Giỗ tổ Hùng Vương: Sống trong niềm vui di sản

Thứ tư, ngày 28/03/2012 10:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm nay, có một điểm đáng quan tâm là tỉnh Phú Thọ đang lập hồ sơ đệ trình lên UNESCO xem xét công nhận di sản “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” của vùng đất Tổ.
Bình luận 0

Phường xoan mở hội

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra từ ngày 26 đến 31.3 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ). Nhưng từ trước ngày 26.3 (tức ngày 5.3 âm lịch) rất lâu, các phường xoan ở TP. Việt Trì đã sống trong niềm vui náo nức của ngày hội. Họ chuẩn bị những bộ cánh đẹp nhất, luyện lại những câu hát cho tròn trịa, điệu múa sao cho dẻo để chờ đón dịp được biểu diễn cho du khách xa gần về với đất Tổ.

img
Biểu diễn hát xoan tại Bảo tàng Hùng Vương.

Trưởng phường Xoan An Thái - nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cho biết: “Giỗ Tổ năm nay khác hẳn với năm ngoái bởi có thêm niềm vui hát xoan được vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Các nghệ nhân chúng tôi già trẻ lớn bé ai cũng mừng vui, giờ câu hát dân dã đã được cả thế giới biết đến, chúng tôi phải cố gắng hết mình để có thể truyền dạy, giới thiệu cho nhiều người biết về vẻ đẹp của hát xoan”.

Theo bà Lịch, dịp giỗ Tổ năm nay, phường Xoan An Thái có 30 người tham gia quảng bá hát xoan các điểm như: Đình An Thái (xã Phượng Lâu), đình Cả (xã Trưng Vương), đình Mộ Hạ (phường Bạch Hạc)... Đặc biệt, phường Xoan An Thái sẽ có chương trình biểu diễn hát xoan cho khách quốc tế tại Đền Hùng. Ngoài phường An Thái, ở TP.Việt Trì còn có 3 phường xoan khác là Thét, Phù Đức và Kim Đái, thêm vào đó là 3 đội hát xoan mà người dân tự thành lập ở 2 huyện Lâm Thao và Phù Ninh.

Những ngày này, đến với các điểm trình diễn hát xoan, du khách thập phương sẽ được nghe lại những làn điệu đã làm nên di sản hát xoan như hát “Trống quân”; hát múa “Bỏ bộ” diễn tả việc trồng lúa nước; hát “Chèo thuyền” thể hiện ước vọng bội thu của người dân chài lưới; hát “Mó cá” gửi gắm ước vọng sinh sôi nảy nở, hát “Đúm” đối đáp sôi động... Tất cả hòa trộn với nhau để hé mở cho người nghe một hình dung khá đầy đủ về những sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú của cư dân Việt cổ.

Ngoài hát xoan, những hoạt động văn hóa khác của lễ hội giỗ Tổ vẫn tưng bừng như mọi năm: Lễ rước kiệu, thi gói bánh chưng, múa sư tử, rước kiệu, thi bơi chải… có sự tham gia của người dân đến từ khắp các huyện, thị trong tỉnh và các đoàn đại biểu của 4 tỉnh, thành phố là Điện Biên, Nghệ An, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Điểm nhấn trong phần lễ năm nay là lễ rước kiệu được tổ chức trang trọng với sự tham gia của các xã Hy Cương, Chu Hoá, Hùng Lô, Kim Đức, phường Vân Phú (TP. Việt Trì) xã Tiên Kiên (Lâm Thao) về Đền Hùng vào ngày mùng 8.3 âm lịch. Lễ rước có sự chứng kiến của nhiều đoàn khách ngoại giao, đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Một điểm nhấn nữa là Triển lãm ảnh "Các di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam" tại Nhà Bảo tàng Hùng Vương.

Tôn vinh tín ngưỡng

Ngay trong ngày khai Hội đền Hùng, Hội thảo “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương - Hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” với sự tham gia của nhiều nhà văn hóa, lịch sử nhằm làm rõ hơn những giá trị nổi bật của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được tổ chức tại Phú Thọ.

Tháng 11 năm nay, UBND tỉnh Phú Thọ sẽ đệ trình hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các tham luận tại hội thảo đều tập trung phân tích để đưa đến kết luận: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một truyền thống lâu đời của dân tộc đã thấm sâu vào lòng người, trở thành một nhu cầu về tình cảm, một biểu hiện của đạo đức. Truyền thống thờ Vua Hùng gắn liền với truyền thống thờ cúng tổ tiên ở mỗi gia đình Việt Nam, là một tín ngưỡng sâu sắc, tồn tại từ lâu đời như một tôn giáo bản địa...

TS Lê Thị Minh Lý- Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTTDL) cho biết: “Chủ thể của "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" là người Việt ở Phú Thọ. Bắt nguồn từ tập quán thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình, cộng đồng cư dân Phú Thọ đã thờ cúng Hùng Vương - ông Tổ huyền thoại, coi đó như là biểu tượng về nguồn gốc tổ tiên của họ. Họ sáng tạo truyền thuyết, thực hành các tập quán bày tỏ sự kính trọng, biết ơn và niềm tin vào biểu tượng đó. Họ đã duy trì các tập quán đó qua nhiều đời cho đến nay và coi đó là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Đây chính là cơ sở khoa học để xác định đó là di sản văn hóa phi vật thể của họ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem