Giao khoán hay mua bán ruộng?

Thứ sáu, ngày 16/07/2010 17:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lâu nay Công ty Đồng Tháp 1 mặc nhiên thừa nhận chuyện người dân mua bán quyền nhận khoán với hình thức “ủy quyền”. Khi Công ty đòi lại đất, nhiều người mới tá hỏa rằng tiền của đầu tư vào đất nhưng đất vẫn thuộc sở hữu Công ty…
Bình luận 0
 img
Nhiều hộ dân ở Hưng Điền lâm cảnh dở khóc dở cười vì “nhận khoán” đất của Công ty Đồng Tháp 1.

“Nhận khoán”… bằng giá thị trường?

Về hình thức, từ năm 1989 đến nay giữa nông dân với Công ty TNHH một thành viên Đồng Tháp 1 (trước đó là Đoàn xây dựng kinh tế Đồng Tháp 1) là hợp đồng giao khoán - dù đến năm 2000 Công ty này mới đủ tư cách giao khoán. Nhận đất hoang, nông dân bỏ rất nhiều công sức và tiền của để triệt hạ cây mai dương và san phẳng các hố bom. Nhiều miếng đất đã trải qua 3, 4 “đời chủ”. Ai cũng đinh ninh rằng “nhận khoán” xong mình được quyền sử dụng trồng lúa lâu dài…

Bà Nguyễn Thị Mậu kể lại, khi Công ty chấp thuận chuyển quyền nhận khoán từ ông Phạm Văn Tưởng (cán bộ Nông trường) sang bà thì bà phải đóng 60 triệu đồng/ha cho ông này. Ở thời điểm năm 2004, giá này tương đương giá đất nông nghiệp ở Hưng Điền. “Chuyển nhượng bằng giá thị trường, lại có Công ty xác nhận, đóng “phí” cho tổ trưởng sản xuất nên tui nghĩ đất này là tui mua.

Nếu hiểu được rằng đóng đến 60 triệu đồng mà chỉ làm được chưa đến 10 năm, trong khi hàng năm vẫn phải đóng thuế khoán thì không một ai dám nhận khoán. Tôi mượn họ hàng tiền mua đất, nay vẫn còn nợ 2 cây vàng chưa trả xong trong khi Công ty đã đòi lại đất” - bà Mậu bức xúc.

Hàng chục người dân mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định số tiền mà họ bỏ ra để được nhận khoán luôn tương đương giá thị trường. Trong suốt thời gian nhận khoán, giá trị “ủy quyền” (thực chất là chuyển nhượng) của người trước cho người sau cũng tương đương giá thị trường. Chính vì vậy người dân luôn nghĩ rằng đất mà mình đang canh tác là đất mình mua được.

Công ty cũng “bán” đất?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc người dân lâu nay chuyển nhượng đất cho nhau và đinh ninh rằng họ đang “mua bán” không phải lỗi hoàn toàn ở nông dân. Năm 2006, ông Nguyễn Văn Hữu (cán bộ Công ty) do làm ăn thua lỗ nên nợ 22 triệu đồng. Công ty thu hồi 0,6ha đất đã giao cho ông Hữu rồi “khoán” lại cho bà Trần Thị Chậu cũng với giá 22 triệu đồng để “trừ nợ”.

Trong khi người dân cho rằng Công ty “bán” đất thì Công ty lại nói rằng người nhận khoán có nghĩa vụ thanh toán công nợ. Bà Chậu vẫn phải trả tiền thuê đất hàng năm, bỏ ra thêm 22 triệu đồng chỉ để sử dụng 0,6ha trong 9 năm (Công ty chỉ cho khoán đến năm 2013) là điều hết sức vô lý.

Theo trình bày của người dân, việc bà Chậu phải đóng số tiền tương đương giá thị trường để nhận đất sản xuất chính là một sự kiện pháp lý chứng tỏ Công ty mặc nhiên thừa nhận chuyện bán đất!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Đồng Tháp 1 đến năm 2013 chính là “lá bùa” để Công ty buộc 535 hộ nông dân phải ký lại hợp đồng mới theo thời hạn này. Bất ngờ, hợp đồng chưa ráo mực thì UBND tỉnh cho Công ty thuê tiếp đến năm 2029! Do Công ty được cấp đất đến năm 2029 mà vẫn ép dân phải rút ngắn hợp đồng sớm 2 năm nên nhiều nông dân phản ứng quyết liệt. Ngay sau đó, ông Vũ Ngọc Bần - Giám đốc Công ty đã chọn 5 nông dân “tiêu biểu” kiện ra tòa để làm gương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem