Rạp chiếu ấm lên
Bắt đầu ra rạp toàn quốc từ ngày 2.10, sau 2 tuần đầu tiên- là 2 tuần có tính chất “sinh tử” với bất kỳ một bộ phim Việt nào, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã khẳng định khả năng trụ lại được ở rạp chiếu trong một thời gian dài là điều hoàn toàn có thể.
Tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, ngày 15.10 đã chiếu tới 31 suất. Đây là kỷ lục bởi hiếm có bộ phim Việt nào được chiếu với tần suất dày đặc như thế trong vài năm qua. Đến sảnh của Trung tâm Chiếu phim trong những ngày này, bạn sẽ liên tục được nghe văng vẳng điệu nhạc của bài “Thằng Cuội” - được sử dụng làm nhạc chính trong phim - từ các phòng chiếu vọng ra cả ngày không dứt.
Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Ảnh: ĐPCC
Chị Mai Anh - nhân viên bán vé phòng chiếu tại đây cho biết: “Các suất chiếu của phim cứ tăng dần lên theo nhu cầu của khán giả. Đây là điều hiếm gặp ở một bộ phim do điện ảnh trong nước sản xuất. Điều đặc biệt là độ tuổi khán giả xem phim rất rộng, từ các bé học tiểu học, cấp 2, cấp 3, thanh niên, trung niên và người lớn tuổi, chứ không chỉ riêng lứa tuổi học sinh, sinh viên như các phim khác”.
Các rạp chiếu khác ở Hà Nội như Kim Đồng, Tháng Tám đều duy trì 8 suất chiếu/ngày, Lotte Hà Đông chiếu 14 suất/ngày. Còn ở TP.HCM, các rạp lớn như Lotte Nam Sài Gòn chiếu 11 suất, Lotte Lanmark 12 suất/ngày…
Cùng với việc các rạp chiếu phim “ấm lên” nhờ phim Việt dù thời điểm phát hành phim không rơi vào mùa đông khách nhất - dịp Tết Nguyên đán- là một điều khá ngạc nhiên, thì “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng đang gây nhiều tranh luận trên mạng.
Khán giả xem phim chia thành 2 luồng ý kiến rõ rệt, một bên cho rằng phim chưa đạt được sự kỳ vọng của họ, đặc biệt là với những ai từng đọc tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì còn so sánh các nhân vật giữa phim và truyện để thấy nhân vật trên màn ảnh của đạo diễn Victor Vũ mỏng hơn, thiếu ấn tượng hơn.
Ngược lại, phe bảo vệ phim cho rằng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một thành công của điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm gần đây khi xây dựng được một bộ phim “hot”, đảm bảo chất lượng nghệ thuật và doanh thu mà không cần nhờ đến các chiêu trò hay dàn diễn viên chân dài, danh hài.
Khen chê đều có giá trị
Trong bối cảnh nhiều bộ phim Việt ra rạp rồi lặng lẽ xếp vào kho trong cảnh “không kèn không trống”, nhiều bộ phim giá trị thì chịu cảnh “áo gấm đi đêm”, bật khỏi rạp vì không tạo được sự chú ý, thì trường hợp của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cho thấy hướng mới trong sự đầu tư của Cục Điện ảnh vào các hãng phim tư nhân để sản xuất phim nghệ thuật đã thành công.
|
Có thể thấy, phản hồi về bộ phim đã tạo nên một diễn đàn khá sôi nổi. Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần là người đầu tiên “nổ phát súng” với một bài viết trên trang mạng xã hội facebook với tựa đề “Tôi thấy hoa vàng kêu… thất kinh”.
Anh viết: “Bà con khen tối tăm mặt mày bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, khen đến nỗi thầm nghĩ, nếu mình mà là đạo điễn phim ấy chắc mình sẽ phát ngượng vì xấu hổ. Toàn là những mỹ từ lung linh, huyền diệu. Mình luôn đi xem phim Việt, nhưng cũng đừng biến nó trở thành một dạng siêu nhân bất chấp sự thật về một nền điện ảnh nước nhà lủn chủn như thế nào”.
Tuy nhiên, ngay dưới bài viết của Nguyễn Ngọc Thuần, cũng có khá nhiều khán giả vào phản bác. Họ viết: "Khán giả xem phim mục đích là thư giãn và thả mình vào phim đó được thì càng tốt. Với chúng tôi, xem xong phim thấy lòng thư thái êm ả. Vậy nên với khán giả như chúng tôi, phim này đáng bỏ tiền ra xem".
Nhà văn trẻ Linh Lê thì nhận xét: “Rất thật để nói là phim có nhiều đất để làm hay được, có thể nâng tác phẩm lên được, nhưng đạo diễn làm không tới, không sâu và xem không sướng. Quay đẹp vì dùng công nghệ mới, nhưng lạm dụng phần hình ảnh quá nhiều khi hình ảnh không liên quan nhiều với tác phẩm. Âm nhạc dễ nghe, nhưng vẫn hơi hiện đại so với mạch phim. Điểm cộng duy nhất với riêng tôi là việc êkip làm phim đã chú ý rất kỹ từng chi tiết nhỏ về cuộc sống chân quê ngày xưa”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy sau khi xem “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã viết trên trang cá nhân của anh: “Cứu rỗi! Phim không có gì để bắt lỗi, đẹp, dung dị, có cái để neo vào người xem sau khi ra khỏi rạp. Thế thôi cũng đủ cho một bộ phim Việt. Nên tìm những thứ nhân văn trong trẻo để thanh lọc cơ thể, cho tâm hồn có chỗ mà thoi thóp...”.
Quan điểm này cũng có điểm chung với nhà biên kịch Lê Quý Hiền. Ông nhận xét: “Xem phim này bằng con mắt nhà phê bình thì là phim vứt đi vì toàn chuyện người lớn nhét vào trẻ con với những tình tiết tùy tiện, áp đặt. Nhưng có nhiều khán giả xem là vì sao? Thì ra khán giả không cần chủ đề nói gì, tích cách nhân vật ra sao, cấu trúc và tính logic thế nào mà chỉ thấy thích hay không thích để mua vé hay không mà thôi...”.
“Điều quan trọng nhất của vòng đời một bộ phim là phản hồi của khán giả. Nếu khán giả chịu tới rạp xem phim, xem xong rồi lại còn bàn luận về nó, tranh cãi với nhau để bảo vệ ý kiến của mình thì không còn điều gì đáng mong đợi hơn cho những người làm phim”- có thể lấy ý kiến của một nhà biên kịch điện ảnh để làm cái kết cho cuộc tranh luận “bất phân thắng bại” này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.