HS tiểu học dậy thì: Chuyện không còn lạ
Khi tin này được “truyền” tới tai cô giáo Nguyễn Thị Kim Phượng - khối trưởng khối 5, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, cô lập tức dắt N vào nhà vệ sinh, phát cho em chiếc băng vệ sinh và mượn cho em một chiếc váy khác để mặc tạm.
|
Đừng bất ngờ khi con ở tuổi tiểu học đã dậy thì |
Những “sự cố” như thế này đã không còn quá xa lạ ở các trường tiểu học hiện nay. Cô Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết, riêng lớp 5 do cô làm chủ nhiệm, 1/3 số HS nữ đã dậy thì. Khối lớp 4 chưa nhiều nhưng cũng lác đác có các em gái “bị”.
Theo cô Trần Lưu Hoa, hiệu trưởng trường tiểu học Lê Văn Tám, tỷ lệ HS khối 5 dậy thì ở trường cũng chiếm 20%. Lớp 4 ít hơn nhưng cũng khoảng 5-7%. Thậm chí, ở khối lớp 3, cũng đã có HS mới 8 tuổi đã đến tháng. Tại trường tiểu học Ái Mộ, tỷ lệ các bé dậy thì không nhiều nhưng cũng lác đác có một số em ở khối 5 “trưởng thành”.
“Ngày tôi mới ra trường, tỷ lệ HS tiểu học dậy thì gần như không có. Nhưng, vài năm gần đây, các bé “thành người lớn” tăng dần. Bé trai có biểu hiện mọc ria mép, vỡ giọng, bé gái có biểu hiện rõ ràng hơn, ngực phát triển và có kinh” - cô Phượng cho biết. Vì thế, trong ngăn kéo của các cô giáo tiểu học bây giờ, ngoài đồ dùng dạy học còn có cả những “đồ tế nhị” như băng vệ sinh, quần lót giấy, quần dài… phòng khi các HS nữ “bỗng dưng… đến tháng”.
Các con dậy thì sớm cũng khiến nhiều cha mẹ bất ngờ. Một cô giáo ở quận Đống Đa kể: Hôm đó một HS ở lớp “đến tháng” ngay trong lớp. Tôi gọi điện báo cho gia đình thì mẹ cháu không tin vì nghĩ rằng bé thế thì… có sao được. Có mẹ thì ân hận vì trước đó, con gái hỏi xin một “miếng có cánh” nhưng chị gạt đi vì nghĩ rằng, phải vài năm nữa con mới cần dùng đến.
Dạy giới tính cho trẻ từ lúc nào?
Theo bác sỹ sức khỏe sinh sản Đỗ Minh Tuấn, trước kia, chúng ta có quan niệm về tuổi dậy thì là “gái thập tam, nam thập lục”. Nhưng nay do điều kiện dinh dưỡng tốt cộng với tác động của nhiều yếu tố xã hội mà tỷ lệ các bé dậy thì sớm tăng lên. Nhưng, đây chỉ là dậy thì sớm so với suy nghĩ chứ không phải do.. bệnh.
Mới đây, một bác sỹ bệnh viện Y Dược TP HCM đã kiến nghị phải đẩy chương trình giáo dục giới tính trong trường lên dạy cho HS ngay từ lớp 2. Tại Đức, trẻ đã học môn giáo dục giới tính ngay từ những năm đi học đầu tiên với nhiều hình thức, từ những truyện tranh (dành cho trẻ từ 6 tuổi) đến những bài học cụ thể.
Từ lớp 3, các con đã được biết: trứng được tinh trùng thụ tinh như thế nào và các quá trình phát triển của bào thai. Song song với kiến thức về con người, các bé cũng được học từ lớp 3 về sự phát triển của các loài động vật (trong đó có cả sinh sản). Còn tại Anh, giáo dục giới tính là môn học bắt buộc cho cấp tiểu học và trung học trên toàn quốc, tương ứng với độ tuổi từ 5 đến 16. HS được học về cơ thể con người , sau đó qua thời gian học cách tránh thai, nạo phá thai, đồng tính luyến ái..
Hiện nay, HS VN bắt đầu làm quen với giáo dục giới tính sách Khoa học lớp 5. Các con cũng được học về cơ thể người, về trứng, tinh trùng, về bào thai…Tuy nhiên, việc có đưa chương trình giới tính lên sớm hay không vẫn có nhiều luồng ý kiến.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Phượng, hiện tượng HS lớp 3 đã dậy thì chỉ là cá biệt nên dạy giới tính cho HS lớp 5 vẫn là thích hợp. Bà Đỗ Thị Hải, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội cho rằng, được tìm hiểu về cơ thể là nhu cầu có thật của HS.
Có những HS tiểu học, khi được học về sự hình thành của cơ thể người đã hỏi thẳng luôn vậy làm cách nào để trứng của mẹ và tinh trùng của bố… gặp nhau?. Vì thế, dạy về giới tính không bao giờ là thừa và không phải người lớn nghĩ không cần là… trẻ không cần học.
Câu chuyện giáo dục con của một bà mẹ
“Dạy con giới tính từ lúc nào là thích hợp-tôi chẳng mấy khi băn khoăn hay tham gia vào luồng tranh luận ấy bởi với tôi, không thể đổ hết trách nhiệm cho nhà trường” - Phan Ý Ly, Giám đốc trung tâm nghệ thuật Life Ary cho biết. “Tôi cho rằng, mỗi trẻ ra đời đều đã có giới tính và việc dạy này nên bắt đầu từ ngay khi con còn rất nhỏ, trong mỗi gia đình”.
“Con trai tôi không thích đánh nhau và lại rất thích nấu bếp. Không sao cả. Tôi không bao giờ nói rằng con trai thì phải mạnh mẽ, phải bụi bặm… Tôi không muốn áp chế con vào một quy chuẩn nào vì thực tế trong xã hội, vẫn có những người con trai giỏi nấu bếp. Tôi mua cả ô tô nhưng mua cả búp bê để con chơi cho cháu biết rằng còn có một thứ đồ chơi như thế.
Tôi chỉ phân tích cho cháu thấy những điểm mạnh của con và những điểm mạnh của con trai để cháu tự hào về giới của mình nhưng cũng hiểu hơn về giới nữ. Năm 4 tuổi, con tôi cũng thắc mắc tại sao con chỉ có “một hòn bi”, với tôi câu hỏi đó không xấu. Tôi muốn con tôn trọng tất cả các bộ phận trên cơ thể mình như nhau. Bộ phận sinh dục không xấu nên không có lý do gì ghét bỏ nó.
Tôi phân tích cho con, mai này khi con lớn, hai bên “bi” sẽ đều nhau. Tôi thường tìm trên mạng những clip nói về sự hình thành của con người, có cả cảnh quay chi tiết tinh trùng và trứng gặp nhau như thế nào trong bụng người mẹ, rồi quá trình bé chào đời. Khi hai mẹ con xem, em bé đã rất ngạc nhiên thú vị. Tuy nhiên, tuổi này cháu chỉ cần biết đến đó, khi con lớn hơn nữa, tôi sẽ nói với con nhiều hơn, sâu hơn”.
Phan Ý Ly cho rằng, hãy chuẩn bị cho con tâm lý sẵn sàng. Khi con hiểu về cơ thể, con sẽ sẵn sàng đón nhận thời khắc mình trưởng thành. Muốn vậy, mẹ phải là người chủ động dạy cho con hơn là để con sợ hãi, khóc lóc “tại sao con chảy máu”. Như vậy đã là muộn.
Theo Phụ nữ Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.