Giữ lấy tiếng chiêng

Phan Phương Thứ bảy, ngày 11/07/2015 08:12 AM (GMT+7)
Cuộc sống dù có đổi thay đến đâu thì với già làng Hồ Văn Phúc và bà con bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), việc giữ lấy tiếng cồng, tiếng chiêng mãi ngân vang giữa ngàn Trường Sơn là một nhiệm vụ thiêng liêng nhất.
Bình luận 0

Bởi lẽ, thứ nhạc cụ truyền thống thiêng liêng này được ví như linh hồn của núi rừng, của bản làng người Vân Kiều vậy…

“Cầu nối” tâm linh

Một buổi sáng thức dậy ở bản Khe Cát, nơi sinh sống của người Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn, chúng tôi được nghe một thứ âm thanh huyền hoặc từ xa vọng lại, lúc trầm đục, lúc lanh lảnh. Đó là tiếng cồng chiêng được cất lên từ mái nhà sàn của già làng Hồ Văn Phúc nằm ở cuối bản. Với người Vân Kiều, bao đời nay, tiếng cồng chiêng như một “cầu nối” tâm linh ôm trọn bao ước vọng, tri ân của con người với thần linh, núi rừng. Còn với già Phúc, nó đã ngấm vào máu thịt của ông, như cơm ăn nước uống hàng ngày vậy.

img
Già làng Hồ Văn Phúc (bên trái) say mê bên tiếng cồng chiêng.  Ảnh:   P.P

Nhớ về những ngày quá vãng, khi tiếng cồng chiêng rộn rã khắp các bản làng của người Vân Kiều, già làng Trần Văn Phúc không giấu được nỗi tự hào, đôi mắt già lấp lánh niềm vui khó tả. Già Phúc bảo rằng, hầu như mỗi sinh hoạt trong đời sống của đồng bào Vân Kiều đều gắn liền với thứ âm thanh độc đáo này. Lúc đứa trẻ mới lọt lòng hay khi lớn lên, nên duyên vợ chồng, rồi trở về với tổ tiên, mỗi giai đoạn của đời người đều gắn liền với tiếng cồng chiêng. Cồng chiêng là tiếng lòng người Vân Kiều son sắt, là lời tiên tổ vọng về, lời của núi rừng Trường Sơn linh thiêng...

Nỗi niềm người nghệ nhân già

Thế nhưng những năm gần đây, cuộc sống vật chất của người Vân Kiều tuy có khá lên nhưng tiếng cồng chiêng thì đã thưa vắng dần. Già Hồ Văn Phúc vô cùng lo lắng khi có nhiều năm liền bản làng không còn tổ chức các lễ hội như lấp lỗ (gieo trồng), lễ mừng lúa mới… Tiếng cồng chiêng cùng với nhiều loại nhạc cụ khác của người Vân Kiều đã không còn cơ hội để cất lên. Liệu mai này có còn ai nhớ hồn chiêng, giữ hồn chiêng, nhịp chiêng để nó ngân rung, vang vọng mãi giữa đại ngàn Trường Sơn này?

13 tuổi, già Phúc đã theo cha học tất cả những điệu cồng chiêng truyền thống, đến nay bước vào tuổi 78, những bước chân đã không còn vững chãi, đôi bàn tay thô ráp đã bắt đầu rệu rã, nhưng già Phúc vẫn tin rằng, tiếng cồng chiêng của già vẫn đủ sức lay động bao trái tim trân quý những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều. Thế là, bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa, sáng sáng, tiếng cồng, tiếng chiêng vẫn rộn rã vang lên từ mái nhà sàn của già Phúc và lan tỏa khắp cả bản làng...

Mới đây, khi Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mekong Quảng Bình và Công ty TNHH Truyền thông Cát Vàng phối hợp tổ chức lớp “Phục dựng và truyền dạy âm nhạc truyền thống của người Bru - Vân Kiều tại cộng đồng”, đã làm thức dậy một mạch nguồn văn hóa truyền thống của người Vân Kiều.

Điều này đã làm cho già Phúc vui mừng khôn xiết. Già cũng là một trong những nghệ nhân được mời trực tiếp giảng dạy cho dự án. Ông tận tụy truyền dạy cho con cháu mình những nhịp chiêng truyền thống. Nhìn những đứa trẻ Vân Kiều háo hức tham gia lớp học, già Phúc như được sống lại một thời trai trẻ bên chiếc cồng chiêng…


  Già Phúc  vui mừng chia sẻ: “Cồng chiêng  và nhiều làn điệu truyền thống của người Vân Kiều bây giờ đã có nhiều người học rồi.  Bây giờ tôi có chết cũng yên tâm”. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem