Nuôi lợn cho ăn thảo dược, cho lợn nghe nhạc trữ tình, anh nông dân Nam Định "hốt bạc" mùa dịch
Giữa đại dịch Covid-19, nuôi lợn bằng thảo dược, cho nghe nhạc trữ tình...anh nông dân Nam Định bán đắt hàng
Mai Chiến
Thứ bảy, ngày 04/09/2021 13:01 PM (GMT+7)
Cho lợn ăn bằng các loại thảo dược, nghe nhạc trữ tình và sống trong chuồng mát...là cách mà "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021" Nguyễn Văn Thục ở xóm 5, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đang áp dụng để chăn nuôi lợn.
Clip: Anh Nguyễn Văn Thục ở xóm 5, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định tiết lộ quy trình chăn nuôi lợn bằng thảo dược. Anh Nguyễn Văn Thục được Hội đồng Bình chọn chung khảo bỏ phiếu bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2021.
Trang trại chăn nuôi lợn thảo dược của ông Thục ở tỉnh Nam Định được quy hoạch rõ ràng, nằm im lìm trong 1 con ngõ nhỏ, xa khu dân cư sinh sống.
Mặc dù, chăn nuôi lợn với số lượng lớn, khoảng 300 con, nhưng khu vực bên ngoài trang trại không hề có mùi hôi thối; thay vào đó là mùi thơm ngát, nhẹ nhàng tỏa ra từ những bông hoa hồng ngoại, những chùm lan rừng… Kế bên là ao cá lớn với đầy chủng loại cá truyền thống như cá chim, trắm, chép…
Cho lợn nghe nhạc
Để vào được trang trại cũng như khu chăn nuôi lợn của gia đình anh Thục, chúng tôi phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch như đi ủng; đeo gang tay, khẩu trang; đặc biệt máy ảnh được sát khuẩn bằng dung dịch trước khi vào ngoài tác nghiệp.
"Nhà báo thông cảm, trang trại phải thực hiện nghiêm như vậy để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đàn lợn; bảo đảm nguyên tắc phòng chống dịch, chăn nuôi an toàn sinh học…", anh Thục nói rồi dẫn phóng viên đi về hướng khu chăn nuôi.
Vừa đi, anh Thục vừa nói: Trang trại chăn nuôi lợn được chia làm ba khu nuôi riêng biệt, thiết kế kiểu chuồng kín;1khu chăn nuôi lợn bố mẹ, 2 khu còn lại chăn nuôi lợn thương phẩm để đảm bảo số lượng thịt hơi cung ứng ra thị trường hàng ngày.
Đứng trước cửa nhà chứa các đồ vật dụng, anh Thục bảo tôi chờ một lát rồi vội vàng chạy về khu nhà chế biến thức ăn kéo một xe thùng cám đã được phối trộn và chuẩn bị từ trước để cho lợn ăn.
Trong lúc chờ đợi, giữa không gian tĩnh lặng, tôi nghe thấy những bài hát trữ tình phát ra từ đâu đó. Hỏi ra mới biết, hàng ngày cứ vào khoảng thời gian từ 7 - 11h và 14h -17h, anh Thục lại sử dụng điện thoại thông minh để phát nhạc trữ tình qua loa bluetooth để cho đàn lợn nghe, nhằm giúp đàn lợn thư giãn đầu óc, giảm tress, tinh thần sảng khoái trước khi vào bữa ăn.
"Ngày nào tôi cũng mở nhạc khoảng 10 tiếng đồng hồ cho đàn lợn nghe. Thấy đàn lợn chạy, nô đùa và ăn khỏe mình cũng mừng!", anh Thục chia sẻ.
Nuôi lợn bằng thảo dược
Chia sẻ thêm về nghề, anh Thục kể: Năm 1992, sau khi xuất ngũ, anh trở về quê hương làm đủ thứ nghề để kiếm sống, trong đó có nuôi trồng thủy sản (cá, tôm…). Song, nuôi thủy sản không hiệu quả nên anh chuyển hướng.
Năm 1995, anh xây dựng gia đình và cùng người bạn đời dùng số vốn cưới đểkhởi nghiệp từ chăn nuôi lợn. Thời điểm đó, vốn ít nên vợ chồng anh Thục chỉ nuôi khoảng 20 con để học hỏi kinh nghiệm.
Nhờ chăn nuôi "mát tay" nên đàn lợn lớn nhanh như thổi. Lứa lợn này chuẩn bị xuất bán là nuôi gối tiếp luôn lứa sau. Cứ như vậy, tổng đàn lợn dần dần được tăng lên từ 50 con đến 100 con, đến 300 con, có thời điểm nuôi lên đến 500 con.
Số lượng con nuôi tăng lên, đồng nghĩa trang trại cũng được mở rộng và thiết kế đúng với quy hoạch. Hiện, quy mô trang trại có thể đáp ứng công suất 500 con, nhưng do tình hình dịch bệnh nên anh Thục giảm xuống còn 300 con.
"Khi mới bước chân vào nghề chăn nuôi lợn, tôi đã định hướng cho riêng mình và trong đầu luôn suy nghĩ nuôi nhiều hay ít thì cũng phải áp dụng chăn nuôi theo hướng hữu cơ; có như vậy mới đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm", anh Thục nói.
Để quảng bá sản phẩm của mình, năm 2015 anh đưa thịt lợn lên Hà Nội dự hội chợ, sự kiện vừa để bán, vừa để giới thiệu sản phẩm tìm kiếm cơ hội kết nối, hợp tác làm ăn lớn. Tuy, số lượng hàng bán ra không được nhiều nhưng sản phẩm của anh đã được nhiều khách hàng Thủ đô biết đến và đánh giá cao.
Sau khi dự sự kiện về, anh Thục càng có thêm động lực để chăn nuôi lợn hữu cơ. Để có kiến thức, anh ngày đêm lên mạng internet tìm hiểu công dụng của các loại thảo dược và vận dụng đưa vào chế biến thức ăn chăn nuôi phục vụ đàn lợn của gia đình.
Dẫn phóng viên đi tham quan khu sơ chế thức ăn cho đàn lợn, anh Thục giới thiệu: Ngoài nguyên liệu chủ yếu là cám gạo, ngô, vỏ sò, cá khô, đậu tương, bỗng rượu, tôi còn cho thêm nhiều loại thảo dược khác như thảo quả, hoàng đẳng sâm, kim ngân, quế chi… đều dùng để chế biến ra một loại thức ăn đặc biệt dành cho lợn.
Chỉ tay vào từng loại thảo dược, anh Thục không ngần ngại chia sẻ về công dụng của chúng. "Đây là kim ngân, tăng sức đề kháng, giải độc cho lợn. Đây là quế chi phòng kháng viêm cho lợn. Đây là vỏ sò bổ sung can xi cho lợn….
Khi đưa thêm các loại thảo dược vào thức ăn, chúng có tác dụng phòng chống bệnh tật, giải độc, kháng khuẩn cho lợn rất tốt. Ngoài ra, chất lượng thịt ngon hơn nhiều so với nuôi cám công nghiệp; thịt mềm và thịt lạc có màu đỏ tự nhiên", ông Thục tiết lộ.
Theo anh Thục, các loại thảo dược khá dễ mua, dễ tìm và dễ trồng. Tuy nhiên trước khi đưa vào làm nguyên liệu thức ăn, thảo dược cần được sấy khô ở nhiệt độ 70°C để không bị ẩm mốc. Và, lợn ăn bữa nào thì nghiền cám bữa đó để đảm bảo chất lượng.
"Mỗi giai đoạn nuôi áp dụng 1 công thức phối trộn nguyên liệu thảo dược khác nhau. Trong đó, giai đoạn 1 lợn từ 15- 30kg, giai đoạn 2 lợn từ 30kg đến lúc xuất chuồng. Và,giai đoạn chăm sóc lợn nái chửa, lợn nái đẻ cũng phải áp dụng công thức phối trộn riêng biệt…", anh Thục bộc bạch.
Hiện nay, trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ thảo dược Hiền Thục theo quy trình khép kín theo mô hình 3F: Feed - Farm-Food và áp dụng 4 "không": Không sử dụng chất cấm; chất kháng sinh; chất tăng trọng và không kim loại nặng trong chăn nuôi.
Trong quá trình chăn nuôi, anh Thục còn đưa thêm men vi sinh chủng EM trộn vào thức ăn của lợn để tăng cường hấp thụ chất. Ngoài ra, anh còn dùng men vi sinh chủng EM đã nhân thành thứ cấp xử lý môi trường chuồng trại, khử mùi hôi…
Clip: Quy trình giết mổ, đóng gói sản phẩm tại trang trại Hiền Thục (xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).
Sở hữu 3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Với quy trình chăn nuôi khép kín, đảm bảo sạch sẽ từ A - Z, các sản phẩm của trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ thảo dược Hiền Thục khi đưa ra thị trường đều được khách hàng tin dùng và ủng hộ.
"Trang trại đã đầu tư xây dựng lò giết mổ lợn với công suất 10 con/ngày. Lợn sau khi giết mổ được pha lọc, cắt xẻ, thái miếng và đóng gói cẩn thận. Trên tem dán có in đầy đủ logo các chứng nhận sản phẩm sạch", anh Thục nói.
Theo anh Thục, sản phẩm chủ lực của gia đình là thịt lợn hơi, xúc xích, ruốc thịt lợn, giò… Trong số này, đã có 3 sản phẩm được UBND tỉnh Nam Định công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Thịt lợn, xúc xích, ruốc.
Anh Thục nhẩm tính, trung bình mỗi ngày gia đình cung ứng ra thị trường khoảng 300kg thịt lợn hơi, 15 - 20kg xúc xích và khoảng 5 - 10kg ruốc, tùy vào đơn đặt hàng.
Bên cạnh việc tiêu thụ sản phẩm tại cửa hàng tiện ích của gia đình mang tên "Nông sản sạch Trực Thái". Anh Thục còn cung cấp sản phẩm cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Mặc dù, đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng đầu ra sản phẩm của trang trại Hiền Thục vẫn thuận lợi.
Đánh giá về mô hình của anh Thục, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định Tô Xuân Hiệp cho hay, trang trại chăn nuôi lợn Hiền Thục đang hoạt động theo mô hình khép kín, an toàn sinh học, chăn nuôi bằng nguồn thức ăn thảo dược nên sản phẩm khi đưa ra thị trường được khách hàng tin dùng. Trang trại đã có 3 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Năm 2020, anh Nguyễn Văn Thục vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước CHXHCNVN) tặng Bằng khen vì đã có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định. Anh Nguyễn Văn Thục là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021"
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.