Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1955, tôi ê a trên sách tập đọc: “Đất nước ta rừng vàng biển bạc, sông biển có nhiều cá, trên rừng có nhiều lâm sản và gỗ quý”. Đọc thì biết thế, đọc và thuộc dễ như húp bát cháo loãng, nào đã hiểu gì về giàu và nghèo đâu. Tất cả chỉ trên giấy, đã đi đến đâu mà biết gì. Đáng ra lúc đó có những bài về làng xóm, đạo lý sống với ông bà cha mẹ anh em thì tốt hơn. Nhưng có một cái vẫn nhớ đến tận bây giờ: Đất nước ta giàu và đẹp…
Vâng, giàu và đẹp thì tốt rồi, nhưng làm gì với cái giàu và đẹp ấy cho nó giàu lên và đẹp lên thì lại cần trí tuệ và sự miệt mài cẩn trọng. Giàu mà chỉ biết chặt phá, bới lên bán thì khác gì cuộc sống hái lượm của khỉ và các loại thú trên rừng. Như thế nghĩa là ta chưa vượt qua được lối kiếm sống đơn sơ.
Đừng tưởng chỉ có nhượng đất đai lấy tiền, khai mỏ bừa bãi và bán nguyên liệu thô mới là trình độ hái lượm. Hãy nhìn những ngành như ô tô xe máy, kế hoạch mười năm để nâng phụ tùng sản xuất trong nước lên sáu bảy mươi phần trăm rốt cuộc mười năm vẫn y nguyên, nghĩa là vẫn nhập khẩu lắp ráp cho nhanh. Hái lượm là đấy chứ đâu.
Trễ nải, lười nhác, chỉ quen với nhặt nhạnh… đó là những thói xấu mà giáo dục phải làm cho rõ từ sớm từ khi đứa trẻ bước chân đến trường. Đạo lý sống từ trong nhà ra ngoài ngõ phải lành mạnh sâu sắc với sự giám sát của luật pháp thì xã hội mới đi vào khuôn phép. Ôi cái giàu và đẹp sẽ bị tàn tạ rất nhanh nếu chỉ biết giàu đẹp trên miệng. Còn làm cho giàu được giàu lên, đẹp rồi thì đẹp thêm thì phải hành động có trí tuệ và quốc pháp. Việc đó mình còn thiếu quá.
Đỗ Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.