Bắt buộc... trải nghiệm thực tế
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài các môn học truyền thống, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ xuất hiện thêm nhiều môn học khác được thiết kế dưới các dạng: Môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa; môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) trong giờ học. Ảnh: T.A
Về tính khả thi của việc áp dụng ngay trong năm trong năm học 2018 – 2019, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Cháo nóng thì húp quanh, chương trình mới sẽ làm theo hình thức cuốn chiếu, bắt đầu thực hiện từ các lớp đầu cấp chứ không phải áp dụng đại trà để giúp địa phương có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên”.
|
Cụ thể, ở cấp tiểu học sẽ có thêm các môn học như: Tìm hiểu công nghệ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo (ở mục bắt buộc có phân hóa) và môn học tiếng dân tộc thiểu số (ở mục tự chọn). Cấp THCS có thêm các môn bắt buộc phân hóa là công nghệ và hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Cấp THPT có môn giáo dục kinh tế và pháp luật; thiết kế và công nghệ, tiếng dân tộc thiểu số...
Ông Thuyết cho biết thêm, học sinh sẽ được tham gia vào các hoạt động học tập, từ đó rèn luyện được thói quen tự học và tích lũy được kỹ năng để phát triển. Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống). Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức: Học lý thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể...
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa: “Nếu dạy học theo chương trình mới, học sinh học qua trải nghiệm thực tế nhiều hơn, giải các bài toán thực tế thì sau này các trường có thể tự tổ chức các môn thi theo hình thức như vậy, giao cho học sinh những đề án nghiên cứu và nếu học sinh thực hiện tốt các đề án đó sẽ được tính điểm tốt. Khi học sinh tích lũy đủ điểm cho từng môn học thì các em sẽ được xét tốt nghiệp THPT chứ không phải nhất thiết lúc nào cũng thi tập trung vào kiểm tra lý thuyết và kỹ năng giải bài tập”.
Lo ngại “thả gà ra đuổi”
Việc thiết kế thêm nhiều môn học mới và đưa các hoạt động trải nghiệm thực tế trở thành bắt buộc trong chương trình giảng dạy được nhiều người ủng hộ, song không ít phụ huynh, giáo viên lo ngại về tính khả thi.
Phụ huynh Trần Thị Quỳnh Anh (chung cư Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con học tiểu học cho biết, sĩ số của lớp con chị hiện đã gần 70. “Sĩ số của trường cũng khá đông, không đủ phòng học để học 2 buổi/ngày. Hiện trường phải cho học sinh các lớp nghỉ luân phiên các ngày trong tuần và học cả vào thứ 7, Chủ nhật để đủ lớp. Với sĩ số như vậy thì trải nghiệm kiểu gì?” – chị Quỳnh Anh nói.
Cô Trần Thu Hà – giáo viên một trường THCS tại Hà Đông (Hà Nội) cho biết, các môn học mới vừa đòi hỏi giáo viên phải phải có kiến thức liên môn để dạy tích hợp vừa yêu cầu tổ chức hoạt động thực tế nhiều cho học sinh: “Với những yêu cầu này, nếu áp dụng ngay từ năm học 2018 – 2019 thì sẽ rất khó thực hiện được với điều kiện trường lớp quá tải và giáo viên chưa đủ kiến thức kỹ năng để dạy tích hợp liên môn như hiện nay” – cô Hà nói.
Tương tự, ông Đặng Đình Đại – Hiệu trưởng Trường THPT WellSpring (Hà Nội) cho rằng: “Để thực hiện được việc học sinh tự chọn môn học, các trường sẽ phải sắp xếp lại giáo viên giảng dạy phù hợp với từng môn học được lựa chọn trong khi cơ sở vật chất chưa kịp đổi mới là rất khó khăn”.
Trước những lo ngại này, GS Nguyễn Minh Thuyết thông tin, hiện Bộ GDĐT cũng đã yêu cầu các trường sư phạm đổi mới phương pháp đào tạo để giáo viên có thể đáp ứng nhu cầu mới. Trong tương lai, giáo viên hóa có thể dạy được cả Lý, giáo viên Sử có thể dạy được cả địa lý... “Tuy nhiên, ở giai đoạn trước mắt, giáo viên môn nào vẫn dạy nội dung môn đó. Đối với những giáo viên đã được bồi dưỡng tốt, có khả năng đảm nhiệm dạy môn tích hợp thì sẽ dạy môn tích hợp” – ông Thuyết nói.
Thừa nhận những rào cản về cơ sở vật chất, ông Thuyết cho rằng: “Việc đổi mới phương pháp dạy học theo chương trình mới là rất cần thiết nhưng nếu không có đủ phòng học bộ môn, sân chơi, chỗ thực hành ngoài trời thì giáo viên khó có thể hướng dẫn học sinh nghiên cứu, thực hành. Nếu mỗi lớp ở đô thị vẫn “nhồi nhét” tới 50 – 60 học sinh thì giáo viên khó có cách gì đổi mới phương pháp giáo dục được. Điều này rất cần sự vào cuộc của lãnh đạo các địa phương và việc giám sát thực hiện tốt hơn điều lệ trường học quy định về sĩ số tối đa mỗi lớp” – ông Thuyết nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.