Giúp người thất nghiệp học lại nghề: Nguồn lực không thiếu, cần tăng quy mô hỗ trợ
Giúp người thất nghiệp học lại nghề: Nguồn lực không thiếu, cần tăng quy mô hỗ trợ
Nguyệt Tạ
Thứ hai, ngày 15/03/2021 06:30 AM (GMT+7)
Đó là những gì ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH) chia sẻ với PV Báo NTNN/Dân Việt liên quan đến giải pháp tăng tỷ lệ lao động thất nghiệp được đào tạo lại.
Ông đánh giá về công tác đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp hiện nay như thế nào?
- Vừa qua, dịch Covid -19 đã tác động mạnh mẽ, làm ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống. Trong đó, người lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề với một tỷ lệ không nhỏ lao động bị giảm việc, số khác thì mất việc, giảm thu nhập…
Đứng trước bối cảnh đó, đáng lẽ công tác đào tạo nghề lại cho những lao động thất nghiệp được xem là nhiệm vụ quan trọng, tuy nhiên thực tế chưa được như kỳ vọng. Số liệu cho thấy, chỉ khoảng 5% tổng số lao động thất nghiệp được học nghề.
Có thực trạng hiện nay là nhiều lao động thất nghiệp được hỗ trợ nhưng lại không học nghề. Theo ông vì sao?
- Không cần khảo sát cũng có thể nhận thấy, thu nhập và việc làm là hai vấn đề quan trọng nhất lao động quan tâm. Và như vậy, khi không có việc làm, lao động sẽ không có tiền để nuôi sống bản thân và gia đình. Do vậy, rất nhiều người khi mất việc làm chỉ muốn lĩnh khoản trợ cấp thất nghiệp để lo cho cuộc sống hiện tại thay vì học nghề. Đó là tâm lý chung, có thể hiểu được của nhiều người lao động.
Mặt khác, đội ngũ tư vấn giới thiệu học nghề cho lao động ở trung tâm dịch vụ việc làm cũng chưa phải là đội ngũ thiện chiến, chuyên nghiệp. Họ chỉ tư vấn được một số nghề trên địa bàn, giới hạn trong một số nghề cũ. Điều này khiến cho lao động chưa thực sự mặn mà.
Cần phải làm gì để giải bài toán nâng tỷ lệ và chất lượng lao động học nghề, thưa ông?
- Về giải pháp, tôi cho rằng cần thực hiện đồng bộ hai nhóm giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường thực hiện chính sách, đưa chính sách hiện có vào cuộc sống. Ví như hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đào tạo, đào tạo lại. Nâng cao chất lượng của đội ngũ tư vấn học nghề tại trung tâm dịch vụ việc làm cũng như chất lượng nghề được dạy...
Hiện nay nguồn quỹ BHTN đang kết dư khá lớn, hơn 84.000 tỷ đồng, vì thế có thể tăng hỗ trợ tiền trợ cấp thất nghiệp và tiền dạy nghề cho lao động thất nghiệp. Có thể tính toán kết hợp với giải pháp tín dụng vay vốn không lãi suất, kết nối việc làm, tiêu thụ sản phẩm... cho lao động hậu học nghề.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang trình Chính phủ đề án đào tạo lại lao động thất nghiệp. Xin ông chia sẻ rõ hơn về đề án này?
- Đúng vậy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang trình Đề án "Đào tạo và đào tạo lại cho người lao động". Nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ Quỹ BHTN. Mục tiêu đề án sẽ đào tạo cho người lao động chủ động hơn, nhằm thích ứng với quá trình đổi thay của thị trường lao động. Ở đây không chỉ đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghề nữa mà phải đào tạo chủ động giúp lao động thích ứng với thị trường trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thậm chí phải đào tạo chủ động, từ trước khi có nguy cơ thất nghiệp.
Phương pháp thực hiện là căn cứ vào nhu cầu thực tế của người lao động, tùy thuộc lao động thích học nghề ngắn hạn hay dài hạn để hỗ trợ. Với những lao động đã có kỹ năng nghề, chưa có bằng cấp thì tổ chức đánh giá công nhận kỹ năng nghề cho lao động. Hiện Đề án "Đào tạo và đào tạo lại lao động" đã có ý kiến để hoàn thiện và đang đi tới chặng đường cuối cùng. Khả năng trong quý II/2021 sẽ hoàn thiện Chính phủ ký triển khai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.