Những bà mẹ thầm lặng trong vùng dịch và những tin nhắn không bị bỏ sót...

Nguyễn Thị Thanh Thúy – Hội quán Các bà mẹ Thứ sáu, ngày 30/07/2021 07:00 AM (GMT+7)
Tất cả các bà, các mẹ ở Hội quán, tất cả những người bạn bè mà chúng tôi nhờ đều nỗ lực hết sức bất kể ngày đêm. Họ nói, sẽ cố gắng để không bỏ sót một ai, không bỏ qua một tin nhắn nào… Đó là những bà mẹ của Hội quán chúng tôi - Hội Quán Các Bà Mẹ TP.HCM.
Bình luận 0

Những ngày TP.HCM chưa bị dịch Covid – 19, cuối tuần nào cũng có 1 phiên chợ nhỏ với rau, dưa, cà, sách… của những người phụ nữ bình dị nép dưới cây đa cổ thụ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM). Một cách rất thầm lặng, những người bà, người mẹ, người chị ấy hơn chục năm nay vẫn hỗ trợ hàng nghìn gia đình khó khăn. 

Còn những ngày này, khi thành phố "bị ốm", người ta lại thấy những người phụ nữ chân yếu tay mềm ấy trong bộ đồ bảo hộ mang hàng trăm suất ăn, khệ nệ với những thùng vật tư y tế to hơn người mình để hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch…

Mọi tin nhắn đều được trả lời…

- "Chị ơi, em muốn nhắn nhờ các chị giúp đỡ các bạn em là công nhân đang ở Bình Chánh mà em chần chừ sáng giờ. Biết là các chị rất bận nhưng em xót quá, lại không thể làm được gì. Mấy bạn là công nhân, nghỉ việc hơn tháng nay, tiền thì không có, chỉ toàn ăn mì gói thôi... Nếu có thể, các chị hỗ trợ gạo, thức ăn cho các bạn ấy được không ạ?"

- "Các chị ơi, bệnh viện vừa có thêm 15 bé F0 mới trên 1 tuổi. Các chị có thể giúp nấu cháo cho các bé được không ạ?"

- "Em là H, em quê ở Quảng Ngãi. Em làm phụ hồ nhưng hiện nay tình hình dịch bệnh kéo dài nên thức ăn cũng thiếu thốn. Em xin 2 suất ăn được không chị?"

Những bà mẹ trong vùng dịch...  - Ảnh 1.

Cô giáo Quỳnh Chi vừa nấu ăn vừa trực tiếp lái xe giao cơm hỗ trợ người nghèo. Ảnh: NVCC

"Bất kể sự cho đi nào cũng xứng đáng được đón nhận, bất cứ điều gì trao tặng cũng cần sự trân trọng xứng đáng. Một cọng rau, một miếng ớt dầm tương cũng vô cùng được thương yêu trong mỗi hộp cơm. Cảm ơn tất cả những nhân duyên đã mang chúng ta đến với nhau. Biết ơn các cô chú, anh chị em, các bạn rất nhiều".

Chị Hoài Thư – thành viên

Hội quán Các Bà Mẹ TP.HCM

Mỗi ngày, một thành viên trong Hội quán chúng tôi nhận vài chục, thậm chí cả trăm tin nhắn như thế. Vừa kêu gọi, vừa điều phối, vừa lo việc phòng chống dịch bệnh cho gia đình, nhưng chưa thành viên nào trong nhóm không hồi âm lại những tin nhắn như thế.

Mỗi sự nhờ cậy, dù khó, dù dễ, dù ít, dù nhiều... bằng cách này hoặc cách khác đều được các bà, các mẹ, các chị tìm cách gỡ rối và đáp ứng yêu cầu…

Tôi nhớ, thời điểm đầu tháng 7, Trần Thị Hoài Thư – một thành viên của Hội quán cùng các chị em bắt đầu mở bếp nấu cơm phục vụ cho nhóm sinh viên Trường Y tình nguyện tại các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị Covid - 19. Từ đó, chúng tôi tạo thành một mạng lưới thông tin xuyên suốt. 

Các bà mẹ nhận được tin là phân công ngay nhiệm vụ cho từng người, tùy địa bàn hỗ trợ để đảm bảo sự nhanh chóng, thuận tiện và an toàn nhất. Khắp thành phố này, ở đâu cũng có các bà, các mẹ, thậm chí là các anh, các cháu nhỏ… sẵn sàng giải các bài toán vừa được đưa ra. Chúng tôi thường nói vui với nhau: Chỉ cần "nổ" địa chỉ, có số điện thoại là tìm cách hỗ trợ được nhau.

Tất cả các bà, các mẹ ở Hội quán, tất cả những người bạn bè mà chúng tôi nhờ, đều nỗ lực hết sức bất kể ngày đêm. Họ nói, sẽ cố gắng để không bỏ sót một ai, không bỏ qua một tin nhắn nào…

Những suất cơm được dán nhãn trái tim

Chương trình hỗ trợ của chúng tôi khởi động đúng thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất. Số ca F0 tăng lên chóng mặt và tới con số vài nghìn một ngày. Thêm nhiều bệnh viện dã chiến được mở ra, bệnh nhân tăng lên, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Áp lực công việc, thời gian làm việc căng thẳng, khiến chính các bác sĩ cũng gặp nhiều vấn đề trong việc đảm bảo sức khỏe cho chính mình.

Những bà mẹ trong vùng dịch...  - Ảnh 3.

Những lời nhắn yêu thương của các con trong tâm dịch. Ảnh: NVCC

Những bà mẹ trong vùng dịch...  - Ảnh 4.

Những lời nhắn yêu thương của các con trong tâm dịch. Ảnh: NVCC

"Thấy các em (y bác sĩ, điều dưỡng) mặc đồ bảo hộ cả ngày thương lắm! Mất nước lắm nên chỉ mong muốn bữa sáng các em được ăn món gì có nước chút", đó là lời chia sẻ của một bác sĩ phụ trách bệnh viện gửi đến chúng tôi.

Ngay lập tức, tôi nhờ chị Đan Hà – một trong những người bận rộn nhất của Hội quán. Rất bất ngờ, chị nhận lời ngay và lập tức lên thực đơn. Chính từ căn bếp nhà mình, mẹ con chị đã khéo léo sắp đặt để nấu cùng lúc 300 suất ăn sáng cho các y bác sĩ và thêm cả trăm suất cháo cho bệnh nhi. 

Hai con của chị Đan Hà giúp mẹ rất nhiều. Không chỉ phụ mẹ lo cho những bữa chính, các bạn còn tự làm các món bánh, viết thêm lời yêu thương gửi tới bệnh viện để động viên cả bác sĩ và bệnh nhân. "Cậu sẽ khỏe thôi, chắn chắn như thế! Hãy tin vào bản thân mình nhé"; "Thương gửi tất cả các bác sĩ. Các bác sẽ làm được tốt nhiệm vụ của mình. Các bác là những anh hùng"… Đó là những lời nhắn được các em viết trên những miếng giấy hình trái tim hồng dán trên mỗi suất ăn gửi vào bệnh viện.

Những ngày này, để hỗ trợ kịp các suất ăn, bếp của chị Trang Tara- nhóm Mầm Xanh, bếp của chị Hồ Như Khánh, của cô Nguyễn Anh Quỳnh Chi; bếp làm thức uống của Bông Súng, Tố Nga, Trâm Anh… cũng làm hết công suất. Món nào cũng chăm chút kỹ lưỡng, đầy ắp sự yêu thương từ tâm của những người mẹ!

Một vòng tròn lan tỏa mãnh liệt, chính các bếp cũng nhận được sự hỗ trợ, chung tay của rất nhiều cá nhân, tổ chức. Những vật phẩm gửi về bếp luôn có những tin nhắn kèm nghe rất thương: "Hôm nay ngoài 16kg chanh muối, mơ ngâm gửi bếp nước còn có 2 bao chè xanh lá nhỏ trồng đất đỏ bazan của bạn em 7 giờ tối hôm qua chở xuống nữa nha các chị. À, còn có một túi bẹ nha đam bạn cho, em gửi luôn cho bếp. Cảm ơn các chị em ngày đêm lo cho Sai Gòn mau khỏe lại".

Không giới hạn

Tưởng chỉ xoanh quanh chuyện bếp, chuyện lương thực, thực phẩm thôi, đâu ngờ những lời nhắn gửi từ các bệnh viện về với mong muốn có thêm trang thiết bị y tế để lại đặt ra cho những bà mẹ quẩn quanh bếp núc chúng tôi một bài toán mới. Không biết thì hỏi tìm chuyên gia, không có cách thì nhờ cộng đồng giúp sức, sau khi các thông tin được đăng tải lên, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người cả về vật chất, tinh thần lẫn kiến thức.

Các nhóm "Chia Sẻ Sài Gòn", "Yêu Sài Gòn", "Những Người Yêu Sài Gòn", "Yêu Thương Sài Gòn", "We Wake up Foundation"… và nhóm các bác sĩ cùng chung tay, góp sức nên chúng tôi đã tặng được một số thiết bị y tế cho không chỉ các bệnh viện trong thành mà còn ở các tỉnh ân cận. Chúng tôi, cũng không thể nghĩ đến những trang thiết bị y tế được được gửi tặng nếu không nhờ sức mạnh của sự lan tỏa và cộng hưởng của cô giáo Đỗ Phượng Uyên, nhà giáo- nhà văn Võ Diệu Thanh, nhà văn Nguyễn Bích Lan, chị Lý Nguyễn và nhiều người khác nữa…

Tôi đã rơi nước mắt khi đọc tâm sự của chị Lý Nguyễn - thành viên Cộng đồng tự kỷ tham gia vào chương trình hỗ trợ chung: "Mình đã cay mắt khi nhận được chiếc phong bì ủng hộ từ bé Lê Trâm Anh - học sinh lớp 2/1 Trường Tiểu học Fansipan với lời chúc: "Con chúc đồng bào miền Nam sớm vượt qua cơn đại dịch. Chúc các bác sĩ càng ngày càng cố gắng để đẩy lùi dịch bệnh".

Xin mượn dòng tâm sự của chị Trang Tara - phụ trách một bếp ăn trong chương trình thay cho lời kết: "Thương thắt lòng các bạn trong team, 1 giờ 30 đêm dậy nấu ăn, hay đợi thịt rã đông tới 3 giờ 30 đêm mới nấu xong đi ngủ. Các bạn bếp vệ tinh, các bạn vòng ngoài, kiếm tìm nguyên vật liệu, giao cơm. Hẹn một ngày bớt dịch, chị em mình có một tấm chụp chung kỷ niệm. Còn bây giờ ai nấu nhà đó, nên chỉ có hình đồ ăn. Và bếp chỉ dừng lại khi các bệnh viện không còn cần tới nữa". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem