Giáo dục Tiểu học TP.HCM: Ấn tượng với 8 mục tiêu hoàn thành 100%
Giáo dục Tiểu học TP.HCM: Ấn tượng với 8 mục tiêu hoàn thành 100%
Nguyệt Minh
Thứ tư, ngày 14/08/2024 18:11 PM (GMT+7)
Năm học 2023-2024, Giáo dục Tiểu học TP.HCM đã gặt hái được những kết quả ấn tượng với 8 mục tiêu đạt chỉ tiêu 100%. Trong năm học 2024-2025, Phòng Giáo dục Tiểu học TP.HCM tiếp tục đặt chỉ tiêu hoàn thành các tiêu chí của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Ngày 14/8, Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, lễ tuyên dương khen thưởng hội thi Giáo viên giỏi thành phố cấp Tiểu học đã diễn ra tại TP.HCM.
Những thành tích ấn tượng của Giáo dục Tiểu học TP.HCM năm học 2023-2024
Phát biểu tại Hội nghị, thầy Nguyễn Minh Thiên Hoàng - Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học TP.HCM cho biết, năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Tiểu học đã đạt được những thành quả đáng tự hào. Cụ thể, ngành đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch giáo dục nhà trường, đảm bảo việc thực hiện chương trình kế hoạch đúng tiến độ, 100% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1.
100% giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 được tập huấn sử dụng sách giáo khoa trước khi giảng dạy; đảm bảo thực hiện tốt nội dung chương trình, sử dụng hiệu quả các bộ sách giáo khoa. Đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa trước khi bắt đầu năm học mới.
100% các trường chủ động xây dựng đủ các kế hoạch giáo dục trong nhà trường; kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc của tổ chuyên môn linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và HS đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018 ở lớp 1, 2, 3, 4.
100% học sinh lớp 3, 4 học tiếng Anh, Tin học bằng nhiều giải pháp theo đúng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. 100% đơn vị hoàn thành chương trình năm học theo kế hoạch năm học đã đề ra, hoàn thành kết quả thống kê số liệu báo cáo trên cổng thông tin điện tử của ngành. 100% học sinh khuyết tật được giảng dạy và chăm sóc tốt theo kế hoạch giáo dục cá nhân.
Theo thầy Hoàng, năm học 2023-2024, số lớp học 2 buổi/ngày đạt 14.362/17.382, chiếm tỉ lệ 82,6% (tăng 1,9% so với cùng kì năm trước). Số học sinh học 2 buổi/ngày đạt 502.200/637.008, chiếm tỉ lệ 78,8% (tăng 4% so với cùng kì năm trước). Sĩ số học sinh bình quân đạt 36,6 HS/lớp (giảm 1,8 học sinh/lớp so với cùng kì năm trước).
"Sở dĩ đạt được những con số này là vì năm học 2023-2024, số học sinh toàn thành phố là 637.008 (giảm 25.926 so với cùng kì năm trước). Cùng với đó, ngành Giáo dục Tiểu học cũng đã nỗ lực xây thêm trường, lớp. Cụ thể số lớp học đạt 17.382 lớp (tăng 130 so với cùng kì năm trước)", thầy nhấn mạnh.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ở năm học 2024-2025
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho hay, nhiệm vụ chung của Giáo dục Tiểu học TP.HCM bao gồm việc thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, tăng cường bảo đảm an toàn trường học; thực hiện hiệu quả phân cấp quản lí gắn với trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện kế hoạch năm học theo quy định và phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
Chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp và đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí; thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để có đủ giáo viên.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, chú trọng đổi mới công tác quản lí, quản trị trường học; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nề nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học. Thực hiện Đề án"Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030".
Theo ông Quốc, sắp tới sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các đề án của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tiếp tục mở rộng mô hình trường học chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế".
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.