Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm ở xã Glar

Thứ bảy, ngày 07/12/2013 08:42 AM (GMT+7)
Từ nhiều năm nay, người dân Ba Na ở xã Glar, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đã cố gắng giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc mình bằng cách duy trì và phát triển mạnh nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Bình luận 0
Năm 2006, từ phong trào dệt thổ cẩm phát triển và phân tán trong các hộ gia đình, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm của xã Glar đã được thành lập. Để phát triển nghề dệt, HTX đã mở được 4 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho 200 chị em, hướng dẫn từ những kỹ thuật căn bản cho đến kỹ thuật nâng cao để nâng cao tay nghề và tạo ra được những sản phẩm dệt thổ cẩm đa dạng hơn. HTX còn được tỉnh ưu tiên đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất để mở rộng quy mô hoạt động và UBND huyện Đăk Đoa hỗ trợ kinh phí giúp HTX thuê mặt bằng tại các tỉnh Kon Tum, Đăk Lăk và TP. Pleiku để tổ chức giới thiệu và bán sản phẩm. Nhờ đó mà quy mô hoạt động của HTX ngày càng lớn mạnh và bền vững. Chất lượng sản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng, từ từng đường nét hoa văn cho đến độ mịn, phối màu đặc sắc và hấp dẫn hơn nhiều so với sự đơn điệu của những năm tháng trước đây.

Niềm vui bên khung dệt.
Niềm vui bên khung dệt.

Các sản phẩm của HTX gồm áo nam, khố nam, túi xách đã tham gia sản phẩm công nghiệp nông thôn năm 2012 tỉnh Gia Lai và được tuyển chọn đạt giải nhất; trong đó có sản phẩm chăn thổ cẩm được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) tặng Cúp và Giấy chứng nhận là sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm 2012.

Xã Glar hiện có dân số hơn 10.000 người, trong đó có hơn 95% số dân là người Ba Na. Từ chỗ trước đây chỉ có mức thu nhập trung bình khoảng 500.000 đồng/tháng/người, hiện nay, xã đã xoá được nạn đói kinh niên, tăng thu nhập lên 2 triệu đồng/tháng/người từ bán được sản phẩm dệt thổ cẩm trên thị trường.

Văn Thông (Văn Thông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem