Dự thảo giáo dục phổ thông: Giảm môn học, tăng phân luồng

Tùng Anh Thứ năm, ngày 12/01/2017 06:20 AM (GMT+7)
Đó là những thay đổi cơ bản trong chương trình giáo dục phổ thông (dự kiến sẽ được thực hiện từ năm 2018 – 2019) được GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tiết lộ.
Bình luận 0

Học tối thiểu 5 môn

Theo thông tin từ GS Nguyễn Minh Thuyết, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông sẽ sớm được công bố để lấy ý kiến dư luận. Theo đó, chương trình giáo dục dự kiến được phân thành 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản gồm các cấp tiểu học và THCS; giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT.

img

 Học sinh chỉ còn phải học tối thiểu 5 môn.  Ảnh: Đàm Duy 

Cụ thể, học sinh cấp tiểu học sẽ học các môn bắt buộc toàn phần gồm: Tiếng Việt, ngoại ngữ 1, toán học, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta/tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên. Nội dung bắt buộc có phân hóa (tự chọn module), gồm: Kỹ thuật và tin học, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và hoạt động tự học có hướng dẫn.

Học sinh THCS, các môn học bắt buộc toàn phần gồm: Ngữ văn, ngoại ngữ 1, toán, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Các môn bắt buộc có phân hóa: Tin học, công nghệ và hướng nghiệp, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn ở cấp học này là ngoại ngữ 2.

Học sinh THPT chia thành 2 giai đoạn định hướng nghề nghiệp nhỏ gồm: Dự hướng cho lớp 10 và tiếp cận nghề nghiệp ở lớp 11, 12. Ở lớp 11-12, học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn (trong các môn: Ngữ văn 1, ngữ văn 2, toán 1, toán 2, ngoại ngữ 1, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, tin học 1, tin học 2, thiết kế và công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc). Tổng số tiết của các môn tự chọn không được thấp hơn 20 tiết/tuần. Ngoài ra, dự thảo mới cũng sẽ không tích hợp môn lịch sử và địa lý thành môn khoa học xã hội ở cấp THCS. Ở cấp THPT cũng không gộp lịch sử vào môn học mới là công dân với Tổ quốc như dự thảo trước đó.

Theo GS Thuyết, ngoài việc giảm các môn học thì chương trình mới sẽ thiết kế tăng thêm các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Cụ thể, hoạt động trải nghiệm sẽ được chia làm 2 loại: Một loại gắn với nội dung từng môn học và loại mang tính tích hợp liên môn hoặc xuyên môn. Loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo thứ nhất do giáo viên môn học thực hiện trong số giờ quy định cho môn học đó. Loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo thứ hai do từng trường xác định phù hợp với yêu cầu của địa phương, đặc điểm và điều kiện cụ thể của trường.

Chương trình này cũng dự kiến coi việc tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp và khuyến khích các trường ĐH, CĐ lấy đó làm điều kiện ưu tiên xét tuyển.

Học sinh mừng, thầy cô lo

Việc giảm tải môn học và tăng phân luồng, định hướng nghề trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhận được sự đồng tình của rất nhiều phụ huynh, học sinh.

  Trước đó, tháng 11.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GDĐT đã triệu  tập một số chuyên gia nghiên cứu hoàn thiện dự  thảo chương trình tổng thể. GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội được chọn làm Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.

Dự kiến, cuối tháng 1.2017, dự thảo chương trình tổng thể sẽ hoàn thành để xin ý kiến các chuyên gia giáo dục. Đầu tháng 2.2017 sẽ trình Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và tiếp tục hòan thiện theo ý kiến hội đồng. Muộn nhất là tháng 3.2017 phải có chương trình tổng thể để biên soạn các chương trình môn học.

Anh Trần Văn Hoàng có con học tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) cho biết, việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở các cấp học rất cần thiết cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. “Nhiều học sinh tiểu học bây giờ như bị “đánh cắp” tuổi thơ khi phải học bù đầu trên lớp, trong các lớp học thêm để theo kịp chương trình học quá nặng nề. Các con không có đủ thời gian để học kỹ năng, trải nghiệm cuộc sống” – anh Hoàng nói.

Trong khi đó, chị Nguyễn Phương Nga (Tứ Kỳ, Hải Dương) có con học lớp 10 cho biết, việc giảm tải chương trình cho học sinh cấp 3 là rất đúng. “Vào cấp 3, hầu hết các con chỉ được định hướng tập trung vào các môn thi ĐH, CĐ. Tuy vậy, hiện các con đang phải học quá nhiều môn không cần thiết. Đó là nguyên nhân mà ngoài giờ lên lớp, các con phải ra sức học thêm mới đỗ ĐH” - bà Nga nói.

Ủng hộ việc học sinh lớp 11, 12 chỉ còn học 5 môn, cô Trần Thị Hiền- giáo viên một trường THPT tại Thái Thụy (Thái Bình) cho rằng: “Phần lớn học sinh cấp 3 có ý định thi vào ĐH đều học các môn phụ rất “lớt phớt”. Giáo viên môn phụ như giáo dục công dân, thể dục, công nghệ, tin học… cũng thường phải “xuê xoa” về điểm số cho các em. Nhất là đối với học sinh lớp 11 - 12, có môn giáo viên còn tạo điều kiện dành tiết dạy cho các em ôn tập những môn thi ĐH, CĐ. Chính vì vậy, thiết kế chương trình giảm tải các môn phụ cho các em là rất hợp lý”. Cũng  theo cô Hiền, số môn học ở cấp 3 hiện này là 13 – 14 môn là quá tải và không cần thiết.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, không ít giáo viên tỏ ra lo lắng vì sau khi chương trình được thiết kế lại, việc giảm số môn học, đặc biệt là ở cấp THPT và cho phép học sinh tự chọn môn học theo dự đoán sẽ khiến dư thừa một lượng khá lớn giáo viên đang dạy tại cấp học này theo các môn truyền thống.

Nói về vấn đề này, GS Thuyết cho biết: Các môn phụ vẫn được duy trì nhưng trở thành môn học tự chọn không bắt buộc như trước. Ngoài ra, chương trình giáo dục phổ thông sẽ phải bổ sung thêm nhiều môn học hoặc nội dung học tập thuộc các lĩnh vực như: Công nghệ, kinh tế, tài chính, nghệ thuật, thể dục thể thao… Khi đó, giáo viên không phải thừa mà thậm chí còn thiếu giáo viên ở các môn học bổ sung.

Để cân đối hài hòa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ yêu cầu các  trường sư phạm tính toán xây dựng chương trình để đào tạo lại số lượng giáo viên dôi dư này để sử dụng cho các cấp học khác.

img

Việc xây dựng chương trình theo định hướng giảm tải cho học sinh là rất cần thiết. Chương trình hiện nay nặng nề, học sinh đang bị quá tải. Sau khi có chương trình chuẩn phải gấp rút xây dựng bộ sách giáo khoa tương ứng. Tuy nhiên, việc làm chương trình phải thật khoa học, cẩn trọng và có hệ thống. Các khái niệm phải được làm rõ, hiểu đúng như tích hợp là gì? Phân hóa ra sao? Phân luồng thế nào? Cũng cần phải học hỏi và so sánh với các nước tiên tiến trên thế giới về cách làm. Cả xã hội đang rất trông chờ vào sự đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông trong tương lai”.

GS Nguyễn Xuân Hãn – Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam 

img

 Nếu như thực hiện đúng Nghị quyết thì phải thay đổi cách dạy ở trường phổ thông Việt Nam hiện nay do hiện nay học sinh THPT học quá nhiều, dẫn đến quá tải. Vì thế, nhóm biên soạn chương trình mới đã giảm số môn học và cho phép học sinh tự chọn môn học để định hướng nghề nghiệp. Trong quá trình thảo luận, chúng tôi cũng có những lo lắng nhất định. Để học sinh tự chọn thì khó khăn cho nhà trường trong sắp xếp thời khóa biểu. Tuy nhiên, chúng tôi xác định chương trình giáo dục phổ thông phải vì học sinh trước hết. Dĩ nhiên học sinh chọn môn học dưới sự hướng dẫn của nhà trường, cha mẹ nhưng quyền được lựa chọn, quyết định là của học sinh" .

GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem