Giữa "tâm dịch" Covid-19, Đà Nẵng Kitchen thổi cơm "5 sao" tiếp sức tuyến đầu dập dịch

Đại Nghĩa - Trần Hậu Chủ nhật, ngày 23/08/2020 07:10 AM (GMT+7)
Bà Nguyễn Trúc Chi, chuyên gia ẩm thực ở TP.HCM không chọn con đường rời tâm dịch Đà Nẵng mà quyết tâm ở lại để cùng 100 nhà hàng, các nhà hảo tâm... gom yêu thương, nổi lửa, trao đi hàng chục nghìn suất cơm "5 sao" mỗi ngày, để tiếp sức cho tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19.
Bình luận 0

"Gom lửa" để đốt bếp

Bà Nguyễn Trúc Chi là người sáng lập Đà Nẵng Kitchen và cũng là chuyên gia ẩm thực, đang có khóa giảng dạy ngành F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống) tại Đà Nẵng. Khi dịch Covid-19 bùng phát, bà không về lại TP.HCM mà quyết định ở lại Đà Nẵng để chung tay góp sức vào phong trào chống dịch của thành phố.

Ở nơi tâm dịch, Đà Nẵng Kitchen đốt bếp yêu thương - Ảnh 1.

Đà Nẵng Kitchen nơi quy tụ hàng trăm ông chủ nhà hàng cùng trao gửi yêu thương đến với các chiến sĩ tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19.

Bà Chi góp phần phòng, chống dịch bằng cách thành lập nhóm thiện nguyện Đà Nẵng Kitchen, quy tụ gần 100 nhà hàng tham gia với quy trình nấu ăn cung cấp những suất ăn ngon - sạch - chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP) để phục vụ cho đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Ở nơi tâm dịch, Đà Nẵng Kitchen đốt bếp yêu thương - Ảnh 2.

Được biết, bà Nguyễn Trúc Chi, chuyên gia về ẩm thực là người sáng lập Đà Nẵng Kitchen.

Chị Lê Thị Bích Hương, Giám đốc truyền thông của một khu du lịch nổi tiếng ở Đà Nẵng cũng chọn không về Sài Gòn với gia đình mà ở lại tâm dịch Đà Nẵng để cùng tham vào nhóm thiện nguyện này và hiện chị Hương là thành viên phụ trách truyền thông cho Đà Nẵng Kitchen.

Ở nơi tâm dịch, Đà Nẵng Kitchen đốt bếp yêu thương - Ảnh 3.

Với cách làm hiệu quả, nhiều mạnh thường quân khắp nơi đã nhiệt tình ủng hộ.

Trò chuyện cùng Dân Việt, chị Hương cho biết, ngày 31/7, Đà Nẵng Kitchen ra đời, thành phần nhân sự gồm: Ban điều hành, truyền thông, sản xuất, cung ứng, kỹ thuật, vận chuyển.. đã quy tụ gần 50 tình nguyện viên. Do tính chất hoạt động mùa dịch nên rất hạn chế số lượng người, đồng thời tình nguyện viên tham gia nhóm và ban điều hành của Đà Nẵng Kitchen đều được xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Ở nơi tâm dịch, Đà Nẵng Kitchen đốt bếp yêu thương - Ảnh 4.

Nhiều trang trại, nông trại ở các tỉnh Tây Nguyên ủng hộ thường xuyên hàng tấn rau, củ, quả để Đà Nẵng Kitchen duy trì hoạt động đến ngày hôm nay.

"Khi nhóm hoạt động, Đà Nẵng Kitchen đều phải xin giấy phép của chính quyền địa phương nơi bếp hoạt động và để được cấp phép thì Phòng Y tế quận, Cục ATVSTP phải tới bếp kiểm tra trước khi cấp phép. Hiện nay, 4 bếp của Đà Nẵng Kitchen bao gồm: 19A Võ Văn Kiệt - Sơn Trà; 75 Hoàng Văn Thụ - Hải Châu; 48 Trần Văn Trứ - Hải Châu và Lô 20-25 Nguyễn Sinh Sắc - Liên Chiểu đều có giấy phép hoạt động thiện nguyện...", chị Hương chia sẻ.

Ở nơi tâm dịch, Đà Nẵng Kitchen đốt bếp yêu thương - Ảnh 5.

Những suất cơm ngon, sạch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được đội ngũ, chuyên gia ẩm thực Đà Nẵng Kitchen nấu.

Được biết, trung bình mỗi ngày, Đà Nẵng Kitchen chuẩn bị khoảng 2.000 suất ăn, có ngày cao điểm, các bếp ăn phục vụ tới hơn 3.000 suất ăn miễn phí cho cán bộ y, bác sĩ tuyến đầu, các bệnh nhân và khu cách ly tập trung.

Những tình nguyện viên khi tới bếp phải đảm bảo thông tin sức khỏe minh bạch (xịt khuẩn, khẩu trang, khai báo y tế, đo thân nhiệt) và khi vào bếp phải mang bao tay, khẩu trang 2 lớp và mang trùm đầu.

Ở nơi tâm dịch, Đà Nẵng Kitchen đốt bếp yêu thương - Ảnh 6.

Những suất cơm "5 sao" được tiếp sức cho đội ngũ y bác sĩ và tuyến đầu chống dịch Covid-19

Thức ăn sau khi được chế biến xong phải qua máy đóng hộp từ tia UV để kháng khuẩn, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch, bởi những suất ăn của nhóm đều phục vụ đội ngũ y bác sĩ nên quy trình phải chặt chẽ và nghiêm ngặt.

Ở nơi tâm dịch, Đà Nẵng Kitchen đốt bếp yêu thương - Ảnh 7.

Trung bình mỗi ngày, Đà Nẵng Kitchen chuẩn bị khoảng 2.000 suất ăn, có ngày cao điểm, các bếp ăn phục vụ tới hơn 3.000 suất ăn.

Với quan điểm, làm thiện nguyện phải làm nghiêm túc, bài bản, phải chuẩn bị các suất ăn ngon, chất lượng, đảm bảo sức khỏe, phòng chống dịch Covid-19, bà Nguyễn Trúc Chi đã xây dựng một quy trình chuẩn từ nhập hàng, vận chuyển, chế biến, đóng hộp, giao nhận…

Tiếp tục góp sức để "chia lửa" cho tuyến đầu

Chị Hương cho biết thêm, thời gian đầu khi mới thành lập, cũng có nhiều khó khăn trong công tác vận hành vì hầu như Đà Nẵng Kitchen là nơi dành cho những người đam mê về ẩm thực. Khi quy tụ rất nhiều những chủ nhà hàng tham gia vào, cũng sẽ có những bất đồng nhưng may mắn là ai cũng có cái tâm cùng hướng về thành phố nên đã ngồi lại với nhau để gỡ những vướng mắt, đưa ra kế hoạch hoạt động của nhóm và phân chia công việc rõ ràng. Từ đó, tính đến ngày hôm nay thì các anh chị em rất yêu thương và đùm bọc nhau như một mái nhà có tên Đà Nẵng Kitchen.

Ở nơi tâm dịch, Đà Nẵng Kitchen đốt bếp yêu thương - Ảnh 6.

Những tình nguyện viên khi tới bếp phải đảm bảo thông tin sức khỏe minh bạch (xịt khuẩn, khẩu trang, khai báo y tế, đo thân nhiệt) và khi vào bếp phải mang bao tay, khẩu trang 2 lớp và mang trùm đầu.

Đến nay, Đà Nẵng Kitchen đã hoạt động được 22 ngày, hàng chục ngàn suất cơm an toàn đã tiếp sức kịp thời cho đội ngũ y bác sĩ, tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại TP.Đà Nẵng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân và rất nhiều mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trên khắp cả nước đã chung tay hỗ trợ, "tiếp lửa" cho Đà Nẵng Kitchen.

Đặc biệt, nhiều nông trại, trang trại ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Nam... cũng đã thường xuyên gửi thực phẩm rau, củ, quả cho Đà Nẵng Kitchen... Nhờ các mạnh thường quân tin tưởng, tiếp sức nên Đà Nẵng Kitchen đã duy trì các suất ăn đến ngày hôm nay.

Ở nơi tâm dịch, Đà Nẵng Kitchen đốt bếp yêu thương - Ảnh 7.

Thức ăn sau khi được chế biến xong phải qua máy đóng hộp từ tia UV để kháng khuẩn, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch.

"Đã làm thiện nguyện thì đều xuất phát từ cái tâm, cái tình của con người. Dù khác nhau tên gọi nhóm thiện nguyện nhưng có thể nói hiện nay không riêng Đà Nẵng Kitchen, mà toàn bộ các nhóm thiện nguyện đều chung tay, góp sức mong muốn chia sẻ phần nào sự khó khăn, vất vả của các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, vì các "chiến sĩ áo trắng" đang ngày đêm bảo vệ sức khỏe cho người dân...", chị Hương nói.

Ở nơi tâm dịch, Đà Nẵng Kitchen đốt bếp yêu thương - Ảnh 8.

Nhóm thiện nguyện Đà Nẵng Kitchen vẫn tiếp tục công tác hỗ trợ những suất cơm miễn phí cho đội ngũ y bác sĩ và sẽ đồng hành cùng thành phố cho đến khi hết dịch.

"Chính vì vậy thiện nguyện đều hướng tới cái tâm thiện lành và tất cả các đội nhóm hiện nay đều chung sức, đồng lòng, lan tỏa yêu thương với mong muốn Đà Nẵng sớm thoát khỏi dịch và cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn…", đại điện Đà Nẵng Kitchen chia sẻ.

"Hiện tại, nhóm thiện nguyện Đà Nẵng Kitchen vẫn tiếp tục công tác hỗ trợ những suất cơm miễn phí cho đội ngũ y bác sĩ và sẽ đồng hành cùng thành phố cho đến khi hết dịch...", chị Hương nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem