Giống mới nhiều, đưa vào sản xuất ít

Thuận Hải Thứ năm, ngày 30/10/2014 06:35 AM (GMT+7)
Nhiều nông dân, doanh nghiệp đã nhận xét như vậy khi nghe các viện, trường báo cáo về những công trình khoa học, đề tài nghiên cứu tạo ra các giống mới, quy trình kỹ thuật tiến bộ phục đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới các tỉnh phía Nam... 
Bình luận 0

Nghiên cứu nhiều

TS Huỳnh Văn Nghiệp – Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, giai đoạn từ 2008 – 2013, có 50 giống lúa do Viện nghiên cứu, lai tạo được công nhận cho phép đưa vào sản xuất. Viện Lúa cũng đã thực hiện được nhiều đề tài nghiên cứu chọn tạo giống lúa, trong đó tập trung cho giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, giống lúa chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường như hạn, mặn… và chống chịu sâu bệnh.

img Nhiều giống mới được nghiên cứu, lai tạo nhưng không đến được với nông dân.

 

Bên cạnh nghiên cứu, chọn tạo giống lúa, Viện Lúa ĐBSCL cũng được giao nhiệm vụ “tạo dòng đậu tương biến đổi gen kháng sâu và chịu hạn” và “nghiên cứu chọn tạo các giống đậu tương biến đổi gen kháng ruồi đục thân và sâu đục quả”. Kết quả, Viện đã tạo ra được các dòng biến đổi gen kháng sâu đục quả.

Còn theo Lê Quốc Truyền – Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện Cây ăn quả Miền Nam), trong 5 năm qua, Viện này đã thực hiện hơn 40 đề tài, dự án các cấp. Từ đó, đã có 9 dòng/giống rau hoa và quả được Bộ NNPTNT công nhận giống tạm thời và chính thức, trong đó gồm giống cam mật không hạt, giống ớt cay F1, giống bưởi đường lá cam ít hạt…

Còn ở Viện Nghiên cứu mía đường, có 10 giống mía mới do viện chọn tạo đã được công nhận cho phép sản xuất thử ở nhiều vùng sinh thái trồng mía khác nhau trên cả nước. Tuy nhiên, 2 giống mía K95-156 và Suphanburi đang được Viện đề nghị để công nhận chính thức lại được Viện nhập nội từ Thái Lan về Việt Nam, trồng khảo nghiệm từ năm 2005 đến nay. Đây là giống mía năng suất cao, có thể đạt 100 – 120 tấn/ha, hàm lượng đường cao, CCS có thể đạt 10 -13%.

Nông dân vẫn thiếu

Dù số lượng giống mới do các viện, trường nghiên cứu mỗi năm rất lớn, tuy nhiên, trên thực tiễn số lượng giống mới sau nghiên cứu được đưa vào sản xuất còn khá hạn chế. Nông dân thiếu giống, vẫn phải sử dụng hạt giống tự sản xuất từ cây thương phẩm.

TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, việc các viện, trường đạt được nhiều kết quả để báo cáo trong nghiên cứu, lai tạo giống xưa nay đã nhắc đến nhiều lần. Tuy nhiên, vấn đề chính là “chỗ đứng” của giống mới cũng như các tiến bộ kỹ thuật này trên thị trường sau khi nghiên cứu thì hầu như không có gì.

“Cơ quan nghiên cứu cũng phải nghĩ đến chuyện ai cần sản phẩm mới này, nghiên cứu xong rồi bán ở đâu, nông dân có chấp nhận giống mới này không… Chứ như xưa nay, các cơ quan nghiên cứu phần lớn được Nhà nước cấp tiền, nghiên cứu xong cất đó, nông dân khi cần không biết kiếm ở đâu thì coi như hỏng”- bà Mai nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Minh – Tổng Thư ký Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp và cho rằng, số lượng giống mới thì nhiều nhưng các cơ quan nghiên cứu chưa ai nói đến việc chuyển giao, phân phối đến nông dân, cũng không rõ sau nghiên cứu có bao nhiêu giống được đưa vào sản xuất đại trà.

Ông Minh cho ví dụ, Viện Nghiên cứu mía đường cho rằng Viện đã tạo ra được các giống mía năng suất cao, từ 100 – 120 tấn/ha nhưng trên thực tế hiện nay, sản xuất mía ở Việt Nam chỉ đạt năng suất từ 30 – 40 tấn/ha, thua xa các nước trong khu vực. Do đó, các doanh nghiệp và nông dân trồng mía đang lo sốt vó sẽ ‘thua trên sân nhà” khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoặc Cộng đồng chung ASEAN vào năm tới.

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương Nguyễn Tấn Bình cũng cho rằng, nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu của nông dân và thị trường. Có như vậy, việc đầu tư vào nghiên cứu mới có hiệu quả. “Ví dụ như đối với cây cao su, các cơ quan nghiên cứu có đề tài, dự án nào để nghiên cứu, hỗ trợ bà con trồng xen, tận dụng đất trong vườn cây đang thời kỳ thu hoạch nhằm tăng thu nhập không? Như hiện nay, giá cao su rớt thê thảm, nông dân rất cần những nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật như thế để giữ vườn cây và vẫn có thêm thu nhập”- ông Bình đặt vấn đề.

  Trong số 50 giống mới được Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu, lai tạo thời gian qua, chỉ có 7 giống lúa được nhượng quyền tác giả cho các doanh nghiệp sản xuất đại trà, phân phối đến bà con nông dân. Con số này khá khiêm tốn so với kết quả do Viện báo cáo cũng như nhu cầu của nông dân hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem