Gió Lào và cánh diều ước mơ

Thứ hai, ngày 30/01/2012 19:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Quê tôi có những cánh đồng dữ dội, cánh đồng đất trau (đất ải) được cày lên thành luống rồi phó mặc cho gió Lào hun nóng. Những luống cày đã thành gốm, thành sành, đến con dế cũng không có chỗ trú.
Bình luận 0

Những luống cày đang chờ cơn mưa rằm tháng Bảy chấm dứt một mùa hè như mọi mùa hè khô cháy, bỏng rát để hóa bùn cho hạt thóc giống sạ xuống mọc mầm và đám côn trùng không biết từ đâu chui ra lại rỉ rả thâu đêm.

Đó là những cánh đồng vùng Nghệ Tĩnh vào những tháng gió Lào. Nơi nào trên đất nước có những cơn gió Lào vật vã ba tháng ròng như quê tôi? Gió từ sáng tinh mơ hôm nay đến sáng tinh mơ hôm sau, ngủ trong gió và thức dậy là đụng gió, thứ gió nóng như thổi từ một cái lò than khổng lồ trên trời cao, phía dãy Trường Sơn xanh ngắt.

img
 

Không chỉ giữa trưa mà cả trong đêm, nếu không tìm được một cái nền đất nện để đặt cái lưng đầy rôm sẩy lên thì không ai chợp mắt được. Chỉ còn biết ngồi dựa lưng vào cái gì man mát, một cây chuối, bờ cái giếng nay đã cạn khô hay bức tường đất, để gật gù, phát sốt, phát rồ nghe gió rít trên đầu, trong lũy tre hay mấy cây thanh trà không hiểu sao duy nhất chúng là còn nguyên tán lá rậm.

Hay là ra bìa làng, tìm tảng đá to bắc qua mương nước để ngả lưng, hay ngồi chuyện gẫu với mấy thằng bạn mất ngủ trong xóm. Không ít đứa đang tuổi ăn tuổi ngủ mà ba tháng ròng không được trọn giấc, ba tháng ròng đi ngủ lang chỗ này chỗ kia chỗ nào cũng được miễn là man mát một tý. Năm nào dịp này trong xóm cũng có vài ba cô chửa hoang và vài ba đám cháy do những cây chuối khô cọ vào nhau.

Những đêm trắng như thế càng trở nên dữ dội khi có trăng. Trăng gió Lào thường là trăng suông. Vì những đám mây đang trốn trên bầu trời, không có dấu hiệu gì là sẽ có một trận mưa rào xuống cái hạ giới, vùng đất có ba tháng gió định mệnh, ba tháng lụt lội trôi nhà dạt cửa tiếp liền như một liên khúc tai ương. Bị “cái nóng nung người nóng nóng ghê” (Yên Đổ) xua ra khỏi nhà, khỏi làng, mọi người ra cánh đồng, tụ lại thành nhóm dưới những khóm chuối, khóm tre hay những cái cổng có mái của nhà giàu, gọi là “ngồi mát”.

Đêm trăng mà không thơ, không tiếng côn trùng, không tiếng hát ru, cả không tiếng chó sủa. Chỉ còn tiếng gió Lào ầm ầm thác lũ tràn qua rừng ngàn Éo, đổ xuống cánh đồng không ngừng, không nghỉ, không có nhịp điệu gì hết mà chỉ là cuộc diễu hành điên cuồng của gió. Đám người đang lả đi sau nhiều đêm mất ngủ hát với nhau “bài ca thất vọng”.

Cụ cử Nhân nói cụ Phan Bội Châu vừa mất ở Huế. Anh chắt Thăng loan tin từ Côn Đảo nhắn về là cậu Tú Hà bị cai ngục đánh chết ngoài đó. Làng này vậy là chỉ còn hai người Côn Lôn hồi “Xô Viết” nữa thôi. Đức đánh Nga Xô, sắp tiến vào Mạc Tư Khoa... từ năm ba mươi đến nay không thấy có dân cày biểu tình chống thuế nữa, mấy “ông” đi đâu hết rồi…

Có tiếng thở dài nhưng mọi người sực tỉnh. Trên cánh đồng dữ dội bàng bạc ánh trăng và gợn sóng gió Lào, bỗng có tiếng một giàn sáo diều cất lên. Tiếng sáo đại trầm đục, sáo trung mơ màng và sáo tiểu long lanh như nước chảy qua ghềnh đá. Lần theo tiếng sáo, mọi người nhìn thấy trên trời cao, đối diện với mặt trăng đang chênh chếch phía đông nam là một con diều đại lừng lững như một con thuyền.

