Cách đây hơn 1 năm, sau sự cố xảy ra hiện tượng “lẫn giống” đối với một giống lúa tên Q…, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với “ông chủ” của giống lúa này. Công ty của ông hiện lớn nhất nhì tỉnh Ninh Bình về lĩnh vực sản xuất giống.
Ông cho biết, không gì lãi bằng sản xuất giống nhưng sự khắc nghiệt của nó thì cũng rất kinh khủng. Theo lời ông kể, những giống mà ông cùng nhiều ông chủ đang sản xuất mang thương hiệu này này, nọ thậm chí gắn với tên địa phương chẳng phải do ông nghiên cứu ra, mà do sang Trung Quốc mua hoặc nhờ những mối quan hệ cá nhân để mua lại những hạt giống “siêu nguyên chủng”.
Đem các hạt giống này về, ông đầu tư một khu “nghiên cứu” rồi thuê chuyên gia, kỹ sư của các viện, trường xuống hướng dẫn sản xuất, chọn tạo. Rồi cứ thế, ông xin phép trồng khảo nghiệm vài vụ và xin cấp phép cho sản xuất đại trà hạt giống F1, trong khi đó ông được độc quyền hạt giống xác nhận, nên dù là lúa thuần, bà con muốn sản xuất tiếp vụ sau vẫn phải mua giống do ông cung ứng.
Cũng theo lời ông này, thời gian sản xuất ra một “giống” như của ông thường chỉ mất 3-4 năm. Vì thế, khi ngồi làm việc với chúng tôi, ông khoe đang chuẩn bị cho ra một “tập đoàn” các bộ giống mới với số lượng lên tới 11 giống. Giá thành để sản xuất ra 1kg giống cũng khá rẻ.
Sau khi được cấp phép sản xuất đại trà, ông sẽ tìm và thuê người dân sản xuất hạt giống F1 với giá thu mua dao động 8.000-10.000 đồng/kg, cộng với chi phí phơi sấy, bảo quản, khấu hao thời gian nghiên cứu, chi phí sản xuất mỗi kg giống thường chỉ mất 15.000 đồng/kg, trong khi đó giá thành bán đến đại lý cấp 1 thường từ 50.000-60.000 đồng/kg!
Có được hạt giống rồi, lại phải lo đối phó, cạnh tranh với các đối thủ. Ông này cho biết: Có nhiều vụ, tôi bị đối thủ chơi xỏ bằng cách, đợi sau khi bà con gieo giống của mình xuống rồi, họ cho người ra ruộng ném một nắm giống vớ vẩn nào đó xuống, rồi mình bị mang tiếng là làm lẫn giống, kém chất lượng.
Hay xe chờ giống của mình đi trên đường, lợi dụng lúc tài xế không để ý, đối thủ có thể cho người đánh tráo bao thóc giống khác vào xe của mình… Để đối phó với những chiêu trò đấy, chúng tôi thường phải lưu lại mẫu để đối chiếu mỗi khi xảy ra sự cố.
Thông thường để cho ra được một loại giống mới, nếu may mắn phải mất 10 năm với nhiều quy trình. Song thực tế có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ mất vài năm đã “đẻ” ra được một bộ giống mới. Sở dĩ nhanh như vậy, sự thật là do họ đi nhập lậu giống từ nước ngoài về hoặc được cho tặng.
Có giống đó rồi, họ chỉ cần đầu tư một khu “nghiên cứu” là xong. Trong khu “nghiên cứu” này cũng không hề có nguồn gen gốc nào được đưa về, mà đơn thuần chỉ là việc công ty này nhập được giống siêu nguyên chủng về để chọn tạo.
Việc này giúp họ rút ngắn được rất nhiều thời gian để cho ra đời một giống mới, bởi sau khi chọn tạo xong, họ chỉ cần xin phép Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho khảo nghiệm diện hẹp, rồi diện rộng (mỗi khâu 2 vụ, tương đương 1 năm).
Như thế, mỗi giống mà họ “nghiên cứu” rồi bán cho bà con nông dân đôi khi chỉ mất 3-4 năm. Đó cũng là thực tế mà Cục Trồng trọt đã phải thừa nhận, mỗi năm chúng ta công nhận tới cả trăm bộ giống nhưng lại không có giống nào có chất lượng.
Một điều nguy hiểm nữa là những giống “ăn xổi” như thế thường nhanh chóng bị thoái hóa hay giảm chất lượng, thậm chí là bị sụt giảm năng suất chỉ sau vài vụ gieo cấy.
Đặc biệt, với những giống này bà con chỉ sản xuất được 1 vụ rồi phải tiếp tục mua giống của họ. Mà những hạt giống F1 này chẳng khác gì thóc thịt... Ông chủ mà tôi tiếp xúc thừa nhận: “Nghề của chúng tôi là làm giàu trên lưng nông dân và chính nông dân nuôi chúng tôi”.
Đã từng đến khu khảo nghiệm của một công ty chuyên sản xuất giống khá lớn ở miền Bắc, chúng tôi nhận thấy, các tập đoàn giống mà họ giới thiệu phần lớn đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng chỉ qua vài ba năm “chọn tạo” đã biến thành… lúa thuần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.