Tuy Đông Sang là xã vùng 1 của huyện Mộc Châu nhưng đời sống người dân nơi đây vẫn còn khó khăn. Bà con chủ yếu sống bằng nông nghiệp nhưng vì vùng cao nguyên này khô cằn nên chẳng có lấy nổi 1ha lúa nước.
|
Nông dân bản Áng, xã Đông Sang thu mua su su sạch chở về Hà Nội tiêu thụ. |
Giúp ND biết khai thác lợi thế
Ông Giang cho biết: Những năm gần đây, Nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho Đông Sang phát triển sản xuất hàng hoá và dịch vụ. Chính quyền và Hội ND xã đã có nhiều giải pháp để khai thác những lợi thế đó, giúp ND xoá nghèo, làm giàu.
Anh Vì Văn Hưởng - Trưởng bản Áng 1, tâm sự: Trước đây, chúng tôi nghèo khó lắm, vì tất cả chỉ trông chờ vào mấy cây trồng trên nương mà lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên. Nay xã hội văn minh lên, thị trường phát triển, Hội ND tích cực vận động bà con chuyển đổi sản xuất, phối hợp với khuyến nông, doanh nghiệp đưa khoa học kỹ thuật, giống, vốn về cho ND nên đời sống được cải thiện hơn.
Hơn 10 năm nay, bà con tập trung phát triển rau xanh hàng hoá cung ứng cho thị trường Hà Nội; trong đó trồng nhiều nhất là su su, hầu như nhà nào cũng trồng. Mỗi ha su su cho thu nhập gấp cả chục lần trồng ngô nên đời sống khá hơn nhiều.
Chị Vì Thị Len, bản Áng 2, cho biết: Từ khi huyện tổ chức đẩy mạnh khu du lịch rừng thông bản Áng, Hội ND đã phối hợp với các ngành chức năng tập huấn cho chúng tôi về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm kinh tế dịch vụ, đồng thời khai thác lợi thế về văn hoá của địa phương để đáp ứng nhu cầu của du khách. Mình biết cách làm vui lòng khách thì ngày càng có nhiều khách về hơn, xã, bản thêm vui mà hộ làm dịch vụ cũng tăng thu nhập.
Nguồn thu tăng lên
Đến với bản Cóc, một trong những bản khó khăn nhất của xã vì đường giao thông chưa kiên cố hoá, chưa có điện, nhưng đời sống của bà con đã được cải thiện hơn trước nhiều. Anh Hà Văn Luyến - người dân bản Cóc cho biết: Từ khi Hội ND tuyên truyền, vận động bà con phát huy lợi thế vườn rừng, đẩy mạnh chăn nuôi, xen canh tăng vụ, thu nhập của người dân cao hơn hẳn mà chẳng cần phải phá thêm rừng làm nương mới.
“Hội ND ở đây hoạt động tích cực lắm. Không chỉ tuyên truyền, giúp chúng tôi về kiến thức, Hội còn giúp chúng tôi mua giống, phân bón trả chậm, vay vốn với lãi suất ưu đãi”.
Anh Hà Văn Luyến
Cũng theo anh Luyến, dân bản bây giờ có nhiều nguồn thu với số lượng lớn hơn trước đây nhờ biết trồng thêm rau xanh, dong giềng, đậu tương, đỗ đen, đỗ xanh. Nhiều hộ còn nuôi lợn, gà, trâu, bò với số lượng lớn như nhà ông Vàng Khua Nếnh có gần 100 con trâu, bò...
Thoăn thoắt xếp những quả bí đỏ vào chái nhà, chị Vì Thị Tươi, bản Cóc bảo: “Trước đây chẳng ai nghĩ tới trồng bí đỏ nhiều để làm gì. Bây giờ Hội ND hướng dẫn trồng bí đỏ hàng hóa, nhà ai cũng trồng. Bí đỏ không chỉ làm thức ăn chăn nuôi, chế biến bánh kẹp mà hạt bí được thị trường ưa chuộng, giá cao. Cứ có vài tấn bí đỏ là mua được một cái xe máy tốt đấy”.
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.