Nhiều tiếng reo to: “Ông Dân thả diều rồi!”. Chúng tôi, những đứa trẻ như bầy rô ron đang chết khát trên cánh đồng cạn nước, hô nhau chạy về phía cổng nhà ông Dân, một cái cổng gỗ lim có hai cánh to đùng suốt ngày đóng kín, nơi mấy chục trai tráng và người nhà ông Dân vừa thả lên trời con diều vĩ đại. Họ đang trải chiếu ngồi uống rượu với nhau. Sợi dây diều bằng tre to hơn ngón chân cái cột vào gốc cây muỗm hai người ôm cạnh cổng.

Diều ông Dân nổi tiếng khắp vùng. Ông làm cả một cái nhà chợ lợp ngói hẳn hoi để chứa con diều. Ông Dân bảo phải làm cái nhà chứa diều vì tre này, giấy phết này, con diều phải bền trăm năm. Nó thực sự là một con diều sáo độc nhất vô nhị hình thuyền, từ chót này sang chót kia dài bằng cả ba gian nhà. Khung cánh cung của con diều kết bằng cây tre đực chẻ đôi, cái trụ giữa để bắt lèo cũng là một đoạn tre dài đến hai mét rưỡi. Không biết ông mua từ đâu hay lấy từ đống sách chữ Hán nhà ông ra để phết diều. Giấy bản được phết mấy lớp sơn ta, bền hơn vải và cứng hơn cả mo cau, “thứ này thì thiên niên vạn đại” – ông Dân nói khi dẫn khách đi xem con diều.

Con diều đã vĩ đại, nhưng giàn sáo còn vĩ đại hơn. Đó là ba chiếc sáo đại khoét bằng mấy đoạn tre, ba chiếc sáo trung và năm chiếc sáo tiểu. Người ta bảo con diều của ông Dân có thể mang cả một con trâu lên trời chứ mấy cái sáo thấm tháp gì. Cuộn dây diều là một kỳ công. Tre đực chẻ tám, bỏ ruột lấy cật, ngâm hàng năm dưới bùn ao, nối với nhau bằng những sợi mây rừng, cuộn dây to bằng con trâu mộng.

Ông Dân xem giờ tốt, ngày tốt để thả diều, những lúc đó có hàng chục trai tráng trong làng, trong họ đến giúp ông, Họ khiêng con diều ra, lội xuống đám ruộng mẫu ăm ắp gió và hô nhau dựng con diều lên. Chỉ chờ có thế, một cơn gió Lào hốt trọn con diều, cuộn dây bung ra đưa nó lên cao dần rồi tít tắp mù khơi.

Và giờ đây, tiếng sáo diều đang vi vu, thôi thúc trên trời cao. Đêm làng tôi như tỉnh giấc. Con diều phi thường của một con người cũng khá phi thường đang hát giấc mơ đổi đời trên bầu trời một vùng quê nghèo đói nhưng không một phút ngừng hy vọng.

Không chỉ trong ký ức trẻ thơ của tôi mà của bao người làng, con diều ông Dân đã làm được điều phi thường là biến những đêm gió Lào trăng suông với nỗi vô vọng nước mất nhà tan thành một giấc mơ. Giấc mơ ấy đã là sự thật năm 1945.

Ông Dân được bầu làm chủ tịch phụ lão cứu quốc xã. Con diều của ông không thả lên trời lần nào nữa vì ông quá bận bịu. Và nó thật sự biến mất cho đến ngày cái nhà chứa diều của ông Dân được chia quả thực cho người hàng xóm. Ông này chặt đôi con diều, lấy giấy bản phết sơn làm vách. Quê tôi mùa hè nóng vậy, nhưng mùa đông lại rét, nghe nói giấy bản làm vách còn ấm hơn cả tường xây.

Tuy vậy, con diều sáo nhà ông Dân, giấc mộng trên cánh đồng làng vẫn y nguyên trong ký ức tôi. Mãi mãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem