Khi giáo viên cạnh tranh, lôi kéo học trò đến lớp dạy thêm
Theo thầy Trịnh Quốc Hoàng (Thái Nguyên), mục đích của học thêm là để nâng cao kiến thức cho học sinh theo nhu cầu riêng.
Thầy Hoàng mở lớp phụ đạo môn toán miễn phí cho học sinh lớp 6, 8, 9. Cũng chính vì thế, thầy thường được nghe một số phụ huynh và học sinh tâm sự rằng họ bị nhắc nhở kín đáo về việc không nên cho con tham gia lớp học của thầy mà nên đi học thêm ở các thầy cô chính khóa trên trường.
Từ phân tích, dọa dẫm đến khuyên răn với đủ mọi lý do khác nhau, giáo viên chính khóa đều vô ý hoặc cố tình gợi ý học sinh nên tham gia lớp học thêm của họ.
"Năm nào tôi cũng nghe phụ huynh nói về vấn đề này. Họ bức xúc vì giáo viên trên lớp ép học sinh đi học thêm. Học sinh không học là giáo viên tỏ thái độ ngay. Chỉ khổ vì học sinh là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất", thầy Hoàng nói.
Có trường hợp giáo viên chủ nhiệm của một trường cấp 2 gửi tin nhắn trực tiếp đến nhóm phụ huynh nhắc nhở về việc tránh để con bị "dụ dỗ" đến học thêm lớp của thầy Hoàng.
Giáo viên này nói, việc học sinh theo một giáo viên khác ở ngoài trường sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của giáo viên phụ trách trên lớp. Đồng thời buông lời "dọa dẫm" học sinh sẽ khó đạt được kết quả tốt trong kỳ thi chuyển cấp.
Chia sẻ suy nghĩ cá nhân về việc một số giáo viên "bắt ép" học sinh đi học thêm, thầy Hoàng cho rằng là do năng lực giáo viên chưa đủ thu hút học sinh nên sử dụng cách bắt ép, thay vì để học sinh tự đưa ra lựa chọn nơi phù hợp với nhu cầu nâng cao kiến thức.
Đồng cảnh ngộ với thầy Hoàng, cô N.T.H, giáo viên trường cấp 3 chuyên tại Hải Dương cho biết mỗi giáo viên đều có phương pháp giảng dạy khác nhau.
Việc học sinh không phù hợp với phương pháp giảng dạy của giáo viên này và tìm giáo viên khác để "tầm sư học đạo" là chuyện rất bình thường.
"Tôi nghĩ đơn giản mình cứ chuyên tâm việc dạy, "nước sông không phạm nước giếng". Nhưng dạy rồi mới biết nhiều cái bất cập. Có cạnh tranh học tập còn có cạnh tranh dạy thêm", cô H. nói.
Cô H. từng gặp phải trường hợp một giáo viên khác sử dụng chiêu thức ngầm để "cạnh tranh", lôi kéo học trò.
Trong kỳ thi ở trường, với tư cách là giám thị coi thi, đồng nghiệp cùng trường đã kín đáo hướng dẫn riêng cách làm bài cho những học sinh của lớp cô H. chủ nhiệm nhưng đang theo học tại nhà của giáo viên đó, để đạt được kết quả tốt nhằm thu hút thêm nhiều học sinh khác tới tham gia lớp phụ đạo do người này mở ra.
"Cá nhân tôi cho rằng vì tồn tại những mặt trái đó mà việc học thêm bị lên án nặng nề, nhưng đó chỉ là một số ít, còn bản chất việc mong muốn tiếp thu thêm và truyền đạt thêm kiến thức không xấu", cô H. nói thêm.
Phụ huynh "tiến thoái lưỡng nan"
Chị H.D (TPHCM) có con đang học lớp 8, chia sẻ việc cho con đi học thêm giáo viên bộ môn trên lớp có thể sẽ có lợi thế bởi giáo viên đã tiếp xúc và nắm được lực học và có thể bổ sung kiến thức mà con còn yếu trên lớp.
Tuy nhiên, con chị D. có tâm sự với mẹ rằng không phù hợp với cách dạy của giáo viên trên lớp, vì vậy gia đình chị đã đăng ký cho con một giáo viên khác cùng trường.
Tuy nhiên, vô tình chuyện đến tai cô giáo bộ môn cũng chính là giáo chủ nhiệm lớp con chị, cô liền "mặt nặng mày nhẹ" và hay dò hỏi con về nội dung và tiến độ học tập ở lớp học thêm của đồng nghiệp cùng trường.
Ngại con bị chú ý, ngại cô, hết cách, chị D. đành thỏa hiệp cho con học thêm lớp của cô giáo chủ nhiệm song hành với lớp phụ đạo bên ngoài.
Mặc dù tốn thêm một khoản chi phí, khiến con vất vả hơn và cũng không mang lại kết quả tốt gấp đôi nhưng chị D. lựa chọn kiểu học "ngoại giao" này để được yên chuyện.
Dù không cho con tham gia lớp học thêm đầy đủ nhưng chị D. cho biết giáo viên chủ nhiệm vẫn dành lời khen ngợi cho sự học tập tiến bộ của con, trái với sự soi xét so với trước kia.
Cùng hoàn cảnh như chị D. nhưng chị N.A (Hà Nội) lại có suy nghĩ khác: "Cô nào dạy ổn mà con cảm thấy phù hợp thì mình tôi cũng tạo điều kiện. Quan trọng là cháu hiểu bài và học có hiệu quả. Tuy rằng con được cô quan tâm đặc biệt vì con không học thêm cô mà lại lựa chọn học thêm một giáo viên khác trong trường.
Có thời gian con khóc vì bị cô tạo áp lực tâm lý và mình cũng phải động viên con nhiều. Nhưng tôi nghĩ học tốt thì không có gì phải ngại".
Chị N.A chia sẻ thêm rằng, giai đoạn đầu chị cũng cảm thấy khó xử. Bởi nếu học lớp học thêm của giáo viên trên lớp thì tốn thời gian, tiền bạc lại không hiệu quả. Nhưng không học thì lại dễ khiến con bị chú ý, tủi thân do khác biệt.
Do đó, chị lựa chọn ưu tiên cho sự phát triển học tập của con nhưng vẫn cố gắng chú ý để cả con và bản thân khéo léo trong ứng xử giao tiếp và học tập với giáo viên trên lớp để tránh bị nhắc nhở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.