Giống ngô gì trồng được 3 - 4 vụ/năm, doanh nghiệp mua cả thân, lá với giá cao?

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 17/09/2021 18:52 PM (GMT+7)
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2020... Đây là thời điểm và lợi thế cho phát triển sản xuất ngô và ngô sinh khối trong nước.
Bình luận 0

Tiềm năng lớn từ trồng ngô sinh khối

Vĩnh Phúc là tỉnh có diện tích sản xuất ngô tương đối lớn so với với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc, có truyền thống sản xuất ngô cả 3 vụ chính trong năm: Vụ vuân, vụ hè và vụ đông. Hiện tỉnh này có tổng diện tích 1.300ha trồng ngô sinh khối.

Một số địa phương có diện tích đất vùng bãi có thể trồng ngô được cả 3 vụ/năm như xã Vĩnh Thịnh, Kim Xá, An Tường, Cao Đại (huyện Vĩnh Tường); xã Hồng Châu, Liên Châu, Trung Kiên (huyện Yên Lạc); xã Bắc Bình, Thái Hòa (huyện Lập Thạch)...

Báo cáo tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: "Thúc đẩy chuỗi sản xuất ngô sinh khối vụ đông 2021 tại một số tỉnh phía Bắc", ông Trần Văn Thơ - Phó Giám đốc TTKN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trồng ngô sinh khối có nhiều ưu điểm hơn so với trồng ngô lấy hạt như thời gian trồng đến thu hoạch ngắn (từ gieo - thu hoạch sớm, chỉ khoảng 75-90 ngày, tùy theo từng giống), ngắn hơn trồng ngô lấy hạt từ 25-35 ngày, góp phần tăng vụ có thể trồng 3-4 vụ/năm, trong khi trồng ngô lấy hạt tối đa chỉ trồng được 2-3 vụ/năm.

Giống ngô gì trồng được 3 - 4 vụ/năm, doanh nghiệp mua cả thân, lá với giá cao? - Ảnh 1.

Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: "Thúc đẩy chuỗi sản xuất ngô sinh khối vụ đông 2021 tại một số tỉnh phía Bắc" được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Trung Quân.

Về hiệu quả kinh tế, trồng ngô sinh khối hiệu quả hơn so với trồng ngô lấy hạt theo truyền thống.

Ngô sinh khối có thể sử dụng cây ngô xanh gồm thân, lá, bắp tươi đem ủ chua là thức ăn lý tưởng giàu dưỡng chất nhất, vượt xa hơn so với ủ chua bằng các phụ phẩm như thân, lá ngô già, bẹ ngô khô để làm thức ăn cho bò sữa, bò thịt.

Năng suất thu được trung bình khoảng 38,7 tấn cây tươi/ha, với giá bán khoảng 800 đồng/kg tươi như vậy người sản xuất thu về khoảng 30,96 triệu đồng/ha.

Tại Hà Nội, vụ đông năm 2019-2020 nông dân thành phố đã gieo trồng được 254ha ngô sinh khối, với sản lượng 4864,8 tấn. Vụ đông xuân năm 2020-2021 gieo trồng 389,95ha, sản lượng đạt 8.133 tấn. Trong đó, 118ha ngô sinh khối được các công ty ký hợp đồng bao tiêu.

Với mô hình trồng ngô sinh khối đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, lợi nhuận bình quân đạt 10.800.000 đồng/ha trong thời gian khoảng 3 tháng, cao hơn trồng ngô lấy hạt là 8.729.000 đồng/ha, tương đương 315.000 đồng/sào.

Theo ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, thành phố có dư địa rất lớn để sản xuất ngô sinh khối. Để phát triển sản xuất ngô sinh khối cần quy hoạch vùng sản xuất, cùng với đó đẩy mạnh chế biến thức ăn chăn nuôi để phục vụ chăn nuôi đại gia súc, nhất là đàn trâu, bò.

Khai phá tiềm năng lớn của ngô sinh khối - Ảnh 1.

