một cách hài hoà các lợi ích, toàn diện, chứ không thể giải quyết chủ quan.

Thưa ông, nếu đợi sau khi sửa đổi xong Hiến pháp, sửa đổi Luật Đất đai rồi mới quyết định việc có thu hồi đất hay không sẽ dẫn đến nhiều hệ quả không tốt. Hiện nay, nhiều chủ trang trại không dám tiếp tục mở rộng sản xuất, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn này?

- Đây là vấn đề mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đang làm rất khẩn trương. Tuy nhiên, trước hết, người nông dân cần xem lại kế hoạch sản xuất của mình. Tại sao đến gần thời điểm hết hạn giao đất họ mới tính mở rộng sản xuất? Chính phủ đã giao đất có thời hạn cho nông dân và họ có quyền trong thời hạn được giao của họ. Còn về phía Nhà nước, đến thời điểm này chỉ có thể nói được rằng, chính sách đất đai ban hành sau sẽ không mâu thuẫn với chính sách ban hành trước đó. Nếu người nông dân vẫn có nguyện vọng sản xuất đất nông nghiệp, họ sẽ tiếp tục được thuê đất theo Luật Đất đai 2003.

Theo Luật Đất đai hiện hành, người nông dân sẽ không được đền bù hay bồi thường gì sau khi đất đã hết hạn sản xuất. Điều này sẽ làm thiệt thòi cho nông dân. Theo ông cần xử lý vấn đề này như thế nào?

- Muốn giải quyết vấn đề này phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, khu vực ĐBSCL được quy hoạch là khu vực trồng lúa nhưng nhiều hộ dân đã đào kênh dẫn nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng để nuôi tôm, không đúng với quy hoạch sử dụng đất. Những trường hợp đó chẳng lẽ Nhà nước phải đền bù? Hay như trường hợp người dân xây nhà trên đất nông nghiệp là sai luật thì Nhà nước có phải đền bù không? Hay chỉ hỗ trợ thôi? Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người nông dân sử dụng đất đúng mục đích như trồng cây ăn quả, cây lâu năm, dù luật không quy định bồi thường nhưng các địa phương cần xem xét từng trường hợp để hỗ trợ.

Để thực hiện sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, một trong những điều nhiều nông dân mong mỏi là nới rộng hạn điền và thời gian giao đất. Việc sửa đổi Luật Đất đai sắp tới cần xử lý vấn đề này như thế nào?

- Muốn xây dựng chính sách đất đai mới phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, biến đổi khí hậu là một vấn đề rất quan trọng hiện nay mà trước đây hầu như chưa được nhắc đến. Nếu nước biển dâng cao, 2/3 diện tích của ĐBSCL có thể mất đi, làm sao chúng ta có thể giao đất trên 20 năm được. Nếu giao đất trên 20 năm thì khi người được giao đất mất đi, đất đó sẽ xử lý thế nào.

Còn nếu cho thuê đất, như có người nói 50 năm hay lâu hơn nữa, có thể con cái của người được giao đất sẽ chia nhỏ mảnh ruộng đó ra và sản xuất nông nghiệp lại manh mún thì vấn đề công nghiệp hóa trong nông nghiệp sẽ phải xử lý thế nào?

Nếu trong cùng 1 gia đình đó, có người con tham gia sản xuất công nghiệp thì họ có được chia ruộng trên phần đất mà cha mẹ họ đã thuê không? Còn nếu giao diện tích đất nông nghiệp lớn cho một số ít người thì những nông dân còn lại sẽ làm gì để sinh sống. Nếu họ về thành phố, thì gặp ngay bài toán nan giải về ùn tắc giao thông, thiếu nhà ở tại các đô thị hiện nay. Vì thế, đây là một vấn đề rất lớn, cần có những điều tra, nghiên cứu khoa học.

Xin cảm ơn ông!

Phó đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ Huỳnh Văn Tiếp:

"Về mặt pháp lý, Chính phủ cần xây dựng và sớm ban hành kế hoạch thu hồi đất năm 2013 để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện. Với tình hình hiện nay, Nhà nước nên tiếp tục ổn định đất đai lâu dài cho nông dân, không nên thu hồi đất và chia lại. Nhà nước chỉ nên thu lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trước đây và cấp lại giấy mới để đảm bảo tính pháp lý.

Còn đối với những thửa đất nông nghiệp chuyển đổi sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp sau khi hết hạn thời hạn giao đất, khi thu hồi, Nhà nước cũng cần hỗ trợ cho nông dân."

ĐBQH, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội Trịnh Thế Khiết:

"Từ trường hợp của anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho thấy có một vấn đề cần lưu ý là cách xử lý với đất khai hoang, phục hoá. Với người nông dân, sau khi khai hoang phục hoá, việc giữ lại đất vĩnh viễn là không thể được, gây thiệt thòi cho các nông dân khác. Vì thế, Nhà nước cần có sự quản lý đối với diện tích này. Còn khi Nhà nước muốn chuyển đổi diện tích đất này sang mục đích sử dụng khác cần áp dụng đúng theo Luật Đất đai hiện nay."

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem