Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tuy nhiên, ông Thục vẫn còn nhiều trăn trở khi được hỏi về các dự định trong tương lai. Ông Thục mong muốn nhà nước sớm bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ vay vốn vốn và đơn giản các thủ tục thuê đất cho người chăn nuôi quy mô lớn.
Ngoài việc được biết đến là một trong những hộ chăn nuôi lợn lớn, quy mô hơn 300 con lợn được chăn nuôi theo mô hình cho ăn thảo dược, nghe nhạc trữ tình, ông Thục còn được biết đến là một trong 20 chuỗi cung ứng thực phẩm sạch lớn ở tỉnh Nam Định.
Trong năm 2021 ông Nguyễn Văn Thục là một trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được bình chọn nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021.
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức gặp phải trong năm 2021, ông Nguyễn Văn Thục cho biết, thời gian qua dịch Covid-19 đã làm cho hàng triệu người dân cả nước điêu đứng. Đặc biệt, đối với những nông dân làm nông nghiệp như ông Thục, thiệt hại về kinh tế không kể xiết, khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá bán sản phẩm bị lao dốc "không phanh"...
Ông Thục mong mỏi được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi khi làm thủ tục thuê đất làm trang trại.
Bởi, những nông dân "chân lấm tay bùn" như ông hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi làm thủ tục thuê đất, nhiều khi phải chờ nhiều tháng, thậm chí hàng năm liền.
"Hiện tôi đang có nhu cầu mở rộng diện tích chăn nuôi và trồng trọt. Tôi đang có dự định xin thuê thêm khoảng 6ha đất để mở rộng làm trang trại. Tuy nhiên, nhiều lần chúng tôi đề xuất lên chính quyền địa phương, nhưng họ bảo phải chờ mà không biết chờ đến khi nào. Nói chung để thuê được một khu đất "chính quy" để làm trang trại mất rất nhiều thời gian…", ông Thục nói.
Theo ông Thục, đất trang trại ông Thục đang thuê thuộc quỹ đất công 5% do xã quản lý. Theo quy định, những khu đất này chỉ được cho thuê với thời gian 5 năm.
"Người dân chúng tôi thuê đất đầu tư chăn nuôi với mong muốn được thuê lâu dài. Bởi, khi chăn nuôi chúng tôi phải đầu tư hàng chục tỷ đồng vào chuồng trại, con giống… nếu hết 5 năm nhà nước lấy ra, coi như chúng tôi mất trắng. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn được thuê đất lâu dài với thời hạn 50 năm để đầu tư", ông Thục nói.
Ông Nguyễn Văn Thục được biết đến là người chăn nuôi lợn theo hình thức hữu cơ. Ngoài việc ăn cám gạo, ngô, vỏ sò, cá khô, đậu tương, bỗng rượu, ông còn cho lợn ăn thêm nhiều loại thảo dược khác như thảo quả, hoàng đẳng sâm, kim ngân, quế chi…Lợn được nuôi đảm bảo theo quy trình khép kín theo mô hình 3F: Feed - Farm-Food và áp dụng 4 "không": Không sử dụng chất cấm; chất kháng sinh; chất tăng trọng và không kim loại nặng trong chăn nuôi.
Trung bình mỗi ngày gia đình cung ứng ra thị trường khoảng 300kg thịt lợn hơi, 15 - 20kg xúc xích và khoảng 5 - 10kg ruốc, tùy vào đơn đặt hàng.
Nói về những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn kinh doanh, ông Thục cho hay: Rất nhiều hộ chăn nuôi, hợp tác xã trên cả nước đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Ông Thục nghe thông tin nhà nước hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi đã lâu, tâm trạng của ông chờ nguồn vốn này như "nắng hạn chờ mưa rào".
Ông mong mỏi nhà nước sớm có chính sách cho các hộ chăn nuôi được sớm tiếp cận với vốn vay ưu đãi để phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid- 19.
Hiện vốn vay của các ngân hàng thương mại đang cao, những ngân hàng này thường điều chỉnh lãi suất vay theo thị trường. Vì vậy, nếu tiếp cận được vốn vay ưu đãi, ông Thục và hàng triệu người nông dân sẽ có cơ hội để vực dậy ngành chăn nuôi.
"Tôi mong muốn nhà nước có gói vay ưu đãi cho nông dân như cho vay mức 30 tỷ đồng, với thời gian điều chỉnh lãi suất 5 năm/lần. Có như vậy chúng tôi mới an tâm sản xuất…", ông Thục nói.
Điều làm ông Thục bấy lâu nay "mất ăn, mất ngủ" là giá nguyên liệu đầu vào của thức ăn chăn nuôi tăng quá cao.
Ông Thục băn khoăn với đà tăng này sẽ khiến giá thành sản phẩm đầu ra như thịt lợn, thịt gia cầm, thủy sản tăng cao, người nông dân sẽ gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
"Trước đây, giá ngô mua vào giá dao động từ 5.700 đồng- 6.000 đồng/kg, nhưng nhiều tháng trở lại đây giá ngô đã tăng lên đến 8.2.00 đồng/kg; tương tự giá đậu tương từ 12.000- 13.000 đồng/kg hiện đã tăng lên 18.000 đồng/kg…Chính phủ nên có biện pháp bình ổn giá nguyên liệu đầu vào của ngành thức ăn chăn nuôi để nông dân sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, đầu ra ổn định. Giá thức ăn chăn nuôi cao sẽ dẫn đến giá thành sản xuất cao, sản phẩm bán ra sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, trong cạnh tranh…", ông Thục cho hay.
Năm 2020, ông Nguyễn Văn Thục vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ hộ nông dân giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định.
Ông Nguyễn Văn Thục là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.