Cứ vào mùa khô hạn thì nhiều hộ gia đình ở Lý Sơn phải tốn nhiều thời gian, công sức để đi chở nước ngọt các nơi về sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Huệ (thôn Đông, xã An Hải) cho biết: Những năm trước, gia đình sử dụng nước ở giếng của hàng xóm cách nhà vài chục mét. 2 năm nay, giếng này bị nhiễm mặn nên để có nước uống phải đi chở xa cả cây số.
Để bảo vệ nguồn nước ngọt ngầm trên đảo, chính quyền Lý Sơn đã cấm đào, khoan thêm giếng mới. Ảnh: C.X
Cũng vì giếng nước ở chung quanh nhiễm mặn, rồi cạn kiệt vào mùa nắng nóng, nên để có nước sinh hoạt, gia đình chị Nguyễn Thị Hải (thôn Tây, xã An Vĩnh) phải tốn 20.000-50.000 đồng/ngày mua nước dùng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên đảo là vì nguồn nước ngầm giảm, mặn xâm nhập gia tăng do người dân khoan giếng, đào giếng quá nhiều để lấy nước tưới cho tỏi và hành.
Theo UBND Lý Sơn, năm 2012 toàn huyện có khoảng 546 giếng nước, gồm 414 giếng đào và 132 khoan, với lượng nước khai thác 17.600m3/ngày, cao hơn so với mức dự tính trữ lượng cho phép khai thác khoảng 2.000m3/ngày. Hiện nay, số giếng đào, khoan đã tăng lên gấp 4 lần, với gần 2.150 giếng, lượng nước khai thác ước trên 21.000m3/ngày, cao hơn so với mức dự tính trữ lượng cho phép khoảng 3.500m3/ngày. Chính số lượng giếng tăng vọt như vậy làm cho nguồn nước ngọt ngầm trên đảo cạn kiệt nhanh và hàng loạt giếng nước sinh hoạt của người dân trên đảo bị mặn xâm nhập. Hiện giếng nước sinh hoạt ở 12 khu dân cư thuộc 2 xã An Hải và An Vĩnh đã bị nhiễm mặn.
Trước tình trạng trên, bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Để hạn chế việc mạch nước ngầm trên đảo bị cạn kiệt và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ bị mặn xâm nhập, UBND huyện thống nhất trong thời gian đến, không cho tổ chức và cá nhân trên đảo đào, khoan thêm giếng để lấy nước ngọt sinh hoạt, sản xuất (trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến an ninh quốc phòng). UBND huyện đã có văn bản chính thức báo cáo việc này cho UBND tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.