Nông dân xã Liên Châu, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) thu hoạch ngô sinh khối bán cho doanh nghiệp. Ảnh: Minh Ngọc

"So với sản xuất ngô lấy hạt thì sản xuất ngô sinh khối thời gian rút ngắn khoảng 30 ngày mà lại cho thu nhập cao hơn khoảng 4,5 triệu đồng/ha. Mặt khác trồng ngô sinh khối còn không mất công tẽ hạt, công phơi và bảo quản...".

Ông Trần Văn Thơ -

Phó Giám đốc TTKN Vĩnh Phúc

Trồng ngô sinh khối không để lãng phí đất

Thông tin tại diễn đàn, ông Nguyễn Danh Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu, huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, tổng đàn gia súc của xã 4.650 con; diện tích đất sản xuất 283ha, trong đó 70% trồng cỏ voi để sản xuất thức ăn chăn nuôi thô xanh.

Theo ông Hưng, hiện nay diện tích trồng ngô sinh khối của xã rất hạn chế, chỉ khoảng 22ha. Để trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi bò sữa, người dân phải đi thuê lại diện tích của một số xã lân cận khoảng 30ha. 

"Trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho bò sữa rất hiệu quả và người dân trong xã gieo trồng ngô quanh năm. So với cỏ voi thì ngô sinh khối cho hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, trồng ngô sinh khối phụ thuộc vào thời vụ, còn cỏ voi sau 2-3 năm mới phải trồng lại" - ông Hưng nói.

Ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc TTKN Quốc gia cho biết, nhu cầu ngô sinh khối cho chăn nuôi đại gia súc mỗi năm cần 235.000ha (trồng liên tục 3 vụ/năm) mới đủ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi, tương đương khoảng 27,6 triệu tấn. Hiện nay, diện tích trồng ngô sinh khối ở các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt khoảng 115.000ha, sản lượng đạt gần 450.000 tấn.

Tuy nhiên, theo ông Hồng, diện tích đất bỏ hoang vụ xuân ở các tỉnh vùng miền núi phía Bắc khoảng 100.000ha; diện tích đất 2 vụ lúa có thể tăng diện tích sản xuất ngô sinh khối ở trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng khoảng 200.000ha. Chính bởi vậy, nếu tận dụng diện tích đất để trồng ngô sinh khối thì sẽ có hiệu quả rất lớn, góp phần đảm bảo được nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là lợi thế cho phát triển sản xuất ngô và ngô sinh khối trong nước.

Về vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh - Cục phó Cục Chăn nuôi cho rằng, đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh phát triển trồng ngô sinh khối: "Để phát triển hiệu quả ngô sinh khối, chúng ta cần áp dụng mạnh mẽ cơ giới hóa, từ đó, nâng cao hiệu quả của ngô sinh khối, đáp ứng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, phục vụ chăn nuôi đại gia súc". 

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Những năm trước đây, trong cơ cấu cây vụ đông của nhiều địa phương, cây ngô chiếm 1/4 diện tích cơ cấu chung. Tuy nhiên, đã có giai đoạn nhiều địa phượng sử dụng những giống ngô lấy hạt, các bộ giống ngô cũ nên năng suất, giá trị gia tăng không cao.

Trong những năm gần đây, gắn với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, phát triển theo chuỗi của Bộ NNPTNT, đặc biệt khi phát triển chuỗi chăn nuôi đại gia súc, nhu cầu thức ăn thô xanh cho đàn gia súc ở miền Bắc vào mùa đông giá rét, hay đàn bò được chăn nuôi theo hướng công nghiệp ngày càng lớn thì ngô sinh khối là đối tượng cần được phát triển với những ưu thế nhất định.

"Từ những kinh nghiệm, sáng kiến, cách làm hay đã được triển khai trong vụ đông trước, trong vụ đông 2021, kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” để tăng mạnh về diện tích, sản lượng, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiếp tục phát triển bền chặt. Hình thành các vùng sản xuất ngô sinh khối đảm bảo số lượng, chất lượng phục vụ phát triển chăn nuôi bền vững" - ông Thanh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem