Giữ chữ tín với đồng vốn ý nghĩa

Thu Hà Thứ tư, ngày 09/03/2016 13:20 PM (GMT+7)
Hàng ngàn hộ nông dân huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã tậu được trâu, bò, xây được nhà khang trang nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).
Bình luận 0

Tích tiểu thành đại

Một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH là chị Nguyễn Thị Toán (dân tộc Dao, thôn 15, xã Lang Quán). Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn mới dựng khang trang, to đẹp nhất thôn, chị Toán chia sẻ: “Gia đình tôi được như ngày hôm nay là nhờ vốn vay của Ngân hàng CSXH. Tiền dựng nhà đều tích cóp từ những khoản lời bán lợn, bán bò mà ra”.

img

Chị Nguyễn Thị Toán bên đàn bò của gia đình. Ảnh: Thu Hà

Tổ TKVV thôn 15, xã Lang Quán có dư nợ hơn 850 triệu đồng với 41 hộ vay vốn Ngân hàng CSXH. Để công bằng, chúng tôi thực hiện bình xét công khai các hộ có đủ điều kiện vay vốn, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng và sử dụng vốn vay đúng mục đích”.

Chị Nguyễn Thị Toán 

Chị Toán kể, trước đây gia đình chị rất khó khăn. Năm 2008, gia đình chị được Ngân hàng CSXH cho vay 7 triệu đồng chương trình tín dụng hộ nghèo. Cầm tiền, vợ chồng chị mua hơn 10 con lợn giống, tu sửa lại chuồng trại để chăn nuôi.

“Ngân hàng CSXH đã cho vay vốn ưu đãi thì mình phải sử dụng vốn đúng hiệu quả. Được chăm sóc tốt nên đàn lợn lớn nhanh, khỏe mạnh, hơn 3 tháng đã được xuất bán. Cứ vậy, tiền lời lứa này tôi  dùng đầu tư tăng đàn cho lứa sau... Năm 2011, gia đình tôi đã chính thức thoát nghèo” - chị Toán bộc bạch.

Để giúp chị Toán thoát nghèo bền vững, tháng 6.2013, Ngân hàng CSXH cho chị vay 30 triệu đồng chương trình tín dụng hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) vùng khó khăn. Lần này chị Toán mua 1 cặp bò mẹ con. “Bò mẹ cứ đẻ bê đực thì đem bán, còn đẻ bê cái tôi giữ lại nuôi. Từ chăn nuôi lợn, bò gia đình tôi có thu nhập hơn 80 triệu đồng/năm. Năm 2015, tích cóp được một khoản kha khá vợ chồng tôi quyết định dựng nhà mới” - chị Toán khoe.

Thấy chị Toán năng nổ, nhiệt tình, sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, bà con trong thôn đã tín nhiệm bầu chị làm Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) thôn 15. Từ đây chị Toán lại tiếp tục truyền lại kinh nghiệm giảm nghèo, làm giàu từ vốn vay ưu đãi cho mọi người ở thôn.

Chữ tín của người vay vốn

Cách nhà chị Toán không xa, chị Vi Thị Liên cũng được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng chương trình hộ SXKD vùng khó khăn. Chị Liên phấn khởi nói: “Gia đình tôi mới thoát nghèo chưa lâu, đang cần vốn để làm ăn thì được Ngân hàng CSXH cho vay vốn chương trình hộ SXKD vùng khó khăn nên rất phấn khởi. Có vốn gia đình tôi mua trâu về nuôi. Tôi thấy, nuôi trâu lấy công làm lãi, không tốn kém nhiều về kinh tế, người nuôi chỉ cần đầu tư 1 lần. Hơn nữa, trâu là gia súc lớn, sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh”.

Trong chăn nuôi để tránh rủi ro, thất thoát đàn, chị Liên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc trâu sinh sản, thực hiện nghiêm khâu tiêm phòng dịch bệnh, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng. Từ 1 con trâu vốn ban đầu, nay chị Liên đã gây được đàn trâu 3 con. Với đà thuận lợi, chị Liên tin tưởng gia đình mình sẽ trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. “Phải giữ chữ tín của người vay vốn với ngân hàng, chúng tôi ai cũng bảo nhau như vậy…”-chị Liên bày tỏ.

Ông  Trương Văn Bình – Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ hơn 1.848 tỷ đồng, trong đó chương trình tín dụng cho vay hộ SXKD vùng khó khăn chiếm hơn 246 tỷ đồng với 11.900 hộ còn dư nợ, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,26%. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem