Mới đây, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của 141 nền kinh tế trên thế giới. Ở chỉ tiêu chất lượng đào tạo nghề, Việt Nam thăng 13 bậc so với năm 2018, nhưng vẫn đứng gần chót ASEAN, chỉ trên Campuchia và Myanmar.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch nhận định, công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch nói riêng những năm gần đây đã tiến bộ rõ rệt. Dẫu vậy, vẫn còn nhiều bất cập trong đào tạo nghề khiến nhà trường, người học và người sử dụng lao động chưa “gặp nhau”.
Theo ông Tuấn, trong đào tạo nghề, hiện nay, cơ chế phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa rõ ràng, chưa có cơ chế, chính sách cụ thể, khả thi, khuyến khích các doanh nghiệp thực sự quan tâm, phối hợp với các cơ sở đào tạo. Các cơ sở đào tạo ngành nghề cũng thiếu liên kết với nhau.
Sinh viên trường CĐ Nghề TP.HCM trong giờ học thực hành.
Thiếu liên kết khiến việc đào tạo và sử dụng lao động bị lệch pha. Cụ thể như một báo cáo khảo sát chất lượng đào tạo kỹ thuật và dạy nghề của Tổ chức JICA (Nhật Bản) mới đây cho thấy, phần lớn sinh viên tốt nghiệp các trường nghề có kỹ năng cơ bản, chăm chỉ, tuân thủ quy định, sử dụng thiết bị mới tương đối nhanh. Nhưng điểm yếu của đội ngũ này là năng lực làm việc theo nhóm thấp, tinh thần gắn bó với doanh nghiệp không được đánh giá cao…
Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng trường CĐ Lý Tự Trọng (TP.HCM) nhận định, một trong những hạn chế khiến chất lượng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hiện nay chưa cạnh tranh được trong khu vực là do chất lượng đầu vào.
Theo ông Lộc, định kiến xã hội đối với người học nghề còn chưa thay đổi, xã hội chuộng bằng cấp hơn chuộng lành nghề. Chưa kể, các trường đại học hiện nay có quá nhiều phương thức tuyển sinh nên gần như “gom” hết thí sinh.
Sau mỗi đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng, gần như chỉ còn lại những học sinh yếu, không đủ khả năng vào ĐH mới đi học nghề. Trong khi, chương trình phân luồng giáo dục có thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả.
“Những học sinh học lực kém vào trường nghề khó tiếp thu các kiến thức trong thời buổi hiện nay, nhất là ngoại ngữ và tin học. Không có ngoại ngữ, các em càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận kiến thức mới, nhất là những tiến bộ kỹ thuật trong chính ngành nghề mà các em học”, ông Lộc nhận định.
Để cải thiện những điểm yếu của đào tạo nghề, cần lấy chất lượng làm đầu.
TS. Lê Đình Kha – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho rằng, để cải thiện những điểm yếu của đào tạo nghề giữa muôn trùng khó khăn hiện nay, các trường phải lấy chất lượng làm đầu, phải gắn kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp, tăng cường đào tạo kỹ năng mềm…
“Người học nghề sau khi tốt nghiệp phải làm việc được ngay, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Mà để có chất lượng, nhà trường phải gắn kết với doanh nghiệp, phải không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo, giúp sinh viên học được cả kiến thức và các kỹ năng làm việc khác”, TS Lê Đình Kha nhận định.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025. Mục tiêu tổng quát của Đề án là phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường cao đẳng chất lượng cao, đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Qua đó đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.