Lo thời hạn sử dụng đất: Ngại đầu tư, né hạn mức

Thứ năm, ngày 09/02/2012 18:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đầu tư cho trang trại là đầu tư dài hạn, sau nhiều năm mới thu hồi vốn. Tuy nhiên, với thời hạn giao đất như hiện nay ở các địa phương, nhiều chủ trang trại chỉ dám đầu tư xổi, rồi tìm mọi cách để né hạn mức.
Bình luận 0

Không thể ăn xổi

Như Dân Việt đã phản ánh, hyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã có kế hoạch thu hồi trên 887ha đất nuôi trồng thủy sản giao có thời hạn. Ngoài quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với chủ đầm Đoàn Văn Vươn và Vũ Văn Luân thì hàng chục hộ khác tại các xã Đông Hưng, Tây Hưng, Tiên Minh… cũng đã nhận quyết định thu hồi đất của UBND huyện.

img
Trong khi các DN được thuê đất 50 năm thì các trang trại mới chỉ được 20 năm. Ảnh chụp trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Khải (Vị Thủy, Hậu Giang).

Ông Hoàng Văn Tin – một chủ đầm xã Tây Hưng cho biết, năm 1992, hộ ông được UBND huyện giao cho 23ha đất bãi bồi để nuôi trồng thủy sản, thời hạn 15 năm. Đến năm 2007 khi chưa kịp hoàn vốn thì thời hạn giao hết, UBND huyện Tiên Lãng đã ra thông báo dừng đầu tư, thu hoạch tài sản trên đất để giao lại toàn bộ đầm cho UBND huyện mà không có một đồng bồi thường.

“Từ đó đến nay gia đình chúng tôi phải muối mặt khất nợ, trong khi không dám đầu tư vì lỡ huyện ra quyết định cưỡng chế thu hồi như nhà ông Vươn thì chúng tôi sạt nghiệp” – ông Tin nói.

Các chủ đầm khác trong huyện đều cho biết, họ cũng nhận được quyết định giao đất của UBND huyện từ năm 1992 – 1993, thời hạn giao chỉ được 5 – 15 năm. Do thời hạn ngắn, lại không biết chính quyền sẽ đối xử với mảnh đất của mình sau khi hết hạn như thế nào nên họ không dám đầu tư vào sản xuất, mà chỉ nuôi quảng canh.

Mở rộng câu chuyện sang các địa phương khác ở các tỉnh ĐBSH, tình trạng chủ trang trại quay lưng với mảnh đất của mình cũng xảy ra khá phổ biến.

Bên trang trại V.A.C hơn 50ha trồng cây ăn quả, chăn nuôi của mình, anh Hồ Sỹ Tùng ở thôn Thuận An, xã Việt Thuận (Vũ Thư, Thái Bình) chia sẻ: “Tôi nhận thầu khu đầm hoang hơn 50ha này từ năm 2005. Sau 3 năm quy hoạch, tôi đã đầu tư vào trang trại hơn tỷ đồng, trong đó 30ha làm ao thả cá, ba ba, vịt và khoảng 20ha trồng chuối, đu đủ, nuôi gà.

Làm trang trại không thể ăn xổi, nhất là trang trại khai hoang, nhanh cũng phải 5 - 7 năm mới có thu nhập, 10 năm may ra mới thu hồi được vốn, muốn có lãi thì phải mất 14- 15 năm. Đó là tính toán trong bối cảnh mưa thuận, gió hoà, còn gặp thời tiết bất trắc thì có khi 30- 40 năm cũng chưa hồi vốn. Nếu Nhà nước chỉ giao đất có 20 năm thì đúng là nông dân chúng tôi nhận đất như... đánh bạc".

Cùng xã với anh Tùng, anh Nguyễn Văn Trường ở thôn Thuận An, năm 2009 cũng thầu 30ha đầm hoang. Do mới thầu được vài năm, chủ yếu mới đầu tư nên anh Trường rất lo. "Theo đúng Luật Đất đai thì sau khi thu hồi nếu chúng tôi có nhu cầu vẫn được thuê lại. Luật là vậy, nhưng qua sự việc ở Tiên Lãng quả thực tôi không dám đầu tư mạnh tay, vì biết đâu mấy ông nổi hứng thu hồi cho người khác thuê thì chết"- anh Trường nói.

Né hạn mức sử dụng đất

Hiện tại, vùng ĐBSCL có khoảng 26.700 trang trại nuôi thủy sản, chiếm 75,3% tổng số trang trại thủy sản của cả nước. Nhiều chủ trang trại ở đây cho rằng, họ đã quá ngán ngẩm với hạn mức giao đất đang được quy định như hiện nay nên đã không thuê đất mà tìm cách tích tụ đất đai hay thuê đất của các hộ dân riêng lẻ để làm trang trại.

Trang trại nuôi tôm sú của ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn) ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, rộng tới 15ha. Nhưng tất cả đều nhờ tích lũy đất qua nhiều năm. Ông Sáu Ngoãn cho biết: “Để được thuê đất của Nhà nước làm trang trại không phải dễ và phụ thuộc vào hạn mức giao đất. Vì thế, tôi chọn cách chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tích lũy đất từ từ rồi xây dựng mô hình kinh tế trang trại”.

Suốt hơn chục năm qua, từ diện tích đất chỉ 3ha, ông Sáu Ngoãn chọn cách tích tụ đất để xây dựng trang trại. Và ông “né” quy định hạn mức, hạn điền bằng cách cho nhiều người thân trong gia đình đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo ông Ngoãn, hầu hết diện tích đất được Nhà nước cho các công ty lớn thuê đều với thời hạn lên đến 50 năm, như ở Bạc Liêu có Công ty Duyên Hải thuê đất với diện tích gần 800ha, Nông trường Vĩnh Hậu thuê hơn 200ha nuôi tôm công nghiệp với thời gian thuê 50 năm.

“Doanh nghiệp thì được nới rộng thời hạn như vậy còn dân chúng tôi thì gần như bị bỏ rơi - ông Sáu Ngoãn nói và cho biết thêm: “Thời gian thuê đất lâu dài thì chủ trang trại hoạch định được chiến lược đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Nếu Nhà nước cho nông dân thuê đất để làm trang trại thì thời gian thuê càng lâu càng tốt. Có như vậy, chủ trang trại mới có hướng để đầu tư, phát triển lâu dài được”.

Còn ông Nguyễn Văn Khải - chủ trang trại rộng 2ha, nuôi cá, gà, rắn… ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Nếu thuê đất với thời gian ngắn như hiện nay thì chúng tôi không an tâm đầu tư sản xuất. Vì vậy, tôi chấp nhận làm nhỏ rồi từ từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất để có thời gian sử dụng đất lâu dài hơn”.

Đầu tư cầm chừng... lỗ kép

 

img Tôi bắt đầu trồng chuối tiêu hồng ở bãi bồi sông Hồng từ năm 1999, nhưng trước đó chủ yếu trồng trên diện tích của gia đình. Từ năm 2002, thấy cây chuối hiệu quả tôi đã thầu thêm gần 20 mẫu đất để trồng chuối. Đầu tư trồng chuối không lớn như các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tôi chủ yếu cải tạo đất, phân bón, quy hoạch, nhưng tính ra cũng bỏ vào đây hơn tỷ đồng rồi. Hiện tôi thuê 12 lao động, lương 2,5 triệu đồng/người/tháng. Làm cái gì cũng thế, không có đầu tư thì không thể cho thu nhập và thu nhập cao, nhưng đầu tư cầm chừng lại rất nguy hiểm, nguy cơ "lỗ kép" là rất cao. Nếu tôi cứ đầu tư nhưng đến năm 2013 họ thu hồi đất, thì tiền phân bón, công cải tạo đất tôi bỏ ra coi như bằng không nên tôi cũng chỉ giám đầu tư "cầm chừng", mà đầu tư cầm chừng thì hiệu quả sản xuất kém, thu nhập giảm… img

 

Anh Ngô Văn Công (xã Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem