Tuyệt chiêu “dìm hàng”
Ai cũng biết, trong luật chơi của Chương trình Giọng hát Việt nhí là khi 1 thí sinh cùng được cả 4 huấn luyện viên chọn, họ sẽ phải trổ hết tài nghệ để giành giật thí sinh về với đội mình. Thế nên sau phần biểu diễn của các thí sinh sẽ là màn “long tranh hổ đấu” của các huấn luyện viên.
Tuy nhiên, Giọng hát Việt nhí khác với sân chơi đàn anh, đàn chị là độ tuổi thí sinh chỉ từ 9-15. Bởi thế, không phải vô lý khi trước lúc cuộc thi diễn ra, Ban tổ chức đã cho dàn huấn luyện viên gồm các ca sĩ Hiền Thục, Thanh Bùi, Lưu Hương Giang và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh được làm việc với các chuyên gia tâm lý để hiểu thêm về tâm lý trẻ em.
Thế nhưng, xem những gì đang diễn ra trong cuộc thi, có vẻ như phần “đào tạo” của các chuyên gia tâm lý cho dàn huấn luyện viên đã bị đổ sông đổ bể hết, bởi vì sau mỗi phần thi, các huấn luyện viên đều sử dụng tuyệt chiêu “dìm hàng” nhau quyết liệt.
|
Dàn huấn luyện viên của Giọng hát Việt nhí 2013. |
Điển hình là ca sĩ Hiền Thục, nhiều khán giả đã phàn nàn phần giành giật thí sinh của nữ ca sĩ này đậm màu sắc “chơi xấu” đồng nghiệp. Chị Hà Thanh Hoa ở đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết:
“Tối 15.6, tôi ngồi xem Giọng hát Việt nhí cùng con. Sau phần thi của thí sinh Nguyễn Trần Hoàng Anh, ca sĩ Hiền Thục nói thế này: “Con đẹp trai như vậy, chú Thanh Bùi làm sao đẹp trai bằng con? Phàm là những ai thấy người giỏi hơn mình, đẹp trai hơn mình, tốt hơn mình, người ta không bao giờ làm điều tốt nhất cho con hết. Con thích áo da phải không? Cô Hiền Thục mua cho con 10 cái áo da đẹp hơn của chú Thanh Bùi luôn, bảo đảm”.
Tôi thấy sốc với phát biểu này của cô Hiền Thục. Nói như thế với một đứa trẻ trên sân khấu và hàng triệu đứa trẻ khác đang xem chương trình là không ổn. Tại sao lại gieo rắc cái tính đố kỵ, hẹp hòi vào đầu trẻ con như vậy? Đã là một huấn luyện viên, là người hướng dẫn, dìu dắt các thí sinh thì phải hướng các em tới những suy nghĩ tích cực”.
Một khán giả khác, bác Trần Quang Minh ở C10 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết: “Tôi cũng theo dõi chương trình này vì các cháu nhỏ ở nhà tôi thích xem, nhưng tôi thấy cách các huấn luyện viên cãi cọ như vậy là không hay. Chẳng hạn, cô Hiền Thục khi dụ dỗ một thí sinh thì nói về cặp đôi Hồ Hoài Anh- Hương Giang là “cặp đôi này chỉ bấm nút cũng cãi nhau, cãi nhau mệt lắm, không có được”.
Hay nhận xét về Thanh Bùi, cô ấy nói “Nãy giờ riêng ảnh nói tiếng Việt thôi là ảnh nói sai bao nhiều từ rồi. Rất là nhiều cái sai. Mà ảnh nói mình vừa nói tiếng Anh, vừa nói tiếng Việt rất hoàn hảo là coi như ảnh gạt em thôi”. Có khi, huấn luyện viên Hồ Hoài Anh không giữ được sự bình tĩnh trước hành động chen ngang của ca sĩ Hiền Thục đã phải đáp trả khá gắt gỏng”.
Là một chương trình dành cho thiếu nhi, có lẽ các huấn luyện viên cần phải hết sức cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, những chiêu trò, chiến thuật đưa ra để giành giật thí sinh cũng đừng nên quá khích tới mức nói xấu nhau không chút nể nang như vậy.
Thí sinh già trước tuổi
Đã quen với các tiết mục trình diễn hồn nhiên, ngây thơ của các thí sinh ở sân chơi Đồ rê mí trên VTV3 nhiều năm nay nên khi xem Giọng hát Việt nhí, nhiều khán giả đã thấy bất ngờ khi danh sách lựa chọn bài hát của các thí sinh đa phần là nhạc nước ngoài, số ít là nhạc Việt. Nhưng điều đáng buồn là cả nhạc ngoại lẫn nhạc nội đều quá lứa tuổi của người trình bày.
Là một chương trình dành cho thiếu nhi, có lẽ các huấn luyện viên cần phải hết sức cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, những chiêu trò, chiến thuật đưa ra để giành giật thí sinh cũng đừng nên quá khích tới mức nói xấu nhau không chút nể nang như vậy.
Chị Phùng Thụy Vân - giáo viên tiếng Anh ở Trường THPT dân lập Đặng Thai Mai (Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy rất vui khi các em thi chương trình này hát tiếng Anh rất tốt, chuẩn về phát âm, ngữ điệu và nhạc cảm, có thể nói không thua gì người nói tiếng Anh lâu năm.
Tuy nhiên, vẫn hơi có một chút băn khoăn vì ca khúc các em chọn hình như không phù hợp với lứa tuổi. Có em đang rất bé nhưng lại chọn những bài rất già so với lứa tuổi mình như nhiều ca khúc của Adele, Whiney Houston với những nỗi xúc cảm, khổ đau mà không ai bắt các em phải thể hiện nó trên sân khấu”.
Không chỉ có vậy, các giọng hát nhí cũng vô tư chọn các bài hát như “Biển nhớ”, “Mưa hồng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Và ta đã thấy mặt trời” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, “Cánh diều” của nhạc sĩ Ngọc Đại... Những phần trình bày này không khiến cho khán giả thoải mái khi thấy các em hát với một tâm trạng ảo não hay quá kích động với những ngôn từ - “cay đắng”, “con tim chứa nặng bao yêu thương”, rồi “chia ly”, “rạo rực trên môi em”...
Hy vọng vào những vòng sâu phía trong, đội ngũ cố vấn âm nhạc của chương trình sẽ giúp các em chọn được những ca khúc phù hợp với lứa tuổi hồn nhiên, trong sáng của mình hơn.
Hà Thu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.